Bắt nguồn từ những lời chỉ trích của fan Lady Gaga tại Việt Nam, Văn Mai Hương đang vướng phải tranh cãi liên quan đến việc cover ca khúc Always Remember Us This Way. Khán giả chỉ ra Văn Mai Hương đã hát Always Remember Us This Way ở nhiều sự kiện khác nhau, bao gồm đêm nhạc bán vé và video cover phát hành trên kênh cá nhân.
Theo fan của Lady Gaga, việc Văn Mai Hương cover quá nhiều trong khi nữ ca sĩ người Mỹ chưa biểu diễn ca khúc khiến khán giả nhầm tưởng Văn Mai Hương mới là chủ nhân của Always Remember Us This Way.
Những ồn ào xoay quanh việc cover
Đáp lại những lời chỉ trích của khán giả, Văn Mai Hương giải thích trước khi hát Always Remember Us This Way, cô đã xin được cấp phép biểu diễn và trả tiền cho cục bản quyền tác giả.
Tuy nhiên, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết Văn Mai Hương mới xin cấp phép biểu diễn còn quyền sao chép và phát hành cần xem xét lại.
Đây không phải lần đầu Văn Mai Hương vướng phải ồn ào liên quan đến việc cover. Giữa năm 2020, cô bị chỉ trích vì hát Hoa Nở Không Màu trong một show bán vé sau đó phát hành trên kênh cá nhân. Chính tác giả của ca khúc là nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường bày tỏ sự bức xúc.
Văn Mai Hương gây tranh cãi khi hát ca khúc của Lady Gaga.
Văn Mai Hương sau đó lên tiếng xin lỗi nhạc sĩ. Nữ ca sĩ khẳng định chỉ cover vui theo yêu cầu của khán giả và không bật chức năng kiếm tiền khi đăng tải video vì vậy hành vi của cô không thể xem là xâm phạm bản quyền.
Tranh cãi xoay quanh những bản cover là vấn đề tồn tại nhiều năm qua ở thị trường âm nhạc Việt. Trước khi Chỉ là không cùng nhau gây sốt, bản nhạc Hoa lời Việt khác cũng từng chiếm lĩnh Vpop từ bảng xếp hạng âm nhạc tới mạng xã hội, đó là Độ Ta Không Độ Nàng.
Tuy nhiên, thời điểm bài hát nổi tiếng tức năm 2019, công chúng cũng đặt ra những thắc mắc liên quan đến bản quyền ca khúc, rằng liệu bao nhiêu trong số hàng chục ca sĩ tại Việt Nam xin phép tác giả người Trung Quốc là tác giả Cô Độc Thi Nhân.
Thực tế, khi một đơn vị công bố nắm giữ bản quyền Độ Ta Không Độ Nàng tại Việt Nam, cuộc tranh luận đã nổ ra. Nhiều video cover biến mất sau khi đăng tải vì chưa mua bản quyền. Là một trong số ca sĩ bị gỡ video, Phương Thanh chỉ trích đơn vị này vụ lợi, cơ hội, bất chấp mua tác quyền bài hát một cách nhanh chóng khi đang hot để ăn chia lợi nhuận.
Trong khi đó, đơn vị này khẳng định tác giả Cô Độc Thi Nhân không hề hay biết bài hát của anh đã được cover tràn lan ở Việt Nam.
Đại diện đơn vị cho biết: “Khi sản phẩm bị xâm hại bản quyền và chưa được sự cho phép thì chủ bản quyền không đồng ý. Chính vì vậy, họ mới ủy quyền cho các đơn vị bản quyền tại Việt Nam cũng như lãnh thổ khác”.
“Một số đơn vị cho hay ca sĩ không nắm rõ vấn đề bản quyền nên họ suy luận và viện ra lý do. Việc dùng trí tuệ của người khác kiếm tiền không được pháp luật cho phép. Chúng tôi hoàn toàn có quyền xử lý những trường hợp vi phạm", đại diện nhấn mạnh.
Việc cover chưa xin phép tác giả khá phổ biến ở Vpop, đặc biệt với những ca khúc nước ngoài. Năm 2019, Khắc Việt thậm chí nghiêm cấm Hương Ly hát và kinh doanh ca khúc Bước Qua Đời Nhau. Nhạc sĩ cũng yêu cầu “hiện tượng cover” gỡ bỏ video Bước Qua Đời Nhau vì hát không xin phép.
Hương Ly từng bị Khắc Việt cấm sử dụng bài hát.
Thời điểm Khắc Việt lên tiếng, bản cover Bước qua đời nhau của Hương Ly đã đăng tải được 3 tuần và đạt 14 triệu lượt xem. Là người sáng tác Bước Qua Đời Nhau, Khắc Việt bức xúc khi Hương Ly mang ca khúc đi diễn mà không một lời hỏi han, thậm chí không giới thiệu tên tác giả.
