Ngày 1/1, Nhật Bản hứng chịu 155 trận động đất trên toàn quốc, trong đó mạnh nhất là ở tỉnh Ishikawa.
Trận động đất mạnh 7,6 độ đã gây thiệt hại lớn cho nhiều công trình xây dựng và dẫn tới các đám cháy ở thành phố Wajima thuộc tỉnh Ishikawa, miền trung Nhật Bản, do dư chấn liên tục xảy ra sau đó và các đống đổ nát trên đường cản trở hoạt động cứu hộ.
Trận động đất cấp 7 được mô tả là khiến mọi người không thể đứng vững. Cơ quan khí tượng nói, một cơn địa chấn mạnh đến như vậy xảy ra lần gần đây nhất tại Hokkaido vào năm 2018.
Tâm chấn ở bán đảo Noto ảnh hưởng tới 5 tỉnh trong khu vực là Ishikawa, Niigata, Fukui, Toyama và Gifu. Các chương trình du lịch trong khu vực Hokuriku (gồm 4 tỉnh Ishikawa, Fukui, Niigata và Toyama) thời gian này hầu hết đều bị hủy do cao tốc bị thiệt hại, các dịch vụ đóng cửa.
Thông tin động đất tại Nhật Bản được nhiều du khách Việt quan tâm.
Theo ông Nhan Phương, điều phối viên khu vực phía Nam của Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam, tới thời điểm hiện tại, các đoàn khách Việt đi du lịch dịp Tết Dương lịch vẫn an toàn.
Tuy nhiên, có một số đoàn khách cũng lo lắng khi bất ngờ gặp tình trạng mặt đất rung lắc mạnh, xe ô tô như "bồng bềnh trên mặt nước". Ngoài ra, một số đoàn khách buộc phải thay đổi lịch trình, cung đường do một phần đường cao tốc tạm ngưng lưu thông sau động đất.
Một đoàn khoảng 20 khách tới Nhật, có lưu trú tại Niigata đêm 1/1. Do là khu vực ảnh hưởng của trận động đất, nước biển dâng cao, tràn vào sảnh chính khách sạn.
Hệ thống thang máy ngưng hoạt động, du khách phải xách vali đi thang bộ lên tầng trên. "Một số khách trong đoàn cũng có chút hoảng loạn, lo sợ nhưng tình trạng không quá nghiêm trọng", ông Phương cho hay.
Cũng theo ông Phương các địa phương bị ảnh hưởng lớn từ trận động đất không phải những điểm đến được khách Việt Nam ưa chuộng.
Trên một số diễn đàn du lịch Nhật Bản, hầu hết du khách có mặt tại Nhật Bản thời điểm xảy ra động đất đều cho biết, họ không ảnh hưởng quá nhiều. Có một số người cảm thấy "lắc lư, chao đảo" khi đang đi đường nhưng chỉ trong chốc lát.
Con đường bị ảnh hưởng sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của Best Price cho biết, Tết Dương lịch không phải mùa cao điểm du lịch Nhật Bản của khách Việt.
Đơn vị này có đoàn khách ở Nhật Bản đúng thời điểm xảy ra trận động đất nhưng cách xa khu vực bị ảnh hưởng. Lịch trình của đoàn diễn ra bình thường.
"Tâm lý khách hàng có sự lo lắng là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, chúng tôi luôn có một hướng dẫn viên bản địa đi theo đoàn nên họ rất thông thạo với tình huống động đất, có kinh nghiệm xử lý, động viên du khách", ông Tú cho biết.
Trong trường hợp có động đất xảy ra, du khách cần lắng nghe hướng dẫn từ các hướng dẫn viên địa phương, nhanh chóng tìm nơi ẩn nấp an toàn, tránh xa các tòa nhà cao tầng và công trình công cộng, các cây to có khả năng đổ.
Du khách luôn sạc pin đầy điện thoại để đảm bảo có thể liên lạc khi cần.
Theo ghi nhận từ công ty Tràng An Travel, du khách Việt vẫn đang tiếp tục quan tâm tìm đặt tour du lịch Nhật Bản vào dịp Tết Âm lịch sắp tới. "Chúng tôi dự kiến có 6 đoàn khởi hành dịp Tết Nguyên đán và tới nay khoảng 80% đã được lấp đầy. Công ty và hướng dẫn viên luôn phải cập nhật thông tin thiên tai, dịch bệnh, kinh nghiệm xử lý... để đảm bảo an toàn cho du khách", ông Nguyễn Hữu Cường, Tổng giám đốc Tràng An Travel cho biết.
Theo Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản tại Việt Nam, du khách nên cập nhật thông tin từ các đơn vị uy tín. Nếu sang Nhật Bản thời điểm này, du khách phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng, đặc biệt là hướng dẫn từ Cơ quan Khí tượng và Phòng chống Thiên tai tại Nhật.
Theo VietNamnet