Chặt chém như cơm bữa

Gánh hàng rong, xe hoa quả, nước uống... phục vụ du khách là hình ảnh quen thuộc tại phố đi bộ Hồ Gươm. Tuy nhiên, mức giá bán các loại mặt hàng này cao hơn bình thường khiến du khách không vui.

Chị Phượng (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ với Tiền Phong: “Đây là lần thứ hai tôi đến phố đi bộ Hồ Gươm và có trải nghiệm không tốt khi mua 3 lạng hoa quả với mức giá 60.000 đồng gồm: xoài, củ đậu, mận, 2 cốc trà đào cỡ nhỏ với mức giá 20.000 đồng/cốc". Chị Phượng khẳng định giá bán ở đây quá đắt, người bán có thể thu về siêu lợi nhuận.

Du khách ngã ngửa, bức xúc vì bị ung thư ví khi đi bộ ở Hồ Gươm-1
Khách nước ngoài bị chặt chém.

Thường xuyên lên phố đi bộ vào các dịp cuối tuần cùng bạn bè, trong một lần do không hỏi giá nên chị Mai (Ba Đình, Hà Nội) bất ngờ khi phải trả 30.000 đồng cho một cốc trà chanh, 20.000 đồng một đĩa hướng dương và 10.000 đồng cho một xiên chiên củ quả. "Tôi thấy giá bán đắt nhưng vẫn phải ngậm mùi thanh toán”, chị Mai nói.

Những gánh hàng rong thường hút du khách quốc tế. Rào cản ngôn ngữ dẫn tới việc mua bán khó khăn hơn nhưng người bán vẫn có cách để “chém đẹp”. Khi du khách nước ngoài mua hoa quả, họ lựa chọn và đưa cho người bán hàng cân đo.

Du khách ngã ngửa, bức xúc vì bị ung thư ví khi đi bộ ở Hồ Gươm-2
Hoa quả được bán với giá cao gấp nhiều lần ở chợ. Ảnh: Thu Hiền.

Sau khi cân túi hoa quả được 4-5 lạng, người bán hàng lấy ra tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng để du khách biết số tiền phải trả. Nếu trường hợp du khách nước ngoài hỏi giá trước khi mua, người bán hàng sẽ sử dụng công cụ google dịch. Sau đó, họ sẽ viết lại giá bán 20.000 đồng/kg hoa quả cho du khách biết nhưng thực chất lại bán với giá 20.000 đồng/100 gram.

Theo khảo sát của PV Tiền Phong, một số người bán hàng rong chèo kéo và chặt chém du khách mỗi khi có cơ hội. Anh Nhật (Việt kiều sinh sống tại Canada) đến phố đi bộ tham quan, ngắm cảnh Hồ Gươm. Trước đó, anh mua một chiếc quạt giấy với mức giá 40.000 đồng. Sau khi mua xong, anh định rời đi có một người bán hàng rong khác đến mời chào: “Em ơi, mở hàng cho chị, từ sáng tới giờ chưa bán được cái quạt nào, xin vía em để may mắn”.

Thấy vậy anh mua thêm 2 chiếc quạt nữa với mức giá một chiếc 70.000 đồng và một chiếc 50.000 đồng. Anh Nhật biết mức giá đó cũng khá đắt nhưng vẫn chấp nhận mua vì lâu lắm rồi mới cầm trên tay chiếc quạt, anh dùng để làm quà tặng khi quay trở lại Canada.

Trên mạng xã hội TikTok, nhiều người đăng hình ảnh chia sẻ từng bị "chặt chém" khi mua hoa quả ở phố đi bộ Hồ Gươm. Tài khoản TikTok Hà Pu đây nè chia sẻ trải nghiệm đóng giả khách du lịch lên phố đi bộ Hồ Gươm để mua hoa quả. TikToker này phải trả giá 50.000 đồng cho 4 miếng xoài và 4 miếng cóc.

Kênh TikTok Tên bạn là gì cũng đăng 1 video với dòng chia sẻ “Nay không có khoai lang nướng 80.000 đồng mà có xoài, dứa 120.000 đồng. Ăn chưa xong là thấy ung thư ví".

Chấn chỉnh hình ảnh xấu xí

TS. Đỗ Trần Phương - Phó Chủ nhiệm khoa Du Lịch, trường ĐH Văn hóa Hà Nội - nhận định việc chặt chém khách du lịch là hiện tượng diễn ra nhiều năm nay không riêng ở khu vực Hồ Gươm. Hiện tượng này làm ảnh hưởng tới nỗ lực chung của du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Hà Nội nói riêng.

"Có thể chỉ là một vài hiện tượng đơn lẻ, không phổ biến nhưng dưới sự phát triển của truyền thông, du khách có rất nhiều kênh để phản hồi. Những hiện tượng tiêu cực này ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch của Thủ đô” - TS. Đỗ Trần Phương cho biết.

Du khách ngã ngửa, bức xúc vì bị ung thư ví khi đi bộ ở Hồ Gươm-3
Ba chiếc quạt có mức giá từ 40.000 - 70.000 đồng tại phố đi bộ Hồ Gươm. Ảnh: Hồng Thơ.

Để không bị chặt chém ở những điểm tham quan, giải trí, TS. Đỗ Trần Phương khuyên du khách tự bảo vệ mình, hỏi giá trước khi mua. Nếu xảy ra tình trạng chặt chém cần phải liên hệ ngay với đường dây nóng để có sự hỗ trợ từ phía chính quyền.

"Du lịch Thủ đô có thể thành lập hệ thống thanh tra du lịch, cảnh sát du lịch để xử lý những tình trạng chèo kéo, chặt chém. Hoặc có đường dây nóng để du khách phản ánh những hiện tượng trên và xử lý kịp thời”, TS. Đỗ Trần Phương nêu. Trong trường hợp du khách đi theo tour, hướng dẫn viên cần phải nhắc nhở thành viên trong đoàn chú ý đến những hiện tượng trên, can thiệp kịp thời để du khách tránh được tình trạng chặt chém.

Bà Phạm Thanh Thảo - Phó Giám Đốc Công ty TNHH Thương Mại và DVDL Kỳ Quan Việt - cho rằng công ty du lịch cần đứng ra trao đổi, thương lượng với người cung cấp dịch vụ để tính mức giá hợp lý. Đồng thời, trong quá trình khách đi tour, hướng dẫn viên cần cung cấp các thông tin về mức giá chung của một số dịch vụ cũng như các địa chỉ tin cậy, giá phải chăng, chất lượng tốt.

Theo Tiền Phong