Ngày 23/5, nhà đấu giá Phillips tiến hành phiên đấu giá Patek Philippe Reference 96 Quantieme Lune, chiếc đồng hồ đeo tay của Phổ Nghi – vị hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Thanh, cũng như của Trung Quốc – tại Hong Kong (Trung Quốc).
Đồng hồ của Vua Phổ Nghi lập kỷ lục đấu giá. Ảnh: Jess Hoffman.
Vượt qua kỳ vọng ban đầu, chiếc đồng hồ được bán với mức giá ấn tượng 49 triệu đô la Hong Kong (6,2 triệu USD), đã bao gồm phí bảo hiểm cho người mua. Chủ sở hữu mới là nhà sưu tập châu Á, hiện cư trú tại Hong Kong (Trung Quốc).
Người này không trực tiếp xuất hiện tại phiên đấu giá mà tiến hành giao dịch qua điện thoại. Trước đó, 3 triệu USD là con số trước đó được các chuyên gia dự đoán thu về từ vật phẩm 86 tuổi.
Theo CNN, mức giá hấp dẫn trên một phần đến từ sự hiếm có của Patek Philippe Reference 96 Quantieme Lune, khi chỉ có 8 chiếc tồn tại trên thế giới. Tuy nhiên, theo nhà đấu giá có trụ sở ở London (Anh), giá trị thực sự nằm ở câu chuyện lịch sử mà nó nắm giữ.
Thomas Perazzi, người đứng đầu bộ phận đồng hồ tại nhà đấu giá Phillips Asia, nói với Reuters đó là mức giá cao nhất đối với bất kỳ chiếc đồng hồ đeo tay nào từng thuộc về một vị quân vương.
Năm 2017, chiếc đồng hồ Rolex thuộc về Vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Việt Nam, được bán đấu giá với giá 5 triệu USD. Cùng năm, đồng hồ Patek Philippe của Haile Selassie, Hoàng đế Ethiopia cuối cùng, được mua với giá 2,9 triệu USD.
Patek Philippe Reference 96 Quantieme Lune có phần vỏ làm bằng bạch kim, mặt số Ả Rập, các kim màu vàng hồng và có chức năng “chu kỳ mặt trăng”, giúp biết được gần như chính xác trăng tròn trăng khuyết theo chu kỳ từng tháng.
Vua Phổ Nghi - vị hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc. Ảnh: AP.
Theo Phillips, không biết Vua Phổ Nghi có được chiếc đồng hồ bằng cách nào, nhưng sau khi được sản xuất vào năm 1937, nó xuất hiện trong cửa hàng sang trọng ở Paris (Pháp).
Theo tài liệu lịch sử, Vua Phổ Nghi đã mang nó theo khi bị Hồng quân Liên Xô bắt giữ, giam cầm trong trại tù binh ở Siberia. Ông giữ nó suốt 5 năm sau đó và cuối cùng tặng lại cho Georgy Permyakov, gia sư kiêm phiên dịch tiếng Nga cho ông trong thời gian bị giam giữ.
Phổ Nghi trở thành Hoàng đế Trung Quốc vào năm 1908 khi mới 2 tuổi. Chưa đầy 4 năm sau đó, ông bị buộc thoái vị, chấm dứt 276 năm cai trị của nhà Thanh. Ông được phép tiếp tục sống trong Tử Cấm Thành. Ông được phục vị trong một thời gian ngắn vào năm 1917.
Năm 1924, ông trốn khỏi Bắc Kinh và thành lập một liên minh với Nhật Bản. Ông được phong làm người đứng đầu nhà nước bù nhìn, Mãn Châu Quốc.
Sau thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, Phổ Nghi bị quân đội Liên Xô bắt giữ và giam giữ như một tù nhân chiến tranh. Theo Phillips, ông đã tặng chiếc đồng hồ cho Permyakov vào năm 1950, ngay trước khi cựu hoàng trở về Trung Quốc để hầu tòa vì tội ác chiến tranh.
Theo Tiền Phong