Theo giáo lý Phật giáo, Vu lan là lễ thường niên để tưởng nhớ tổ tiên, báo hiếu ông bà, cha mẹ. Tại các chùa ở Việt Nam, vào ngày lễ Vu lan thường có nghi thức "bông hồng cài áo" - cài bông hồng đỏ cho những ai còn cha mẹ và bông hồng trắng cho những ai mất cha mẹ, nhắc nhở về lòng hiếu thảo và tình người.
Tuy nhiên ngày nay, nhiều người lại thể hiện sự "hiếu thảo" của mình với ông bà, cha mẹ đã mất bằng cách mua nhà lầu, xe hơi, tiền vàng bằng giấy để cúng và đốt "gửi" sang thế giới bên kia.
Có những gia đình đã đầu tư hàng chục triệu đồng để mua sắm lễ vật, bày cỗ to, cỗ nhỏ, để cầu cúng và hy vọng "người âm" sẽ được hưởng…
Ngoài tiền vàng mã theo nghi thức thông thường, người ta cho rằng “trần sao âm vậy” nên đồ vàng mã hiện nay có cả nhà lầu, xe hơi, tivi, tủ lạnh, điện thoại, rồi áo quần, đồ trang sức cũng được cập nhật theo mốt
Lễ Vu Lan có nguồn gốc Phật giáo nhưng trong giáo lý nhà Phật không khuyên con người đốt nhiều vàng mã trong dịp này để báo hiếu.
"Vàng mã là những đồ vật được làm bằng giấy, được người ta cho là có thể giúp người đã khuất sử dụng ở thế giới bên kia. Những món vàng mã phổ biến nhất là quần áo, giày dép, nhà cửa, xe cộ…
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều ý kiến trái chiều về việc đốt vàng mã. Một số người cho rằng đốt vàng mã là một việc làm mê tín, không có cơ sở khoa học. Họ cho rằng người đã khuất không cần những món đồ vật ở thế giới bên kia và việc đốt vàng mã chỉ là một sự lãng phí.
Dù bạn có đốt vàng mã hay không thì điều quan trọng nhất là bạn phải thành tâm cầu nguyện cho tổ tiên và những người đã khuất", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chi nhánh văn phòng phong thủy Đại Nam tại Nam Định, chia sẻ.
Theo Phụ Nữ Việt Nam