Đũa dùng một lần bị nghi nhiễm độc: Cả người mua, người bán thờ ơ

Dạo qua chợ lớn ở Hà Nội, thị trường bán buôn đũa dùng một lần vẫn rất nhộn nhịp.

Một ngày sau công bố của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) về việc phía doanh nghiệp Đài Loan phản ánh 4 mẫu đũa tre Việt Nam không đảm bảo chất lượng do có chứa hóa chất tẩy trắng, nhưng thị trường bán buôn sản phẩm này vẫn rất nhộn nhịp.

Muốn loại nào cũng có

Dạo một vòng quanh chợ Đồng Xuân (Hà Nội) thấy không khí mua bán sắm tết đã bắt đầu tấp nập. Có đến hơn chục gian hàng bán sỉ, bán lẻ đồ gia dụng đều có bán các sản phẩm đũa tre dùng một lần.

dua dung mot lan bi nghi nhiem doc: ca nguoi mua, nguoi ban tho o hinh anh 1

Đũa tre dùng một lần vẫn được bày bán khá chạy tại khu vực chợ Đồng Xuân. Ảnh: Lê Đức

Ngay sau chợ Đồng Xuân, gian hàng nhỏ của bà Nguyễn Thị Hoa có bày bán tới 5-6 sản phẩm đũa tre, từ bình dân cho tới cao cấp. Bà Hoa giới thiệu, loại đũa tre dùng một lần được nhiều khách hàng lựa chọn có giá từ 16.000 – 20.000 đồng/bó (mỗi bó 100 đôi). Các loại đều nằm trong túi bóng kính, in chữ đỏ với lời quảng cáo “đũa sạch”. Có loại in cơ sở sản xuất trên vỏ nhưng có loại chỉ trong túi bóng trắng. Khi lấy một đôi đũa có giá 160 đồng/đôi ngửi, tôi thấy đũa có mùi hôi của tre ngâm rất khó chịu. Còn loại được giới thiệu là cao cấp có giá “chát” hơn: 60.000 đồng/100 đôi. Theo bà Hoa, loại này có thể rửa sạch và dùng thêm một vài lần.

Khi chúng tôi có ý kiến lo ngại về việc đũa tre dùng một lần có chất tẩy trắng, rất độc bà Hoa cười lảng tránh: “Tôi chẳng biết, đũa nhà tôi lấy toàn hàng chất lượng. Nếu cô lấy số lượng lớn tôi sẽ để giá phải chăng. Bớt 2.000 đồng/bó. Cô không tìm được cửa hàng nào bán đũa rẻ như tôi đâu”.

Cách sạp hàng của bà Hoa không xa là đại lý phân phối Phượng Bình, chuyên cung cấp đồ nhựa gia dụng, đồ inox lớn nhất chợ Đồng Xuân. Bà Bình – chủ đại lý cho hay, sản phẩm đũa tre bán rất chạy. Ngày nào cũng có khách qua đặt hàng chục bao tải (mỗi bao khoảng 1.500 đôi), chủ yếu là khách sạn và nhà hàng. 

Khi tôi mặc cả giảm giá, tìm hiểu nguồn gốc sản phẩm, bà Bình liền khẳng định: “Nhập ở đâu tôi chỉ cho cô biết để cô tới đó mua mất phần của tôi à? Ở đây toàn hàng Việt Nam, không có hàng Trung Quốc đâu”.

Nói rồi bà chủ mở bao đũa, rút ra một đôi đưa cho phóng viên: “Đây cô thích thì xem đi, ngửi xem nó có mùi như mấy đôi đũa rẻ tiền ngoài kia không”. Đúng như lời quảng cáo của bà Bình, tuy không thấy có mùi tre mốc hay hôi hôi như một số đôi đũa trước đó mà tôi đã cầm nhưng đôi đũa tại đại lý của bà Bình lại có màu sắc trắng tinh, không giống với màu tre ngà ngà thường thấy. Vỏ giấy bóng thô sơ, vừa cầm lên tay đã rách toạc.

Sợ nhưng vẫn dùng

Chị Nguyễn Thanh Tâm – người chuyên nấu cỗ, đồng thời là chủ căng tin chuyên cung cấp cơm cho một số cơ quan trên địa bàn quận Ba Đình cho biết, trước đây chị rất hay mua loại đũa dùng một lần này về làm cỗ. Thế nhưng gần đây, nghe thông tin đũa này không đảm bảo nên chị cũng ít mua hơn. “Nghe báo chí nói nhiều là loại đũa này có hóa chất tẩy trắng, khách hàng của mình khi dùng cũng phản ánh là có đôi bị mốc, có mùi thế nên gần đây không lấy nhiều nữa” - chị Tâm nói.

Mặc dù rất lo ngại, nhưng chị Tâm cho biết, chỉ là khách quen, ăn cơm thường xuyên tại căng tin mình mới mua đũa gỗ cho họ dùng và rửa để dùng lại nhiều lần. Còn với những đám cỗ to, có tiệc cưới hỏi, phải làm cả trăm mâm thì dùng bao nhiêu đũa gỗ cho đủ. Chính vì vậy, chị vẫn mua đũa dùng một lần để làm vì nó vừa rẻ lại vừa tiện.

Liên quan tới việc một số sản phẩm đũa tre dùng một lần không đạt chất lượng, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên khoa Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng người dân không nên quá hoang mang và lo lắng.

Ông Thịnh cho biết: “Chất hydrogen peroxide mà phía Đài Loan cảnh báo có tên thường gọi là oxy già. Với chất này, có thể doanh nghiệp dùng để tẩy trắng đũa nhưng khi sấy khô thì chưa hết, còn tồn dư rất ít trong lõi của đũa. Nếu có thì cũng không đủ lớn để ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ”. Được biết, hydrogen peroxide 35% ngành thực phẩm có thể được sử dụng để bảo quản sữa nguyên liệu và đóng gói đậu phụ.

Theo ông Thịnh, còn chất biphenyl thường dùng trong ngành công nghiệp giấy, tạo độ mềm dẻo và truyền dẫn nhiệt. Biphenyl có mùi thơm dễ chịu, có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm nhẹ. Nếu tiếp xúc liên tục, chất này sẽ tác động đến hệ thần kinh gây mệt mỏi, mất ngủ… Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nguy cơ biphenyl gây ngộ độc cấp là rất thấp.

10 mẫu đũa âm tính  chất tẩy trắng

Ngày 10.1, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia lấy mẫu các sản phẩm đũa dùng 1 lần trên thị trường để kiểm nghiệm các chất tẩy trắng. Kết quả cho thấy, 10 mẫu đũa do các công ty Việt Nam sản xuất bán trên thị trường đều âm tính với chất tẩy trắng.

Ngày 11.1, Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) đã gửi tên 4 doanh nghiệp Đài Loan nhập khẩu đũa Việt Nam nhiễm chất độc hại cho Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Cụ thể, 3 mẫu đũa có nhiễm chất tẩy trắng (hydrogen peroxide) và 1 mẫu đũa có chất tạo mùi (biphenyl). Tuy nhiên, bên Đài Loan chưa cung cấp rõ cơ sở nào tại Việt Nam sản xuất các mẫu đũa nói trên. Cục An toàn thực phẩm đang yêu cầu phía Đài Loan cung cấp rõ danh tính các công ty Việt Nam sản xuất đũa nhiễm độc để kiểm tra. Trước đó, phía Đài Loan cho biết đã phát hiện khoảng 17.000 tấn đũa sử dụng một lần nhập từ Việt Nam nhiễm các chất độc nói trên.

Theo Dân Việt


Tin tức mới nhất