Bao Thanh Thiên được biết đến là bộ phim truyền hình cổ trang của Đài Loan. Dù đã có rất nhiều phiên bản ra đời, nhưng đối với nhiều khán giả cũng như giới chuyên môn, Bao Thanh Thiên (1993) được xem là phiên bản kinh điển nhất.
Nội dung phim kể về nhân vật Bao Thanh Thiên hay còn gọi là Bao Công nổi tiếng với hình tượng của một vị quan thanh liêm, chính trực thời Bắc Tống. Thế nhưng, ít ai biết rằng sự thật về con người vị quan này lại không như phim ảnh miêu tả.
Bộ phim Bao Thanh Thiên (1993) là phiên bản kinh điển nhất.
Bao Công da không hề đen
Câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của ông đã trở thành niềm cảm hứng dạt dào cho điện ảnh cũng như văn học. Cho dù là tác phẩm kinh điển như Bao Thanh Thiên 1993 hay những phiên bản làm lại khác, các nhà làm phim đều xây dựng hình ảnh Bao Công có làn da đen như than.
Nhiều khán giả đặt ra nghi vấn, da của Bao Công trong lịch sử thật sự có đen như vậy không? Câu trả lời của các nhà sử học là không.
Bao Công ngoài đời thực da không đen như trong phim.
Theo sử sách, Bao Công là người ở Hợp Phì, Lư Châu (nay là thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc). Đây là tỉnh có màu sắc làn da tiêu biểu của người Trung Quốc. Người dân ở đây đều có làn da màu vàng hoặc trắng, vì vậy việc xuất hiện một người có làn da đen như Bao Công dường như là hoàn toàn không có khả năng.
Ngoài đời thực, Bao Công thậm chí lại trắng trẻo và có phần thư sinh. Tạo hình mặt đen là do ảnh hưởng của Kinh kịch, hát bội. Mặt trắng là đại diện cho kẻ tiểu nhân; mặt đỏ là đại diện cho nghĩa khí, trung nghĩa, mặt đen đại diện cho nghiêm túc, công chính liêm minh, quân tử. Do vậy, các nhà làm phim đã dựa vào truyền thuyết này để xây dựng nên một vị viên quan có thể đi về giữa hai cõi dương gian và âm phủ, nói chuyện với hồn và xử án ở dưới âm phủ.
Bên cạnh đó, dáng vóc của Bao Công cũng không cao to như những nhân vật trong phim kịch. Theo khảo sát và phân tích các di chỉ khi khai quật mộ của Bao Chửng thì ông chỉ cao khoảng 1m65.
Hình tượng nhân vật Bao Công do dân gian khắc họa.
Dù là một vị quan được lòng vạn dân, nhưng Bao Công là một người rất nghiêm khắc với gia đình. Do ảnh hưởng và sự dạy dỗ của cha, các con của ông cũng sống rất giản dị, đúng chuẩn mực. Bao Công từng tuyên bố với các con của ông rằng: “Nếu bất kỳ ai trong các con vi phạm luật lệ, đều không được chôn cất trong lăng mộ của tổ tiên”.
Vào năm 1052, vì giúp đỡ người thân là Trương Nghêu Tá, ông làm phật lòng Hoàng đế và bị thuyên chuyển công tác, 4 năm sau mới được trở về. Chức vụ cao nhất là Bao Công đảm nhận ở cuối đời là Khu mật Phó sứ, tương đương với chức Phó tể tướng.
Vụ án không có thật ở thời Bắc Tống
Theo lịch sử Trung Quốc, Bao Công làm quan vào thời Bắc Tống (960-1127). Theo đó, những câu chuyện về Bao Công tại thời này đều chưa xuất hiện cho đến đời nhà Nguyên (1271-1368).
Những vụ án ly kỳ nổi tiếng trong Bao Thanh Thiên như Ly miêu hoán chúa, Trần Thế Mỹ và Tần Hương Liên... đều không xảy ra vào thời Bắc Tống, thời đại Bao Chửng làm quan. Những vụ án này được lấy cảm hứng từ những câu chuyện tại thời nhà Nguyên và do dân gian thêu dệt nên.
Các vụ án trong Bao Thanh Thiên đều không có ở thời Bắc Tống.
Thậm chí mãi đến thời nhà Minh, khi các loại hình nghệ thuật như Kinh kịch phát triển mạnh thì nhiều vụ án khác mới xuất hiện.
Về phá án, trong chính sử chỉ chép hai vụ liên quan đến Bao Công, một ở thời điểm làm tri huyện Thiên Trường (vụ án chiếc lưỡi bò) và một khi đã đứng đầu Tri gián viện (vụ Lãnh Thanh mạo danh Thái tử).
Cái chết chứa nhiều uẩn khúc
Vào năm 1062, Bao Công lâm bệnh và mất ở nơi làm việc, hưởng thọ 64 tuổi. Tuy nhiên, cái chết của ông hiện vẫn để lại nhiều uẩn khúc, do ông chỉ lâm bệnh trong vỏn vẹn 13 ngày.
Những điểm bất thường xung quanh cái chết chóng vánh của Bao Thanh Thiên đã làm dấy lên nhiều nghi ngờ của người đương thời và cả hậu thế sau này.
Có người nhận định rằng, sự ra đi của ông có liên quan đến thứ “thuốc bổ” mà Hoàng thượng gián tiếp ban cho. Nhiều người nghi ngờ rằng, những thái y do ghen ghét Bao Công, nên cố tình cho thêm thành phần độc hại vào trong thuốc, khiến bệnh tình của ông trở nên trầm trọng hơn.
Nhiều người nghi ngờ cái chết của Bao Công có nhiều bí mật chưa được giải đáp.
Sau khi ông mất, Hoàng đế Tống Nhân Tông đích thân làm chủ lễ truy điệu, phong cho Bao Công là Lại bộ Thượng thư, ban cho thụy hiệu “Hiếu Túc”, có nghĩa là hiếu đạo và thiết diện vô tư và còn phái một đoàn ngự lâm quân hộ tống linh cữu ông về mai táng ở quê nhà ông.
Về sau, khi các nhà khoa học tiến hành phân tích mảnh xương từ di cốt của vị quan này đã phần nào hé mở chân tướng sự việc. Theo đó, kết quả cho thấy hàm lượng thủy ngân,sắt và canxi trong xương ông cao hơn nhiều so với xương của người hiện đại, trong khi đó hàm lượng chì và arsen (thạch tín) lại thấp hơn người thường.
Mặc dù vậy, thời xưa chủ yếu dùng độc dược là tì sương (thạch tín) và chu sa (thủy ngân). Do đó, kết quả này loại trừ khả năng Bao Công bị trúng độc cấp tính do uống phải thuốc có chứa thạch tín.
Phủ Khai Phong ngày nay tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Rõ ràng là trong lịch sử, hình tượng nhân vật Bao Công đã được "thổi phồng" lên rất nhiều so với sự thật. Tuy nhiên, điều này cũng không có gì đáng trách bởi văn hóa cần có sự "cường điệu" nhất định khi đưa lên phim và các tác phẩm nghệ thuật khác.
Bằng cách này, không thể phủ nhận Bao Công là một trong những hình tượng văn hóa, nghệ thuật giá trị bậc nhất của Trung Quốc đương đại.
Theo Dân Việt