(Hoàng Phương Hải Châu – du học sinh Nhật Bản)
Là một du học sinh, bọn em phải sống tiết kiệm hết mức có thể nên việc nấu cơm, quét dọn, giặt giũ, đi chợ là những việc bắt buộc cần xử lý.
Mặc dù các bạn đi du học đa phần là nhà có điều kiện, quen việc được sống thoải mái có bố mẹ hỗ trợ nhưng khi phải sống tự lập thì bản năng con người khiến mình trở nên gọn gàng, ngăn nắp và chăm chỉ hơn.
Vì bây giờ, mỗi quyết định sống, làm việc, ăn ngủ đều do mình chịu trách nhiệm nên dù ở Việt Nam có bừa bãi thế nào, sang một đất nước phát triển, bọn em cũng cần tự nhìn và học tập cách sinh hoạt để hoà nhập và tự chủ.
Việc tự quản lý đời sống cá nhân khiến bọn em nhận ra những gì cần thiết trong cuộc sống, suy nghĩ chi li hơn trước mỗi quyết định chi tiêu, hiểu giá trị đồng tiền và những hy sinh của bố mẹ. Những kỹ năng tối thiểu này khiến bọn em duy trì được phong cách sống khoa học để tập trung học tập và rèn luyện bản thân.
Em nghĩ là cuộc sống này luôn bù trừ cho nhau. Có những người giỏi mảng này kém mảng kia, cùng nhau chung sống mới tạo nên xã hội.
Em không thấy việc không biết những kỹ năng này có gì là "vấn đề", vì cái gì cũng có thể học và nỗ lực dần dần được.
Nhưng em thấy nhất định cần để ý và học hỏi dần dần. Việc trang bị kiến thức khiến ta tự tin, độc lập hơn trong suy nghĩ, từ đó khiến đời sống trở nên thú vị và nhiều màu sắc hơn.
“Kiến thức nền ai cũng phải biết”
(Nguyễn Bích Diệp – sinh viên năm nhất Trường John Molson School of Business thuộc Concordia University, Canada)
Em cho rằng kiến thức nền tảng khá quan trọng, vì nếu không biết có thể gây hậu quả lớn. Em nghĩ là kiến thức nền ai cũng phải biết, thế nhưng em chưa nghĩ ra cách thuyết phục mọi người về tầm quan trọng của việc biết những điều này.
Em nghĩ rằng kỹ năng sống cũng giống như kỹ năng sinh tồn. Cuộc sống sẽ dạy cho mình biết. Em không giỏi nấu ăn lắm, nhưng ghét thế nào thì cũng nên biết một tí. Không biết nấu ăn thì chắc chết đói mất.
“El Nino hay canh cua không quyết định hạnh phúc hay thành công của một người”
(Nguyễn Hoàng Giang, 24 tuổi, cựu du học sinh Anh, Mỹ, chủ nhân của những học bổng danh giá ở The Royal School Wolverhampton, Anh và Haverford College, Mỹ.)
Em phải suy luận mới trả lời đúng được câu hỏi về El Nino.
El Nino là biệt danh của một cầu thủ bóng đá em yêu thích, mà thường trong bóng đá người ta hay ví những đội bóng hoặc cầu thủ giỏi với những hiện tượng của thiên nhiên, nên em suy luận ra.
Câu hỏi về canh cua thì dễ dàng cho em hơn, nhưng em cũng không bất ngờ hay đánh giá gì nếu một người chơi có thể không biết. Mỗi người có những trải nghiệm khác nhau. Mình làm sao hiểu được cuộc sống của người ta để mà đánh giá.
Em không bao giờ nghĩ chúng ta nên mỉa mai ai cho bất cứ câu hỏi nào trên thế giới này.
Mỗi người chỉ cần một lượng kiến thức nhất định để sống cuộc sống của họ thôi. Em còn khá phục chị Quyên. Không phải ai không biết điều gì cũng dám nói thẳng ra, nhất là trong hai câu hỏi đầu tiên.
Việc không biết El Nino hay canh cua nấu với cái gì hoàn toàn không quyết định con người đó có hạnh phúc hay thành công không.
Có những kiến thức không ảnh hưởng tới cuộc sống, công việc của mình thì mình cũng chẳng cần biết làm gì.
Đấy là lý do em không thích đọc báo, nghe tin tức hàng ngày mà em thích đọc sách hơn. Kiến thức canh cua là do được tiếp xúc mà biết thôi, chứ nếu không biết thì một người vẫn sống bình thường.
Một ngày ai cũng chỉ có 24 tiếng. Nếu như không học về canh cua hay El Nino thì thời gian đó sẽ học thứ khác, lại có được những kiến thức khác, tùy vào nhu cầu của từng người.
Theo Vietnamnet