Với tội ác này, dù pháp luật rất khoan hồng, thì trong lòng mỗi người biết đến vụ án đều khó có thể tha thứ cho bị cáo.
Sau một năm cướp đi mạng sống của bà nội mình, Lê Ngọc Phú Thịnh (SN 1995, trú TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) bị dẫn giải tới tòa để trả giá cho hành vi tàn độc của gã.
Phiên tòa xét xử bị cáo Thịnh có đông người thân tới dự. Đứng trước bục khai báo, Thịnh trông tiều tụy và bặm trợn chứ không còn vẻ hiền lành như hồi chưa gây án. Có thâm niên hơn 7 năm sử dụng chất ma tuý, Thịnh có những biểu hiện của kẻ nghiện với đôi mắt luôn lim dim, đờ đẫn, thờ ơ với xung quanh, không dám nhìn thẳng về phía gia đình.
Trước tòa, Lê Ngọc Phú Thịnh không chỉ được xác định là kẻ giết người như ở những vụ án khác, mà còn được liệt vào loại đại nghịch, bất hiếu. Bởi nạn nhân dưới tay y không ai khác chính là bà G., người sinh thành ra bố đẻ của Thịnh. Thái độ lạnh lùng, kẻ đại bất hiếu mở đầu lời khai nhận tội bằng việc khẳng định bản cáo trạng truy tố của VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế là đúng.
Thuật lại tội ác, bị cáo trình bày, chiều 14/7/2021, khi đi đến nhà vệ sinh, thì bị bà nội chửi bới, la mắng làm cho Thịnh bực tức và nảy sinh ý định giết chết bà. Vì thế, sau khi đi vệ sinh xong, Thịnh đến khu vực bếp lấy cây rựa dài 70 cm, đi lại chỗ bà G. đang ngồi chém nhiều nhát vào đầu, cổ, mặt làm bà G. chết tại chỗ.
Thấy bà G. chết, Thịnh vứt cây rựa xuống giếng. Sợ linh hồn của bà nội đi theo, nên Thịnh vào phòng ngủ lấy con dao thái bỏ trong người với ý nghĩ sẽ trừ được tà. Khi đang ngồi ở bờ sông Hương định thần lại hành động đã làm, thì Thịnh bị công an bắt giữ.
Bị cáo Lê Ngọc Phú Thịnh.
Lạnh lùng khi thực hiện tội ác và lạnh lùng trong từng lời khai nhận tội, thế nên khi HĐXX truy vấn, Thịnh ráo hoảnh: “Bị cáo ăn năn vì biết hành động của mình là sai, nhưng không phải vô cớ hành động như vậy mà nguyên do xuất phát từ bà nội”. Vẫn thái độ mất hết tính người, Thịnh phân trần: “Bị cáo thấy việc mình làm là sai, nhưng không cảm thấy bất nhân hay ác. Vì bà nội ngược đãi mắng chửi bị cáo từ nhỏ, bị cáo hành xử như vậy”.
Sau khi nghe bị cáo trình bày, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa nghiêm giọng: “Gia đình bị cáo có đông anh chị em, dẫu rằng khó khăn nhưng ai cũng chọn cho mình một tương lai tươi sáng. Riêng bị cáo lại không chịu cố gắng nỗ lực vươn lên, ăn chơi lêu lỏng rồi dính vào ma túy dẫn đến hạn chế khả năng nhận thức và hành vi.
Nhân thân bị cáo không tốt, bị cáo từng bị xử phạt về hành vi gây rối trật tự công cộng, sử dụng trái phép chất ma tuý và cố ý gây thương tích. Chọn con đường sai lầm nhưng không chỉ bị cáo phải chịu hậu quả mà thực tế cả gia đình bị cáo cũng đã phải chịu nỗi đau lớn... Bị cáo không có quyền tước đoạt mạng sống của người khác. Việc bà la mắng bị cáo nguyên nhân xuất phát từ bị cáo, do bị cáo là thanh niên trong gia đình nhưng không chịu lao động, nghiện ngập, thường xuyên chặt cây cối, gây rối không cho bà nghỉ ngơi”.
