Những cú đánh mạnh mẽ, ra tay dứt điểm, tàn ác của trùm giang hồ Thanh Sói gây ấn tượng mạnh với khán giả khi xem phim Hai Phượng. Sự xuất hiện của nhân vật máu lạnh này làm cho hành trình tìm con của Hai Phượng thêm gian nan, khó khăn.
Khi tác phẩm hành động của đạo diễn Lê Văn Kiệt ra mắt, bên cạnh sự thuyết phục của Ngô Thanh Vân, khán giả cũng dành nhiều lời khen cho vai diễn Thanh Sói của nữ võ sĩ Thanh Hoa.
Gặp nữ võ sĩ ngoài đời, người viết bất ngờ khi trước mắt mình là hình ảnh một Thanh Hoa với gương mặt hiền lành, giọng nói nhỏ nhẹ, khác hẳn sự dữ tợn, hầm hố trên màn ảnh.
Cô cười nói: “Tôi đi casting nhiều vai giang hồ nhưng đều bị từ chối vì gương mặt phản chủ”.
14 năm làm cascadeur
Nhắc đến vai Thanh Sói, Thanh Hoa không giấu được sự xúc động. Cô hào hứng cho hay đây là vai diễn lớn đầu tiên trên màn ảnh rộng của mình.
“Tôi từng đóng Hương Ga và một số phim khác nhưng vai diễn chỉ lướt qua như một cơn gió, không đọng lại điều gì. Tôi còn không có cơ hội để nhìn mình trên phim. Với Thanh Sói, tôi được sống với chính nhân vật, hiểu được diễn xuất như thế nào”, cô nói.
Võ sư Thanh Hoa giản dị, hiền lành ở ngoài đời.
Để được đạo diễn Lê Văn Kiệt đồng ý vào vai trùm giang hồ, Thanh Hoa kể cô thuyết phục bằng kinh nghiệm làm cascadeur 14 năm, trình độ karate tam đẳng. Điểm trừ của cô là ngoại hình nhỏ con và gương mặt hiền. "Lần đầu tới đoàn phim, chị Ngô Thanh Vân bất ngờ, thốt lên Thanh Sói ngoài đời nhỏ nhắn, không hầm hố như hình", cô nhớ lại.
Và gương mặt thêm một lần nữa khiến nữ võ sư khốn khổ. Cô cho hay khi đi quyền, đánh đấm, gương mặt cô khá dữ, bình thường bị nhận xét quá hiền. Vì vậy, khi đến đoàn phim, người khác một lần hoá trang là xong, với cô, chuyên gia phải thay đổi liên tục. Để có một hình ảnh Thanh Sói dữ tợn như trên phim, Thanh Hoa phải kiên trì ngồi hoá trang suốt ba ngày. Sau hàng loạt thay đổi, tạo hình của Thanh Hoa mới được đạo diễn Lê Văn Kiệt và Ngô Thanh Vân đồng ý.
Khó khăn hơn cả với Thanh Hoa trong quá trình quay Hai Phượng là thực hiện những cảnh quay hành động. Nghe có vẻ vô lý bởi diễn viên đóng thế, tại sao lại khó khăn với cảnh hành động? Cô cho biết trước mỗi cảnh quay đều tập rất kỹ ở nhà. Tuy nhiên, ra hiện trường mọi thứ thay đổi, chưa kể cô phải mặc bộ đồ bó sát, đi giày cao gót.
“Nếu đóng thế, tôi chỉ quan tâm đến hành động. Lúc đóng phim, tôi không chỉ làm hành động thật tốt mà còn phải thể hiện cơ mặt, cảm xúc. Áp lực quá lớn nên đôi khi tôi thực hiện cảnh hành động không tốt. Tôi thầm giận bản thân mình. May mắn là bên cạnh tôi, còn có sự hỗ trợ, hướng dẫn của chị Ngô Thanh Vân và đạo diễn Lê Văn Kiệt”.
