Sang Phần Lan du học từ đầu tháng 8/2023, nhóm 3 du học sinh gồm Phan Minh Na Uy, Phùng Gia Phát (cùng 17 tuổi) và Phạm Minh Quân (15 tuổi) học tại Sulkava Highschool (TP Sulkava, Phần Lan) chia sẻ vừa bắt đầu hành trình khởi nghiệp bán cà phê muối.
Người dân Phần Lan thích thú với món cà phê muối Việt Nam (Ảnh: NVCC).
Những hình ảnh về quá trình "khởi nghiệp" của 3 anh chàng nhận được rất nhiều lượt tương tác trên nền tảng TikTok.
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 ngày đăng tải, đoạn clip "Kiếp nạn thứ 84: bán cafe muối dạo tại Phần Lan" của nhóm đạt gần 2 triệu lượt xem. Chủ nhân của kênh TikTok, Na Uy vô cùng ngạc nhiên và không hiểu vì sao clip này của mình lại được lan truyền nhanh đến thế.
"Chúng em chỉ muốn ghi lại hành trình tự lập ở nước ngoài để làm kỉ niệm, không nghĩ được mọi người quan tâm nhiều đến vậy. Hầu hết người bản xứ uống xong đều khen ngon. Họ thường quay lại, giới thiệu thêm người thân, bạn bè", Uy chia sẻ.
Thậm chí, hình ảnh của nhóm cũng được xuất hiện trên trang mạng xã hội của hội đồng thành phố. Hiệu trưởng trường mà nhóm theo học cũng đồng ý hỗ trợ tối đa về mặt bằng, bàn ghế, nguyên vật liệu, máy móc cần thiết… để việc kinh doanh tốt hơn.
Nói về dự án cà phê muối của mình, Na Uy cho biết ý tưởng xuất phát từ mong muốn đưa món cà phê Việt Nam đến nước bạn.
"Khi đến Phần Lan, em có ý định vừa học vừa làm thêm. Một phần để đỡ buồn, một phần có thể trau dồi được ngôn ngữ và các kỹ năng mềm", Uy nói.
Qua tìm hiểu, Uy nhận thấy người dân ở Phần Lan rất thích uống cà phê. Tuy nhiên, cà phê thường pha bằng máy và có vị loãng, khác so với cà phê Việt Nam.
Trước khi làm, nhóm của Uy trẻ đã lập kế hoạch chi tiết, thuyết trình tính khả thi trước Hội đồng TP Sulkava và hiệu trưởng để xin phép. Nội dung bao gồm kế hoạch bán hàng, ngân sách, thu chi, nguồn nguyên liệu, an toàn vệ sinh thực phẩm và nhu cầu hỗ trợ.
Sau đó, nhóm đã tham khảo kỹ năng pha chế từ một người quen tại Việt Nam. Quá trình tự thử nghiệm, chuẩn bị nguyên liệu từ Việt Nam và Phần Lan diễn ra suốt 2 tuần liền.
Mỗi ly cà phê muối chỉ bán với giá 2 euro (khoảng 53.000 đồng); cà phê sữa 1,8 euro (khoảng 48.000 đồng) và 1,5 euro (39.000 đồng) cho cà phê đen (Ảnh: NVCC).
Để đảm bảo thời gian học tập, nhóm chỉ dựng quầy bán 11h30-16h ngày cuối tuần. Na Uy cho biết rào cản ngôn ngữ và nhiệt độ âm 0 độ C của mùa thu ở Bắc Âu là những thách thức mà nhóm đang phải đối mặt.
Ngoài ra, vì khu vực sinh sống khá thưa thớt dân cư nên không thể tránh những ngày ế ẩm, vắng khách.
"Chúng tôi không quá quan tâm về lợi nhuận. Có lẽ phần lãi lớn nhất mà chúng tôi nhận được chính là sự yêu thương và những trải nghiệm, kinh nghiệm để phát triển hơn trên con đường khởi nghiệp tương lai. Phần tiền bán được sẽ được chuyển cho một quỹ từ thiện địa phương", Uy bộc bạch.
Chia sẻ về kế hoạch phát triển quầy cà phê trong tương lai, nhóm dự định sẽ nâng cấp quầy cà phê của mình khi thời tiết dễ chịu. "Có thể là một ki-ốt lớn, cố định hơn", Uy tiết lộ.
Theo Dân trí