“Trên kênh của bạn cũng không ghi tên tác giả trong các video cover mà nghiễm nhiên mang đi biểu diễn khắp các tụ điểm để nhận cát-xê. Là do bạn không biết tác giả là ai?", Khắc Việt bày tỏ.
"Cover hay làm mới đều cần tôn trọng bản quyền"
Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường cho biết đối với ca khúc trong nước, khi cover ca sĩ phải có sự đồng ý của tác giả. Tựa đề khi đăng tải bản cover lên kênh YouTube cũng thường kèm theo tên ca khúc và ca sĩ thể hiện bản gốc.
Một số ca sĩ thay vì cover đúng theo giai điệu gốc đã có sự sáng tạo bằng cách làm mới bản phối, thêm thắt màu sắc cá nhân. Tuy nhiên, theo nhạc sĩ, trường hợp nào cũng cần đảm bảo bản quyền tác giả hay độc quyền của ca sĩ.
“Khi được sự cho phép của tác giả, người cover có thể phối lại nhạc để thu âm bản của mình. Các bản cover thường không thể phát hành nhạc số nếu tác giả đã bán độc quyền cho ca sĩ hát bản gốc (trừ trường hợp ca sĩ hát bản gốc đồng ý)”, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường giải thích.
Việc viết lại lời, chuyển thể, chuyển điệu, hoàn toàn phải thông qua sự đồng ý của tác giả để kiểm soát những thay đổi và tránh làm ảnh hưởng đến yếu tố âm nhạc của ca khúc.
Theo nhạc sĩ Hoa Nở Không Màu, đối với nhạc nước ngoài, muốn viết lại lời, phối lại nhạc hoặc cover phải thông qua một đơn vị đại diện bản quyền nhạc nước ngoài. Có thể liên hệ VCPMC hoặc từ VCPMC để kết nối với những đơn vị có thẩm quyền liên quan.
“Nếu chương trình chủ động yêu cầu ca sĩ hát một ca khúc không thuộc quyền sở hữu của ca sĩ, ban tổ chức phải có trách nhiệm liên hệ về bản quyền để được sử dụng ca khúc trong chương trình, bao gồm biểu diễn sân khấu, trực tiếp truyền hình”, anh nói.
Nhạc sĩ nhấn mạnh quyền biểu diễn và quyền sao chép, phát hành hoàn toàn khác nhau với những mức phí khác nhau.
Từ góc độ nhạc sĩ, Nguyễn Minh Cường cho biết anh buồn lòng khi những “đứa con tinh thần” bị dùng chùa mà không có sự xin phép. Việc cover không xấu nhưng vì mục đích thương mại, kiếm tiền, đăng trên kênh bật quảng cáo là đáng lên án.
“Tôi từng rất quyết liệt trong vấn đề bản quyền ca khúc, vì nếu bị sử dụng ‘chùa’ tác phẩm, đó là sự thiếu tôn trọng tác giả. Đôi khi không phải vấn đề tiền bạc, chỉ cần một lời xin phép, tác giả cũng đủ vui để đồng ý rồi”, anh nhấn mạnh.
Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường cho rằng không nên cover với mục đích kiếm tiền.
"Không nên lạm dụng cover"
Ngoài vấn đề bản quyền, nhiều nhạc sĩ cũng cho rằng không nên lạm dụng cover. Thay vào đó, họ mong đợi lớp ca sĩ trẻ có những sáng tạo, cá tính riêng trong âm nhạc.
Gần đây, khi bản nhạc Hoa lời Việt Chỉ Là Không Cùng Nhau trở thành hiện tượng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường đã bày tỏ với chúng tôi: "Tôi nghĩ nên tiết chế. Tôi có thể nghe một bài hát Trung Quốc và thấy hay nhưng không có nghĩa tôi sẽ làm lại bài đó cho khán giả Việt nghe.
Số lượng ít thôi thì ổn nhưng nếu lạm dụng vì muốn nổi tiếng, có kinh tế, thậm chí hát lại của người khác khi chưa giải quyết vấn đề bản quyền thì không nên".
Anh nhận định: "Nhạc Việt chưa đậm bản sắc. Đó là điều đáng suy ngẫm. Tôi rất mong âm nhạc Việt có được những màu sắc riêng, chẳng hạn nhạc Trịnh. Khi nghe nhạc của Trịnh Công Sơn, khán giả nhận ra xuất xứ là từ Việt Nam. Đó là điều đáng tự hào".
Nhạc sĩ Quốc Trung đồng tình. Anh cho rằng ca sĩ phải tự tin bước vào con đường nghệ thuật, tạo ra dấu ấn riêng, cá tính riêng, không nên ỷ lại hay dựa dẫm, lạm dụng những thứ tinh hoa có sẵn.
“Những bản cover chỉ nên coi đó là bước khởi đầu, thậm chí là thử nghiệm để tạo ra những năng lực sáng tạo”, nhạc sĩ nhấn mạnh.
Theo Zing