Hiếm có tác phẩm nào của Disney vấp phải sự phản đối nhiều như Mulan (Tựa Việt: Hoa Mộc Lan) ngay từ những ngày đầu công bố chọn Lưu Diệc Phi vào vai nữ chính. Fan lo rằng diễn xuất tệ hại của “Thần tiên tỷ tỷ” sẽ phá nát bộ phim.
Nhưng họ đã lầm! Lưu Diệc Phi tệ thật nhưng cũng chỉ là một trong vô số nguyên nhân biến bom tấn hoạt hình một thời thành thảm họa.
1. Sai lệch trầm trọng về bối cảnh
Những câu chuyện cổ về Hoa Mộc Lan lấy bối cảnh thời Nam Bắc Triều mà cụ thể là nhà Bắc Ngụy (386-534), còn kẻ thù của họ là bộ tộc du mục Nhu Nhiên, tồn tại từ thế kỷ thứ 4 đến năm 555 thì suy vong.
Phiên bản hoạt hình năm 1998 thay đổi bối cảnh thành nhà Hán – triều đại đã thống nhất Trung Quốc bởi Hán Cao Tổ Lưu Bang. Do đó, Hoàng đế trong phim đúng là Vua của cả Trung Hoa.
Tuy nhiên, phiên bản Mulan của đạo diễn Nikki Caro vì muốn “chân thật” hơn nên đã quay trở lại mốc thời gian ban đầu. Điều đáng nói là nhà Bắc Ngụy chỉ nắm quyền ở phía Bắc và được hình thành từ bộ tộc Tiên Ti, vốn không khác người Nhu Nhiên là bao, nhưng nhân vật của Lý Liên Kiệt vẫn được gọi là “Vua của cả Trung Hoa” một cách khó hiểu.
Ngoài ra, tác phẩm còn vay mượn văn hóa từ vô số triều đại khác trong lịch sử Trung Quốc mà chẳng quan tâm đúng sai. Các fan dễ dàng nhận ra kiểu trang điểm của Mộc Lan xuất phát từ nhà Đường qua nhiều phim về Võ Tắc Thiên. Trong khi đó, khu nhà của họ Hoa thì mãi đến thời nhà Tống hàng trăm năm sau mới xuất hiện.
2. Gia tộc họ Hoa có biểu tượng Phượng hoàng?
Phần phim hoạt hình cách đây 22 năm từng bị nhiều chỉ trích khi biến Rồng – linh thú đại diện cho Vua chúa – trở thành “sai vặt” của Mộc Lan. Tuy nhiên, xét thấy việc Mộc Châu (Eddie Murphy) chỉ bé tẹo và tấu hài là chính nên khán giả dễ dàng bỏ qua.
Phiên bản điện ảnh lại tiến thêm bước nữa khi dùng Phượng hoàng để làm gia huy và linh vật cho nhà họ Hoa vì “nữ quyền”. Không hiểu đội ngũ lịch sử của Disney làm việc kiểu gì khi kể từ thời nhà Hán cách đây 2.200 năm thì đây đã là loài chim biểu tượng cho hoàng hậu hoặc các phi tần.
3. Không có Rồng nhưng lại có phép thuật?
Lý do khiến ê kíp Disney loại Mộc Châu khỏi bản phim là để “chân thật hơn”. Song, chẳng hiểu sao họ lại thêm vào một Tiên Nương (Củng Lợi) có khả năng biến hình thành chim và “tẩy não” kẻ thù chỉ bằng “Khí”.
Không những thế, Mộc Lan cũng mang võ thuật thiên bẩm nhờ khái niệm ngộ nghĩnh này. Nói cách khác, “Khí” chả khác gì Thần Lực trong loạt phim Star Wars của Disney cả.
Chẳng lẽ trong quan niệm của “nhà Chuột” thì người phương Đông nào vượt trội cũng đều nhờ “Khí” hay sao? Họ thẳng thừng bỏ qua quá trình tập luyện gian khổ của Mộc Lan vốn là điểm nhấn về nữ quyền và tình bạn trong phần phim gốc. Vì thế mà nhân vật của Lưu Diệc Phi vừa sáo rỗng lại chẳng có bất kì liên kết gì với phần còn lại.