Đến dự phiên tòa có người thuộc hàng con cháu, thân thích của cụ bà xấu số và cũng chừng ấy người quen mặt, biết tên bị cáo. Chẳng ai nói ra, song có lẽ trong lòng họ đều mang những nỗi đau đớn tột cùng. Vì rằng ở đời làm gì có nỗi đau nào hơn nỗi đau “con giết cha, cháu giết bà”, vì rằng bi kịch ập đến với đại gia đình họ quá đỗi bất ngờ và khủng khiếp.
Nói về mẹ của mình, ông Dũng ngậm ngùi: “Mẹ tôi lúc còn sống rất thương yêu con cháu, có cái gì ngon cũng phần con, phần cháu. Thịnh sử dụng chất ma túy từ sớm, thường xuyên chặt cây cối, phá hỏng nhiều vật dụng trong nhà, xót cháu nên bà có la mắng mong nó thay đổi. Nào ngờ nó nhẫn tâm ra tay cướp đi mạng sống của bà. Gia đình chúng tôi một đằng xót mẹ, một đằng xót đứa cháu tội lỗi…”.
Vừa đại diện cho bị hại vừa là mẹ đẻ của bị cáo, bà M. như đứng giữa 2 dòng nước. Ngồi theo dõi phiên xét xử, bà không giấu được những giọt nước mắt xót xa.
Gạt nước mắt thương mẹ chồng vắn số và đau lòng vì đứa con ngỗ ngược của mình, bà M. đỡ lời cho con: “Con tôi sử dụng chất ma túy khi mới 18 tuổi, thần kinh bị ảnh hưởng, nên nhiều lúc không kiểm soát được hành vi. Cháu không nhận thức được vấn đề nghiêm trọng do mình gây ra.
Vợ chồng tôi sinh con nhưng trời sinh tính, cũng vì lam lũ, lo chạy ăn từng bữa nên thiếu sự quan tâm, giáo dục con để xảy ra chuyện đau lòng này. Vẫn biết chẳng có gì để bù đắp mất mát to lớn này. Thôi thì con dại cái mang, tôi cũng đau đớn lắm mà chẳng biết làm gì vì dù sao nó cũng là con tôi rứt ruột đẻ ra. Xin tòa xem xét để cháu có cơ hội sớm trở về với gia đình, chuộc lại tội lỗi do mình gây ra”.
Phiên toà kết thúc, với mức án chung thân, Thịnh không tỏ ra bất ngờ trước hình phạt này. Trời Huế đang nắng chang chang bỗng mây đen kéo đến. Đứa cháu nghịch tử giết bà lầm lũi lên xe thùng vào nhà giam dưới cơn mưa như trút trong tiếng khóc nấc của người thân còn văng vẳng sau lưng. Có lẽ đối với bị cáo mức án dù có cao bao nhiêu cũng không thể bằng bản án lương tâm, tất cả đã quá muộn cho đứa cháu tội đồ.
Cầm cân nảy mực tại phiên xử, vị chủ tọa không khỏi chạnh lòng trước thảm kịch gia đình của bị cáo, bà nội chết, đứa cháu phải vào tù. “Đây cũng là bài học về nhân cách mỗi con người là thành viên trong gia đình, cũng cần lên án về lối sống của những thanh niên mới lớn hiện nay, có trách nhiệm với chính bản thân, gia đình và xã hội”, vị chủ toạ phiên tòa chia sẻ.
Theo các chuyên gia tâm lý, ma túy gây ra những biến đổi trong cấu trúc, chức năng của não, ảnh hưởng đến hành vi, thái độ của người nghiện. Ma túy ảnh hưởng tiêu cực đến tâm sinh lý người nghiện qua những dấu hiệu bất thường như: trong quan hệ ứng xử, suy sụp tinh thần, đánh mất lương tâm, dám làm những việc bất nhân.
Gia đình không may có người thân bị nghiện ma túy, việc chửi rủa, hay than vãn, trách móc người nghiện không phải là biện pháp tốt, đôi khi là nguyên nhân gây ra những bi kịch đau lòng như vụ án trên. Cần hiểu họ, để giúp họ sớm tỉnh ngộ mà quay về.
Theo Zing