Cuộc sống ở thành phố Thượng Hải, trung tâm tài chính kinh tế lớn nhất Trung Quốc, hiện đã đình trệ gần như hoàn toàn khi toàn bộ 26 triệu dân đang chịu cảnh phong tỏa, ở yên trong nhà. Những con đường vắng vẻ, thưa thớt bóng người qua lại, nội bất xuất - ngoại bất nhập khiến cảnh tượng không khác gì "thành phố ma".
Các quy định giãn cách nghiêm ngặt đến mức người dân không được phép ra khỏi nhà dắt chó đi dạo hay tập thể dục. Họ chỉ được phép ra ngoài trong trường hợp cần thiết như mua lương thực, thuốc men hay đi xét nghiệm Covid-19.
Bạn Thu Thảo (quê ở Móng Cái, Quảng Ninh), một du học sinh người Việt theo học trường Đại học Đông Hoa, hiện đang ở "tâm dịch" Thượng Hải, cho biết ở khu vực nơi bạn sống, đường Zhongtan, quận Putuo, đang được phong tỏa nghiêm ngặt.
Tất cả mọi người đều phải ở yên trong nhà, trừ lúc ra ngoài mua thực phẩm, đồ dùng thiết yếu.
Bí bách vì ở lâu trong nhà
Từ hồi tháng 3, Thảo đã phải chuyển sang học online vì thành phố có chủ trương phong tỏa luân phiên tùy theo cấp độ dịch ở từng khu. Những tưởng hết tháng 3 sẽ được "bung lụa" nhưng đến đầu tháng 4 lại có thông báo phong tỏa toàn thành phố.
Một hình ảnh ở thành phố Thượng Hải trong thời điểm phong tỏa.
Cô nàng du học thở dài: "Chưa hẳn là khó khăn đến mức cùng kiệt nhưng ở nhà nhiều bí bách đến mức muốn trầm cảm thôi ạ. Lẽ ra hôm nay là ngày cuối phong tỏa. Nhưng lại có thông báo mới, chung quy là ngày nào hay ngày đó, không chắc chắn được.
Toà nhà em ở có F1 thôi mà bị chế độ 2+12 . Tức là phong tỏa 2 ngày, rồi xét nghiệm thêm 2 ngày liên tục. 12 ngày sau tự quản lý, gỡ phong tỏa, nhưng vẫn chưa được tự do hoàn toàn".
Tranh nhau mua thực phẩm qua ứng dụng
Về chuyện mua lương thực - thực phẩm, Thảo cho biết đây là một vấn đề rắc rối không chỉ bản thân cô nàng mà rất nhiều người Việt hiện đang sống ở Thượng Hải và cả người dân bản xứ gặp phải.
Thảo lấy dẫn chứng "hùng hồn" là một đoạn video do bạn cô nàng quay lại. Theo đó, anh bạn này cho hàng xóm "vay" cọng hành có giá 20 tệ (tương đương 72.000 đồng), mua từ trước khi có lệnh phong tỏa toàn thành phố.
Không có cách nào mang sang nên anh chàng này đã nghĩ ra cách dùng máy bay không người lái (UAV) hỗ trợ.
Về phần mình, Thảo cho biết: "Đồ ăn thì em đang theo ăn thô nên không ăn nhiều thịt, rau lại không để được lâu nên trước khi phong tỏa em không mua nhiều. Hôm nay lại bắt đầu hết đồ ăn rồi, may sáng ra em giành mua được ít đồ trên ứng dụng mua thực phẩm qua mạng.
Em dậy từ hơn 5h sáng, mắt nhắm mắt mở, đến 6h20 phút may cũng mua được vài thứ. Em còn may mắn mua được một ít, chứ mấy người bạn Trung Quốc hay mấy gia đình Việt Nam bên này không mua được, mọi người phải ăn tằn tiện".
Thảo hiện đang theo học tại Đại học Đông Hoa.
Thực tế, các vùng khác không dịch, không bị phong tỏa như Thượng Hải nhưng cũng rơi vào cảnh khó khăn vì không cung cấp được hàng vào thành phố 26 triệu dân này. Hàng nông sản, rau củ bị hỏng hết vì không tiêu thụ nhanh được. Thảo nói: "Chỉ khổ người nông dân".
Chia sẻ về việc được cấp lương thực thực phẩm tận nơi, Thảo cho biết tùy từng khu mới có chế độ đó. "Khu em ở là khu tập trung dân sống lớn nhất nhì Thượng Hải nhưng không được cấp thực phẩm tận nơi. Nhưng cùng quận, chỗ bạn em lại được. Lý do thì em không rõ lắm".
Chuyện điều trị cho F0
Thảo cho biết, nếu phát hiện ra trường hợp F0, nhân viên y tế sẽ nhanh chóng đưa đi cách ly điều trị. Thậm chí, cả trường hợp F1 cũng phải đi cách ly nếu cần thiết.
Cô nàng nói: "Như trường hợp của bạn em, công ty chồng bạn ấy có F0, dù không cùng văn phòng mà cả 2 vợ chồng đều được đưa đi cách ly trong khách sạn 21 ngày luôn".
Nói về tình hình của cộng đồng người Việt ở Thượng Hải, Thảo kể: "Du học sinh ở đây thì về gần hết, từ ngày dịch em không về lần nào. Đến gần đây em mới quen một bạn du học sinh người Việt Nam mình.
Nhóm người Việt em chơi cùng thì các chị lấy chồng Trung Quốc hoặc theo chồng qua Trung Quốc sống, ngày thường cũng gặp nhau đi ăn uống, nhưng dịch thì yên phận ở nhà. Muốn tặng nhau đồ ăn cũng không được vì giao thông cấm hết rồi.
Những dòng tin nhắn trao đổi giữa nhóm người Việt ở Thượng Hải.
Nhân tiện đây em cũng muốn nhắn nhủ các bạn du học sinh đang có ý định qua bên này du học rằng các bạn không nên nóng lòng muốn sang học mà mất tiền bạc. Nhiều trung tâm mua bán học bổng họ quảng cáo cho học sinh là sắp được sang rồi làm cho các bạn cứ thấp thỏm.
Bên này đang theo chiến lược Zero Covid nên chưa biết đến bao giờ các nhà chức trách mới cho mở cửa, các bạn nộp tiền mua học bổng rồi lại đợi dài cổ vẫn chưa được đi. Chưa có thông tin được qua đâu mà họ cứ tạo niềm tin để bán học bổng".
Theo Pháp Luật & Bạn Đọc