Suối Nghệ là vùng đất trù phú, trồng nhiều cây trái. Người dân đã trồng nhiều hecta cỏ để nuôi cừu. Chị Uyên, người quản lý trông coi đàn cừu kể: "Cách đây 8 năm, chúng tôi quyết định nuôi 200 con cừu để phục vụ du khách tham quan du lịch với hy vọng mọi người sẽ dừng chân trên quê hương Suối Nghệ. Khi du khách từ TPHCM và các tỉnh, thành đi du lịch thành phố biển Vũng Tàu, thay vì đi thẳng một mạch thì nay có thể dừng chân nghỉ ngơi, uống nước dừa và thăm đàn cừu của chúng tôi".
Khung cảnh thiên nhiên hoang sơ của đồi cừu.
Người dân Suối Nghệ nuôi ngựa và cừu.
Những con cừu rất thân thiện và có trí nhớ đặc biệt tốt. Chúng có thể tìm đường về nhà mỗi ngày mà không cần ai dẫn dắt. Một vài con cừu quá năng động đã được "kìm chế" bằng cách đeo gạch vào cổ.
Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, nhiều du khách đã ghé thăm vui chơi, chụp ảnh cùng đàn cừu.
Một số du khách nhận xét, đàn cừu rất dễ thương, mến khách. Chúng tạo ra một không khí thân thiện giữa con người với thiên nhiên.
Các em nhỏ đặc biệt thích đàn cừu và thường cho chúng ăn những hạt ngô.
Các cặp đôi lưu giữ khoảnh khắc trở về với thiên nhiên.
Theo chị Uyên, người trông coi đàn cừu, trong dịp nghỉ lễ này, bình quân mỗi ngày, điểm tham quan này đón gần 100 đoàn khách.
Các con cừu đều có mã số riêng. Theo chị Uyên, đàn cừu do người dân địa phương nuôi tự phát làm du lịch nên vốn đầu tư không nhiều như các công ty.
Đàn cừu nhận được sự yêu mến và chăm sóc của du khách xa gần. "Trong đợt đại dịch COVID-19, chúng tôi lao đao vì không có nguồn thu mà vẫn nuôi 200 con cừu cũng với việc trả lương 4 người chăm sóc. Chúng tôi đã định bán đàn cừu, nhưng nhiều du khách và các công ty lữ hành gọi điện mong giữ lại đàn cừu để khách ghé thăm Suối Nghệ nên chúng tôi giữ đàn cừu lại đến bây giờ" - chị Uyên cho hay.
"Đàn cừu rất trông mong du khách, cứ 5 giờ sáng là chúng đã tự chạy xuống đồi để chờ khách ghé thăm" - chị Uyên tiết lộ.
Theo Tiền Phong