"Đời tôi lúc nào cũng dở"
“Tại sao em luôn gặp đen đủi trong tình yêu? Hết lần này đến lần khác, em chỉ toàn gặp phải đàn ông vô tâm với mình, em đối tốt với họ thế cơ mà!”.
“Tôi đã hoàn thành đủ các đầu việc được giao, chả sót việc nào. Mấy người khác thậm chí còn làm kém và chậm hơn. Tại sao sếp chẳng bao giờ công nhận và tăng lương cho tôi?”.
Chúng ta có thể đã bắt gặp những lời trên rất nhiều lần trong đời sống, từ đồng nghiệp, bạn bè hay thậm chí là chính ta. Xu hướng than thở, đổ lỗi và tự mang tâm lý mình là “nạn nhân” của điều không như ý xuất hiện phổ biến, hầu như ai cũng từng hoặc đang mắc phải.
“Your life is what you think it is”, cuộc đời chính là những gì bạn nghĩ. Nếu bạn nhìn ở góc độ tích cực và cầu tiến, đời thật dễ chịu. Nếu bạn luôn thấy mình là kẻ “bị hại”, là người đáng thương trong tất cả các tình huống không như ý, thì đúng rồi đấy, cuộc đời bạn đúng là đen đủi y như những gì bạn nghĩ.
Tâm bạn bế tắc, đời toàn bế tắc. Tâm bạn nở hoa, đời ắt ngát hương.
Quyền lực của 1 nạn nhân
Tâm lý “nạn nhân” là một thuật ngữ trong tâm lý học để chỉ một loại tư duy rối loạn chức năng, cố gắng tìm kiếm cảm giác bị đau khổ để được quan tâm, chú ý, thương xót với mục đích chính là né tránh việc chịu tránh nhiệm.
Người mang xu hướng tư duy này thường hay than thở, luôn đổ lỗi cho ngoại cảnh và thấy mình vô can. Thay vì nhìn sự việc xảy ra như nó vốn là, họ luôn nhìn nhận rằng sự việc xảy ra chỉ để “nhắm” vào mình.
Tự biến mình thành một “nạn nhân” đáng thương thực ra đã mang lại cho họ quyền lực hơn những gì người khác nhìn thấy được. Liên tục than thở rằng mọi việc đều nằm ngoài tầm kiểm soát, họ chẳng thể làm gì hơn là chịu đựng điều này, người “nạn nhân” cố gắng lấy được sự cảm thông và thương hại từ xung quanh.
Từ sâu thẳm, người “nạn nhân” muốn đạt được mục đích né tránh trách nhiệm cho mọi thứ, thậm chí cả trách nhiệm với chính cuộc đời họ. Họ tự lừa mình và dối người rằng: “Mình không có quyền lực nên chẳng cần phải hành động”.
Thực tế, cố gắng đưa ra lời khuyên cho những người “nạn nhân” cũng chẳng khác gì “nước đổ lá khoai”. Khi họ than thở, điều họ cần không phải là lời khuyên sáng suốt mà là tìm kiếm sự đồng tình ủng hộ, có thật nhiều người đứng về phía mình. Nếu có ai đó góp ý thẳng thắn, chỉ ra lỗi lầm thì họ lập tức “xù lông nhím” và coi đó là sự chỉ trích.
Làm sao để thoát khỏi tâm lý nạn nhân?
“Khi bạn đang đổ lỗi cho vũ trụ và cuộc sống về nỗi đau khổ của mình, bạn không thực sự quan tâm đến nỗi đau khổ của mình hoặc giúp bản thân cảm thấy tốt hơn. Bằng cách khẳng định vai trò nạn nhân, bạn chỉ khiến nỗi đau của mình tăng thêm”, trích lời nhà tâm lý học Nancy Colier viết trên trang Psychology Today.
Điều đầu tiên để thoát khỏi dạng rối loạn tâm lý này đó là: thấu hiểu và chấp nhận cảm xúc mình đang có. Tâm lý nạn nhân có thể bắt nguồn từ một ký ức, trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu, hoặc hành vi ta bắt gặp ở cha mẹ mình thuở nhỏ. Nhớ lại ký ức đó và từng bước chữa lành bản thân ở quá khứ cũng là một cách xoa dịu tâm lý để tự tin hơn.
Thay vì luôn tự cho mình là một người “thất bại”, hãy nhớ rằng bạn chính là CEO cuộc đời mình, mọi sự đến với bạn đều nằm trong khả năng giải quyết của bạn và bạn chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của chính mình.
Hãy tập bỏ thói quen kêu ca phàn nàn mỗi khi bạn nói chuyện với ai đó. Việc than thở, phàn nàn chỉ minh chứng rằng bạn đang bất lực. Hãy để bản thân được một mình nhiều hơn, làm việc với tâm trí và tự hỏi rằng: “Thực ra mình đang cố trốn tránh điều gì? Điều đó có gì khiến mình sợ hãi? Nỗi sợ đó có thật không, hay là do trí tưởng tượng của mình đã phóng đại nó?”.
Với mỗi vấn đề trong cuộc sống, hãy bình tâm lại, hít một hơi thật sâu và cho bản thân một cơ hội làm chủ cuộc đời mình.
Theo Emdep