Thanh Hoa thú nhận cảm xúc với Hai Phượng mạnh mẽ không chỉ bởi cô có vai diễn lớn mà sự thích thú với một đoàn phim chuyên nghiệp. 14 năm, đóng thế hàng chục bộ phim Việt, Thanh Hoa cho hay không ấn tượng với bất cứ đoàn phim nào. Song với đoàn phim của đạo diễn Lê Văn Kiệt, cô thật sự cảm thấy được trân trọng.
Hình ảnh hầm hố của Thanh Hoa trong phim.
Cô cho biết đa số các đoàn phim có sự phân biệt, đối xử giữa diễn viên chính và diễn viên phụ, cascaduer càng không đáng được quan tâm. Ngược lại, trong phim của Ngô Thanh Vân, Thanh Hoa cho biết chỉ đóng vai phụ nhưng vẫn có một trợ lý đi theo, phục vụ.
“Một lần, tôi đến sớm, chưa có ghế nên ngồi tạm trên bục quay phim. Chị Ngô Thanh Vân nhìn thấy đã la phó đạo diễn vì không chuẩn bị ghế cho diễn viên. Lần khác, đóng cảnh quay hành động từ 8h sáng đến 1h khuya, chị Vân đưa đồ ăn và nước uống riêng cho tôi. Sự quan tâm này thật ấm áp, khiến tôi cảm động”, cô kể.
Thanh Hoa cho rằng sự quan tâm diễn viên là cách làm phim chuyên nghiệp và cũng là sự đầu tư thông minh bởi "diễn viên không xảy ra tai nạn, không ốm đau thì phim quay nhanh hơn, đảm bảo tiến độ".
“Các hãng phim Việt Nam nên học hỏi cách làm phim của chị Ngô Thanh Vân, chứ không phải diễn viên quay xong là thôi, dẹp qua một bên. Một số đoàn phim chỉ chăm sóc diễn viên chính thôi. Cascaduer làm xong, đi về như một chiếc bóng. Để có những diễn viên, bộ phim tâm huyết thì cần có nhà sản xuất tâm huyết”, cô nhấn mạnh.
Cascadeur - Nghề đứng sau vinh quang của người khác
Nói đến cascadeur, Thanh Hoa cho hay muốn dùng từ đam mê hơn chữ "nghề". Trước khi đến với nghề đóng thế, cô là huấn luyện viên võ thuật tại trung tâm Văn hoá quận 4, TP.HCM.
Cô làm cascaduer 14 năm qua.
Cơ duyên đưa Hoa Trần đến với cascadeur chỉ đơn giản là một người bạn học võ, rủ cô đến câu lạc bộ xem và tập cùng. Từ thắc mắc “môn gì mà chẳng có nổi một thế đặc trưng”, cuối cùng cascadeur đã trở thành một phần trong cuộc sống của cô suốt 14 năm qua.
Thanh Hoa tâm sự cô đóng thế hàng chục bộ phim với biết bao tình huống nguy hiểm như té từ trên tầng cao, đập đầu vào tường, rơi xuống đất nhưng không nhớ cụ thể mình đóng thế cho ai. Cô bộc bạch, đến trường quay như một chiếc bóng, thực hiện xong cảnh yêu cầu thì lặng lẽ ra về. Cô không nói chuyện với diễn viên hay đạo diễn mà chỉ vui vẻ với anh em trong nhóm cascadeur. Hoa Trần khẳng định cô không có thiện cảm với giới diễn viên.
“Tôi chứng kiến diễn viên chỉ giả lả trước mặt, sau lưng nói xấu nên sợ lắm. Đôi khi nghe họ dùng những lời không hay về cascadeur, tôi chỉ biết im lặng. Tôi nghĩ mình không kiếm sống bằng nghề này, không cần bon chen nên tôi cũng không phản ứng. Tôi chỉ cần làm tốt công việc của mình”, cô tâm sự.
Thanh Hoa học võ karate trước khi làm cascaduer.
Nhắc đến thu nhập, cô cười và xua tay: “Thực tế không ai sống đủ bằng nghề đóng thế. Nghề này đứng sau vinh quang của người khác nhưng đối diện với nhiều hiểm nguy. Gặp đoàn phim, diễn viên có tâm, được họ quan tâm, mình cũng an ủi nhưng nhiều diễn viên phũ, nghĩ đó là công việc của mình nên cascadeur có bị làm sao, họ cũng không quan tâm tới. Mình bị thương thì mình chịu thôi”.
