Du lịch chặt chém: "Mài dao cả năm, chờ 3 tháng hè"

Nỗi bức xúc từ bài viết “Những chiêu chặt chém khét tiếng ở Sầm Sơn” đã lan tới ít nhất 500 độc giả, đa phần bày tỏ thái độ không đồng tình với cách làm du lịch chưa tốt ở một bãi biển khá nổi tiếng miền Bắc.

“Mài dao” thật sắc cho 3 tháng hè...

Gửi email tới chúng tôi, độc giả Nguyen Ngoc Chien (ngocchien...@gmail.com) ở Tuyên Quang kể rằng cách đây 3 năm cùng gia đình đi du lịch Sầm Sơn.

“Buổi tối, chúng tôi thuê xe xích lô đi dạo quanh bãi biển. Đã cẩn thận hỏi giá thống nhất 20.000 đồng/vòng. Đi khoảng 5 phút (chừng 1,5km), lái xe thả chúng tôi xuống dọc đường. Thấy tôi thắc mắc, lái xe trả lời ‘Tất cả các xích lô đều đỗ ở đây, anh chị cho xin tiền 20.000 đồng/km, anh chị đi 10km = 200.000 đồng’. Lúc đó khoảng hơn chục người cùng lái xích lô vây quanh. Biết gặp trò lừa đảo, bắt chẹt khách, tôi liền gọi điện cho người thân đến ứng cứu. Rất may cũng có khoảng 5- 6 thanh niên đến nên họ chưa dám làm gì nhưng vẫn bắt trả đủ tiền. Tôi cương quyết không trả và gọi điện đến công an phường Trường Sơn đề nghị hỗ trợ. Lúc sau công an đến và đưa tất cả về phường giải quyết. Sau cùng tôi phải trả cho lái xe xích lô 60.000 đồng. Đúng là một buổi tối bực mình!”

“Thật là xấu mặt hình ảnh du lịch Sầm Sơn, Thanh Hóa. Đi du lịch mà cứ nơm nớp lo đủ chiêu trò bị móc túi. Và cũng kể từ đó, tôi tẩy chay Sầm Sơn luôn, chọn điểm du lịch khác cho lành”.
 

Du khách sử dụng dịch vụ ăn uống rất dễ bị chém
đẹp khi đi du lịch Sầm Sơn (ảnh giaoduc)
 
Còn độc giả Nguyễn Hữu Tuyến (nguyenhuutuyen...@gmail.com) cũng chưa hết bức xúc khi đọc bài viết về các chiêu chặt chém khi đi du lịch tại Sầm Sơn, bởi chính độc giả này cũng trải qua những cảm giác tương tự. Anh Tuyến cho hay, cứ xuống tắm biển người nhà mang máy ảnh đi chụp là bị phạt hoặc bị đánh hội đồng với lý do ăn cắp nghề làm ăn của họ; hoặc khi cả tập thể đang tắm biển vui chơi, họ tự nâng máy ảnh chụp khi nào không ai biết, sau đó tối về khách sạn họ tìm đến yêu cầu thanh toán tiền ảnh!

Theo lời độc giả Võ Hoàng Văn (hoangvan...@yahoo.com), do ngoài Bắc ít có bãi biển nào gần Hà Nội và đẹp như Sầm Sơn, cộng với mỗi năm ở miền Bắc chỉ có mùa hè là mùa du lịch nên những người dân ở đây 3 mùa còn lại chẳng biết làm gì ngoài việc “mài dao” thật sắc để đến mùa đem ra “chặt chém”.

Độc giả Hà My (huyen...@pvep.com.vn) bức xúc, năm 2007 cả gia đình chị đi Sầm Sơn, may thuê được cái nhà nghỉ H.N có ông bà chủ rất tốt bụng. Song, về dịch vụ ăn uống tại đó thì vẫn chưa khá lên được. “Buổi sáng mình ra bến tàu mua 2 con cua rất to và ngon rồi thuê hàng ăn luộc hộ. Nhưng bực mình quá, 2 phút sau họ ra bảo mình mua phải cua chết hết rồi không ăn được, rồi gạ mình mua 1 con khác của họ. Mình đành phải mua vì con nhỏ muốn ăn, sau đó họ tính giá gấp 2 lần. Từ đó đến giờ cứ nói đến đi Sầm Sơn là cả nhà mình dị ứng”.

