Những năm gần đây, Disney liên tiếp làm lại các tác phẩm hoạt hình thành phiên bản người đóng. Đa số các tác phẩm thành công về mặt doanh thu nhưng bị chê bai tơi tả. Song, hiếm có bộ phim nào lại vấp phải nhiều sự phản đối như Mulan từ khâu chọn diễn viên khi Lưu Diệc Phi đóng chính. Cuối cùng, thành phẩm quả là một thảm họa kể cả diễn xuất lẫn nội dung.
Trailer phim "Mulan"
Nội dung Mulan lấy bối cảnh thời Nam Bắc Triều ở Trung Quốc khi tộc Nhu Nhiên thường xuyên xâm lăng bờ cõi Bắc Ngụy. Lần này, chúng được cầm đầu bởi Bảo Lý Hãn (Lý Tiệt) và Tiên Nương (Củng Lợi) có khả năng biến hình. Chúng liên tiếp hạ nhiều thành ở biên ải khiến Hoàng đế (Lý Liên Kiệt) phải ra lệnh trưng thu mỗi gia đình một người đàn ông đi lính.
Nhà họ Hoa chỉ có hai cô con gái khiến ông Hoa Hồ (Mã Thái) nay đã già yếu và bị tật ở chân buộc phải tòng quân. Vì thương cha, Hoa Mộc Lan (Lưu Diệc Phi) đã giả trai để ra trận. Tại doanh trại, cô làm quen với nhiều đồng đội khác, trong đó có Trần Hồng Huy (An Trục Hâm) và Đường tướng quân (Chân Tử Đan). Mộc Lan đành vừa phải che giấu thân phận vừa phải cố gắng luyện tập để tránh bỏ mạng nơi sa trường.
200 triệu USD nên thuê biên kịch chứ đừng đổ hết vào bối cảnh?
Với con số 200 triệu USD mà Disney đầu tư, nhiều fan từng nghĩ rằng Mulan chắc sẽ hoành tráng lắm. Trên thực tế, bộ phim làm rất tốt phần bối cảnh trải dài từ sa mạc, núi tuyết cho đến thảo nguyên để thể hiện được rộng lớn của Trung Quốc. Phần kinh thành được chăm chút kỹ lưỡng không thua kém gì các cung điện tráng lệ, nguy nga trong các bom tấn cổ trang Hoa Ngữ.
Phim thường xuyên sử dụng những góc quay rộng hay từ trên cao xuống để phô diễn sức mạnh của kỹ xảo. Đặc biệt một vài phân cảnh như tuyết lỡ rất hoành tráng. Phim có tông màu khá sặc sỡ và nịnh mắt. Phần trang phục, giáp trụ cũng được thiết kế một cách tinh xảo, màu sắc đa dạng, thể hiện được đặc trưng của thời kỳ Nam Bắc Triều. Tuy nhiên, đây là những điểm tốt duy nhất của tác phẩm.
Thay vì đầu tư hết vào bối cảnh, Disney nên dùng tiền trả cho các biên kịch để nội dung Mulan bớt phần thảm họa. Bộ phim thẳng tay cắt bỏ nhân vật Mộc Châu cũng như thay đổi bối cảnh nhà Hán so với bản hoạt hình để “chân thật” hơn. Song, bộ phim cuối cùng lại cho Tiên Nương có khả năng hóa thú hay biến hình thành người khác còn Mộc Lan sở hữu “Khí” một cách khó hiểu.
Điều này khiến cô “mạnh từ trong trứng” và không cần phải luyện tập quá nhiều. Phân đoạn luyện võ ở doanh trại cùng đồng đội cũng vì thế mà bị cắt bớt phần lớn. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển mối quan hệ giữa Mộc Lan và các đồng đội như bản hoạt hình. Rốt cuộc, cả nhóm chẳng có mấy cảm xúc với nhau khiến việc họ chọn tin tưởng cô ở cuối phim ở trên lạc quẻ.
