Đêm Giao thừa, Ngô Hoàng Phương Linh, sinh viên Trường Swiss Hotel Management School, Thụy Sĩ, thủ thỉ trò chuyện cùng gia đình. Xa nhà đã 3 năm, cô nàng bày tỏ tha thiết được về bên tổ ấm yêu thương, được đón không khí Tết truyền thống của dân tộc.
"Con chỉ muốn về nhà thôi, thà bị bố mẹ quát mà được về nhà còn hơn", Linh hóm hỉnh miêu tả nỗi nhớ nhung của mình.
Sang Thụy Sĩ học từ năm 2021, Linh đã trải qua những cái Tết cô đơn khi thời gian này luôn rơi vào các kỳ thực tập.
Năm đầu tiên, mùng 1 Tết, cô gái bay từ Thụy Sĩ sang Hồng Kông (Trung Quốc) thực tập, đúng đợt dịch nên phải đi cách ly. Năm sau đó, cô nàng tiếp tục đi thực tập và trải qua cái Tết qua màn hình nhỏ.
Ngô Hoàng Phương Linh, sinh viên Trường Swiss Hotel Management School, Thụy Sĩ nhớ không khí Tết gia đình, được đi chúc Tết ông bà, họ hàng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
"Khu vực em học không có nhiều bạn bè người Việt nên gần như đón Tết một mình. Em nhớ không khí Tết vô cùng, nhớ nhà, nhớ những bữa cơm gia đình quây quần, được diện những bộ đồ đẹp và đi chúc Tết ông bà, họ hàng, nhận phong bao lì xì", Linh chia sẻ.
Để bớt nhớ nhà, những lúc rảnh rỗi, Phương Linh tranh thủ gọi điện cho gia đình và xem chương trình Táo Quân trên máy tính.
Thức dậy lúc 7h của Mỹ, Đinh Tuấn Khang học tại The Village School nhẩm tính chỉ còn 4 tiếng nữa là tới giao thừa tại Việt Nam.
Ra nước ngoài mới 6 tháng nên đây là cái Tết đầu tiên xa nhà của Tuấn Khang. Cảm giác nhớ nhà ùa về khiến chàng trai bồi hồi. "Em nhớ bố mẹ, nhớ những món ăn truyền thống như bánh chưng. Nếu giờ này có bánh chưng, em có thể ăn hết cả chiếc", Khang giãi bày.
Tuấn Khang (đeo kính) và bạn bè khi còn ở Việt Nam (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Nhớ quê hương, nhớ vị Tết dân tộc nên trước đó cả tuần, Khang đã bắt xe đi 15km để đến khu chợ của người Việt. Nam sinh đã dành nhiều thời gian để ngắm hoa mai, đến gian trưng bày sản vật Việt như mứt, giò, lạc luộc...
Ở khu ký túc xá, một vài sinh viên người Việt tụm nhau lại để đón năm mới. Ngôi trường của Khang cũng được trang trí, tổ chức sân khấu âm nhạc để mừng Tết cổ truyền cho những sinh viên châu Á.
"Bố mẹ em gọi điện sang, quay hình từng cảnh vật trong nhà để em có cảm giác đón Tết. Điều này cũng giúp em ấm áp hơn nhiều", Tuấn Khang nói.
Để bớt nhớ nhà, Tuấn Khang bắt xe đến khu chợ người Việt để thưởng thức không khí Tết (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Cũng lần đầu tiên đón Tết âm lịch tại Mỹ, Đỗ Nguyễn Lê Anh, Trường University of Cincinnati, dự định cùng cô bạn người Việt - Thiên An - nấu các món châu Á và đi tham quan quảng trường thành phố. Cùng với đó, nhóm bạn Việt Nam cũng hẹn nhau đi trải nghiệm trượt băng.
Tới ngày mùng 2 Tết, câu lạc bộ của các bạn Việt Nam học tại trường dự kiến tổ chức Tết Nguyên đán.
Dẫu lịch trình kín mít, Lê Anh vẫn nhớ những khoảnh khắc nhộn nhịp và không khí háo hức của Việt Nam mỗi dịp Tết đến.
"Trong những món ăn ngày Tết, em nhớ nhất khô bò và khô gà. Em cũng nhớ những bữa cơm được ba mẹ nấu lúc còn ở Việt Nam và mong sẽ sớm được về nước gặp lại gia đình và bạn bè", Lê Anh cho hay.
Đỗ Nguyễn Lê Anh, Trường University of Cincinnati lạc quan đón Tết cùng những người bạn mới (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Dù không có gia đình ở bên nhưng cô nàng luôn lạc quan vì có những người bạn mới cùng đón Tết vào năm nay. Cô nàng kể sẽ dành thời gian đầu tư cho những bài kiểm tra giữa kỳ.
"Việc bận rộn hoàn thành bài tập cũng là một cách để em có thể thích nghi được với môi trường mới và làm quen với Tết xa gia đình", Đỗ Nguyễn Lê Anh chia sẻ.
Theo Dân Trí