Một độc giả khác phàn nàn, “khi cùng mấy anh em đi lên hòn Trống Mái chơi, rồi chụp ảnh (tất nhiên là bằng máy của chúng tôi), chụp xong có người ra đòi 200.000 đồng, bảo trong ảnh của chúng tôi có con gấu, con khỉ đứng tạo cảnh lên phải trả phí. 5 kiều mỗi kiểu có một gấu một khỉ = 10 con x 20.000 = 200.000 đồng. Chúng tôi làm căng, rồi cử một anh em ra mời chú công an ở gần đó đến để giải quyết. Các bạn có biết công an nói gì không? ‘Thôi các anh cứ trả đi, luật ở đây là thế mà".

Theo lời độc giả Nguyen Thi An, khi đến Sấm Sơn, vì tới nơi muộn và mệt nên đoàn 10 người của bà có nhờ chủ nhà nấu cho một nồi cháo gà ăn sáng. Hỏi giá tiền, chủ nhà trọ nói hết 500.000 đồng. Sáng hôm sau, khi múc cháo ăn thì mặn không nuốt nổi, còn hóa đơn thanh toán lên tới 1,2 triệu đồng. Khi hỏi lại thì họ nói 500.000 đồng là nồi cháo, còn 500.000 đồng là tiền củi lửa, 200.000 đồng là công phục vụ và rửa bát. “Ôi trời” - độc giả này phải thốt lên.
 
Độc giả Nguyenbao (thebao...@gmail.com) thì cho biết đi nghỉ mát với gia đình ở Sầm Sơn, khi uống cốc nước dừa có cái thìa để ngoáy đường, vợ anh bỏ ra cho con ăn sữa chua mang theo. Đến lúc tính tiền chủ quán tính thêm tiền... dùng thìa không đúng mục đích?!?.

Độc giả Lê Thành Long (long...@gmail.com) cũng bực tức không kém khi phải trả 500.000 đồng cho 3 li cà phê. Anh kể, năm 2008, công ty tổ chức cho nhân viên đi du lịch Sầm Sơn. Đi uống cà phê chủ quán nói giá 15.000 đồng/li, nhưng đến khi tính tiền hóa đơn báo cafe 15.000 đồng cộng tiền ghế, tiền thuế, tiền mặt bằng, tiền đá... tóm lại uống li 3 cà phê hết 500.000 đồng. Cho nên giờ tụi tôi cạch Sầm Sơn luôn”.

Thậm chí, các dịch vụ ở Sầm Sơn còn “chặt chém” cả chính người dân quê mình. Nhiều độc giả người Thanh Hóa cũng thừa nhận rằng, bài báo mới chỉ phản ánh một phần rất nhỏ các tệ nạn ở Sầm Sơn. Theo lời độc giả có địa chỉ email tuyen...@yahoo.com“nhà tôi chỉ cách Sầm Sơn khoảng 7km, cách biển chỉ 4km nhưng tôi không bất ngờ với những thông tin trên. Tôi cảm thấy xấu hổ vì điều đó, tôi có thể kể cho các bạn nghe hàng giờ mà không hết những tệ nạn này”.

Độc giả Vai Hanh, Tự cũng tự thấy “vô cùng xấu hổ vì là người Thanh Hóa”, và “bài báo viết chỉ đúng sự thật có 99,9% thôi. Còn 0,1% chưa đưa vào hết. Mình là người cách Sầm Sơn 13 km mà cũng bị họ phang tơi tả dù đã giở hết các thế phòng thủ mà vẫn không tránh khỏi ma trận của những người làm kinh doanh ở đó”.
 


Còn độc giả tên Tự (người Thanh Hóa) cho hay có lần cùng bạn vào quán uống nước, tất nhiên là phải hỏi giá trước rồi. “Nhưng khi uống mỗi người một cốc trà chanh xong, khi tính tiền thấy chủ quán đến rồi lôi... dưới gầm bàn (được che bằng khăn trải bàn) hơn 10 chai nước ngọt, cốc sinh tố đủ loại đòi trả tiền. Liền theo đó là mấy tay bặm trợn đứng cạnh. Nhà mình cách Sầm Sơn có hơn 30 cây số nhưng cũng phải rút tiền ra trả. Thiết nghĩ, mình quê Thanh Hóa mà còn không dám đến Sầm Sơn, vậy những bạn ở xa thì sao?”.