Không những thế, Mulan còn chứa đựng vô số điểm phi lý trong khâu nội dung và đánh trận. Với 200 triệu USD, Disney chỉ có thể tạo ra một trận đánh nhạt nhẽo với quân số hai bên chỉ khoảng vài trăm. Chiến thuật thì rối loạn, cách chỉ huy của cả hai phe cũng chẳng tuân theo bất kỳ luật lệ nào. Cái kết phim không khác gì tuồng cải lương khi các nhân vật mải mê nói chuyện, khóc lóc và hành động một cách vô nghĩa.
Yếu tố nữ quyền hời hợt
Như đã đề cập, việc cho Mộc Lan sở hữu “Khí” khiến nhân vật mất hẳn yếu tố nữ quyền. Trong bản gốc, cô tòng quân là vì chỉ “hiếu” với cha chứ chẳng sở hữu sức mạnh bá đạo nào. Việc này khiến Mộc Lan thua sút mọi người và suýt nữa là bị đuổi đi. Song, cô đã tập luyện chăm chỉ hơn cả các đồng đội nam giới và vượt qua họ. Ở bản điện ảnh, Mộc Lan thua đơn giản vì cô không muốn tiết lộ thân phận.
Ngoài ra, việc cô tự nguyện nhận mình là phụ nữ vì “không muốn lừa dối” đã đá bay sự hiếu thảo của nhân vật. Bởi lẽ, Mộc Lan chưa từng muốn vang danh thiên hạ là nữ giới đánh giặc mà cô chỉ muốn hoàn thành nghĩa vụ, trở về với gia đình. Thậm chí, việc bại lộ còn khiến cả gia đình cô bị chu di toàn bộ. Mộc Lan nay trở thành kẻ muốn bán rẻ mạng sống cả gia tộc chỉ vì “không muốn lừa dối” sao?
Ở phía đối diện, Tiên Nương (Củng Lợi) cũng tương tự khi suốt ngày chỉ biết nói suông về chuyện phụ nữ cũng phải được nắm quyền như nam giới. Trên thực tế, cả hai nhân vật đều đã mạnh sẵn và chẳng thấy gì gọi là nỗ lực phấn đấu của họ cả. Việc Tiên Nương cuối cùng đổi phe chỉ sau vài câu nói cũng cực kỳ vô lý và chẳng tạo được bất kì sự đồng cảm nào.
Diễn xuất tệ hại của Lưu Diệc Phi
Ngay từ đầu, Lưu Diệc Phi ăn không ít gạch đá khi được chọn vào vai Mộc Lan. Cuối cùng, cô đã chứng minh rằng mình bị phản đối là hoàn toàn chính xác. “Thần tiên tỷ tỷ” mang tới nét đơ cứng trong mọi phân cảnh, dù là vui vẻ, đau thương, bối rối.
Thậm chí các cảnh hành động của cô cũng chẳng có sự biến sắc nào. Dẫu biết nữ cải nam trang là phải lạnh lùng nhưng đây là diễn xuất tệ hại đến một cảnh giới khác.
Việc tập trung xây dựng nữ quyền quá lố cũng thể hiện ở việc tuyến nhân vật nam trong Mulan bị bỏ bê một cách khó chịu. Đường Tướng quân thì ngu ngơ về chuyện đánh trận, dẫn tới những chiến thuật phi lý. Trần Hồng Huy mờ nhạt chỉ biết ganh đua với Mộc Lan.
Bộ ba “tấu hài” trong bản gốc cũng được thể hiện vô cùng nhạt nhẽo với tư duy cũ kỹ và hạn chế đất diễn. Hoàng đế thì dễ dàng bị khích tướng vì sĩ diện. Toàn bộ diễn xuất đều bị trôi tuột đi mà chẳng để lại bất kì cảm xúc nào.
Cái tên ấn tượng nhất trong phim có lẽ thuộc về Củng Lợi. Minh tinh Đèn Lồng Đỏ Treo Cao thể hiện rất tốt những u uất trong lòng nhân vật khi không thể tìm được nơi mình thuộc về. Nhưng như đã đề cập, việc Tiên Nương được xây dựng một cách mâu thuẫn khiến màn trình diễn của cô cũng trở trên thiếu thuyết phục.
Nhìn chung, Mulan là một thảm họa chuyển thể của Disney và thể hiện rõ sự hời hợt trong việc tìm hiểu văn hóa phương Đông của hãng phim nổi tiếng.
Xuân Vũ
Theo Vietnamnet