Đến với nghề đóng thế, diễn viên sinh năm 1982 có được niềm vui giản dị với anh em trong nhóm cascadeur Quốc Thịnh. Cô cho hay nhận show vì đam mê và tình anh em với nhóm. Vì vậy, cô chưa từng trả giá cát-xê mà trưởng nhóm đưa sao, sẽ nhận như vậy. “Anh Thịnh cũng không để anh em thiệt thòi đâu. Anh không đánh đổi tính mạng của anh em với vài đồng nhỏ nhặt. Hơn nữa, thu nhập chính của tôi từ nghề bán cá”, cô nói.
Bán cá ở chợ nuôi em ăn học
Bán cá là hai từ khiến Thanh Hoa ngập ngừng, bối rối trong cuộc trò chuyện. Bà trùm giang hồ Thanh Sói thừa nhận công việc này khiến cô cảm thấy tự ti, mặc cảm với mọi người.
“Suốt thời gian đi học tôi giấu kín công việc của mình với bạn bè. Tôi sợ bị khinh khi. Tuy nhiên, nguời bạn thân - diễn viên Khôi Trần mắng 'bà bán cá chứ có bán dâm đâu mà ngại', từ đó tôi mới mở lòng hơn", cô lý giải.
Mở điện thoại "khoe" ảnh ngồi bán cá ở chợ, Thanh Hoa trầm ngâm cho biết gia đình cô được yên ấm như ngày nay là nhờ nghề bán cá. Nữ võ sĩ cho hay: “Ba mẹ qua đời, hai em đang tuổi ăn học, tôi biết làm gì để nuôi hai đứa khi bằng cấp không có. Tôi tiếp quản nghề bán cá của mẹ như lẽ tất nhiên. Và công việc này là ơn nghĩa với chị em tôi”.
Bà trùm của phim Hai Phượng kể gia đình quá khó khăn, cô phải nghỉ học từ lớp 5 để phụ mẹ bán cá. Sau này, nhìn các em, bạn bè được trở thành sinh viên, cô lại ao ước ngồi học ở giảng đường đại học. Và trải qua thời gian dài bon chen với cơm áo gạo tiền, thậm chí 2 năm không gặp gỡ bạn bè, Hoa Trần vẫn nuôi giấc mộng trở thành sinh viên.
Đến khi hai em tốt nghiệp đại học, gánh nặng tiền bạc vơi bớt, cô bắt đầu thực hiện ước mơ của bản thân. Thanh Hoa bắt đầu học lại từ lớp 6 vào năm 27 tuổi. Hiện nay, Thanh Hoa đã trở thành sinh viên năm 4 của Đại học Thể dục thể thao TP.HCM.
Thanh Hoa quyết tâm học đại học dù phải nghỉ học từ lớp 5.
Lịch trình của Thanh Hoa 10 năm qua là thức dậy từ 2h30 sáng đến chợ đầu mối lấy cá, 5h sẵn sàng ở chợ và buổi tối lại đến trường học. “Tôi đi học cũng không biết sau này có làm được gì không nhưng vẫn muốn chinh phục. Mặt khác, tôi nghĩ các em đều có bằng đại học. Nếu tôi không có trình độ, không bổ sung kiến thức thì sao nói chuyện được với các em. Và thêm một điều khiến tôi quyết tâm cao như vậy là chứng minh cho các em thấy, tụi bay học được, chị được cũng học”, cô tâm sự.
Sau cuộc trò chuyện, Thanh Hoa lại vội vã đến trường. Cô dự định sẽ học thêm tiếng Anh khi tốt nghiệp đại học. Lần này, động lực học của cô là để tự tin giao tiếp với người nước ngoài. Ở tuổi 37, nữ võ sĩ khẳng định việc học vẫn quan trọng, còn tình duyên, "sau 3 mối tình đổ vỡ thì chờ duyên số".
Theo Zing