Đừng để Sầm Sơn biến mất trên bản đồ du lịch

Hầu hết độc giả đều cho rằng, nếu không muốn bị du khách tẩy chay và Sầm Sơn chỉ là một bãi biển trong ký ức buồn của khách thập phương và biến mất trên bản đồ du lịch Việt Nam, chính quyền và người dân địa phương cần có biện pháp mạnh và xử lý nghiêm khắc tình trạng này.

“Người dân Sầm Sơn cần kịch liêt lên án những hành vi chặt chém để bảo vệ chính cuộc sống của mình. Nếu cứ đà này thiết nghĩ chi vài năm tới Sầm Sơn sẽ trở thành bài biển hoang vắng, hãi hùng, là địa chỉ đáng xấu hổ của du lịch Việt Nam” - độc giả Quang Hung (quanghung...@gmail.com) cảnh báo.

Theo độc giả Nguyen Thao, một người đang sống và làm việc tại Indonesia, kể rằng Bali là địa danh du lịch nổi tiếng nhất ở Indonesia, không quá đẹp, thậm chí còn thua các bãi biển ở miền Trung Việt Nam, trong khi dịch vụ ở đây cũng khá đắt đỏ. Song, lý do chính thu hút hàng triệu du khách quốc tế chính là dịch vụ ở đây quá tốt và chuyên nghiệp. Khách hàng mất tiền nhưng cảm thấy xứng đáng và vui vẻ. “Một lần ở Bali, sau khi đi WC (nhà vệ sinh) gặp người lao công hỏi có phải trả phí không (họ túc trực, lau dọn thường xuyên), tôi bất ngờ và ấn tượng với câu trả lời bằng tiếng Anh không thể chuẩn hơn: It is up to you! (Tùy bạn). Du lịch Việt Nam ơi, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất đi”, độc giả này kêu gọi.

Độc giả Phạm Văn Tuân thì cho rằng, các nhà quản lý du lịch ở Sầm Sơn sao không đến Nha Trang thử học “một sàng khôn”, hay một thành phố làm du lịch rất tốt khác như Đà Nẵng.

Một khách du lịch tâm huyết nhìn nhân, việc dẹp vấn nạn chặt chém không quá phức tạp, quan trọng nhất là chính quyền có quyết tâm và tích cực vào cuộc không thôi.

Trên thực tế, từ năm 2012 lại đây, chính quyền Sầm Sơn đã có nhiều biện pháp mạnh nên tình trạng “chặt chém” đã giảm nhiều. Độc giả Minh Thành kể rằng, bản thân cũng từng có ấn tượng không tốt về Sầm Sơn nhưng hè 2012 khi cùng gia đình về đây nghỉ anh thật sự hài lòng khi thấy bãi biển rất sạch, không còn hàng rong chèo kéo, không còn trẻ con mời tẩm quất làm phiền, hàng quán bán đúng giá và cư xử đúng mực, lực lượng an ninh trật tự đi tuần liên tục, số điện thoại nóng treo khắp nơi. Chính quyền thị xã Sầm Sơn đã làm rất tốt việc quản lý và thay đổi đáng kể bộ mặt cho khu vực bãi biển nơi này.

Tương tự, độc giả Hoàng Phố (letrangthuy...@gmail.com), cho biết, những điều báo nêu ở trên đã tồn tại nhiều năm nay nhưng gần đây, Sầm Sơn đã có thay đổi đáng kể. Gia đình độc giả này vừa đi Sầm Sơn đợt 30/4 vừa rồi. “Chúng tôi rất hài lòng về bờ biển đẹp, sóng to, bãi biển sạch sẽ. Ăn uống dịch vụ cũng vừa phải. Nếu có điều kiện tôi vẫn sẽ quay lại Sầm Sơn” độc này viết.
 
Trước tình trạng cướp giật tài sản, lừa đảo, gian lận, tăng giá, chặt chém, đeo bám, ép khách du lịch, hiện tượng taxi, xích "hét giá"... liên tục xảy ra gần đây, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL vừa đề nghị lãnh đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp liên ngành để kiểm tra, phát hiện và xử lý triệt để những hành vi trên.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư để đến hết năm 2013, 100% các khu, điểm du lịch hoàn thành việc xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn.

Các tỉnh cũng cần thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, giải quyết và phản hồi thông tin kịp thời đến khách du lịch. Kết quả thực hiện các công việc này cần báo cáo về Bộ trước trước ngày 1/7/2013.
 
Theo VietNamNet

Tin tức mới nhất