4. Đánh trận kiểu “ngốc nghếch”
Những bộ tộc du mục ở phía Bắc Trung Quốc nổi tiếng với kỵ binh hùng mạnh đến mức ai cũng phải e dè. Ví dụ như Đột Quyết, Hung Nô hay Mông Cổ từng bắt nạt từ châu Á sang Âu.
Chẳng có vị chỉ huy nào dại dột đến mức dàn bộ binh ngoài bình nguyên để đánh tay đôi với chúng cả, trừ Đường tướng quân (Chân Tử Đơn) – người hay nói đạo lý và thuyết giảng giáo dục công dân nhưng khả năng cầm quân bằng không.
Vừa thua thiệt về quân số, vừa kém về chất lượng nhưng ông vẫn quyết ra trận thay vì tận dụng lợi thế thủ thành. Không những vậy, khi thấy một nhóm quân thù đột ngột tách ran gay đầu trận, họ Đường ngay lập tức cho quân mình đuổi theo một cách thiếu muối mà chẳng suy tính đến chuyện bị phục kích hay chia nhỏ lực lượng.
Có lẽ vì những ông tướng như vậy mà nhà Bắc Ngụy mới thua dễ dàng chăng?
5. Mộc Lan tự nhận là nữ bất chấp hậu quả
Một chi tiết nữ quyền tệ hại khác mà Nikki Caro cố tình nhét vào Mulan chính là cho cô tự nhận mình là nữ trước mặt các đồng đội. Hãy nhớ rằng Mộc Lan tòng quân trước hết vì chữ “hiếu” với cha chứ chưa bao giờ muốn khẳng định mình.
Chưa kể, việc nữ cải nam trang của cô đã phạm vào tội khi quân. Nếu bị phát hiện, không chỉ Mộc Lan mà cả gia tộc họ Hoa đều phải đối mặt hình phạt tru di cửu tộc.
Hành động của nữ chiến binh này dường như bất chấp tính mạng của gia đình chỉ vì cái danh vọng hão “nữ cũng làm được như nam giới”. Hay cô kém cỏi tới mức chỉ vì một vài lời khích tướng của Tiên Nương đã tự ái?
Chúc mừng Nikki Caro và Disney trong việc ném toàn bộ ý nghĩa của câu chuyện và nhân vật Hoa Mộc Lan ra sọt rác.
6. Dàn nhân vật phụ rốt cuộc có mục đích gì?
Mulan không chỉ phá nát hình tượng Mộc Lan mà còn xây dựng các nhân vật phụ tệ đến mức không tưởng. Bỏ qua những Trần Hồng Huy (An Trục Hâm) chả có vai trò gì thì số còn lại hành động vô lý khiến người xem không khỏi ức chế.
Đầu tiên và Hoàng đế Trung Hoa được mô tả là kinh nghiệm chiến trận đầy mình nhưng dễ dàng dẫn vài quân lính ra khỏi thành chỉ vì một hai câu nói khích tướng của cận thần. Tiên Nương cũng bỗng nhiên đổi phe sau màn đối thoại nhạt nhẽo với Mộc Lan.
Tuy nhiên, khó hiểu nhất lại chính là Bảo Lý Hãn (Lý Tiệt) của tộc Nhu Nhiên. Khi thế đang thắng như chẻ tre, gã đột nhiên bỏ lại toàn bộ quân đội để dẫn một nhóm nhỏ đột kích kinh thành.
Với âm mưu được giải thích là “giết Hoàng đế để trả thù cho cha”, Khả Hãn này khi nắm được kẻ thù trong tay thì lại chuyển sang màn thuyết giảng đạo lý hệt như Đường tướng quân và chờ Mộc Lan tới.
Kết phim Mulan không khác gì màn tấu hài của những đứa trẻ theo logic mà người lớn khó có thể hiểu được.
Có lẽ, Disney nên bỏ 200 triệu USD vào việc nghiên cứu bối cảnh lịch sử và thuê biên kịch tốt hơn thay vì phí phạm vô Lưu Diệc Phi mà chẳng có ích lợi gì.
Xuân Vũ
Theo Vietnamnet