Tôn Ngộ Không được khán giả biết đến là chú khỉ thông minh, lanh lợi nhưng không kém phần ngỗ ngược. Nổi tiếng khắp Tam giới là kẻ ngông nghênh nhưng ít ai biết Tôn Ngộ Không từng cúi đầu nhận những nhân vật này là đại ca.
Ngưu Ma Vương
Trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không là một nhân vật thần thông quảng đại, có 72 phép biến hóa thần thông, ngoại trừ Phật Tổ Như Lai và chư vị Bồ Tát pháp lực vô biên thì những vị thần tiên hay yêu quái có thể đối đầu với Ngộ Không chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thế nhưng Ngưu Ma Vương lại 5 lần 7 lượt đối đầu với Tôn Ngộ Không, thậm chí còn khiến lão Tôn khốn đốn, phải nhờ đến cả Trư Bát Giới và Thổ Địa dẫn âm binh bao vây cũng không khống chế nổi.
Phải đến khi Phật Tổ phái Bát Đại Kim Cương, Ngọc Hoàng cử thiên binh thiên tướng tới giúp sức, các bên hợp lực tạo thành thiên la địa võng mới trấn áp được Ngưu Ma Vương.
Đánh nhau "sứt đầu mẻ trán" nhưng Tôn Ngộ Không và Ngưu Ma Vương lại từng là huynh đệ của nhau. Theo đó, trước khi Tôn Ngộ Không đại náo Thiên Cung đã cùng Ngưu Ma Vương kết nghĩa huynh đệ với sáu con yêu tinh khác, Ngưu Ma Vương làm đại ca hiệu xưng là Bình Thiên Đại Thánh.
Nhị Lang Thần
Cũng như Tôn Ngộ Không, Nhị Lang Thần Dương Tiễn từng đại náo Thiên cung: "Hắn học xong 72 phép biến hoá, dẫn theo Mai Sơn Huynh Đệ, Hạo Thiên Khuyển, trán có thiên nhãn, một tay cầm Tam Tiêm Đao, một tay cầm Sơn Hà Xả Tắc Đồ và Khai Sơn Phủ, trực tiếp xông lên Thiên Cung, bổ Đào Sơn, cứu mẹ mình ra.
Dao Cơ công chúa bị Ngọc Đế phái mười mặt trời thiêu đốt bà tới chết. Nhị Lang Thần chính thức đối đầu với Ngọc Đế, đuổi giết mười mặt trời".
Nhị Lang Thần Dương Tiễn từng đánh nhau với Tôn Ngộ Không một trận long trời lở đất. Thế nhưng, 500 năm sau đó, trên đường phò tá Đường Tăng thỉnh kinh, Tôn Ngộ Không đã không ngần ngại mà gọi Nhị Lang Thần 2 tiếng "đại ca" vào thời khắc hội ngộ.
Hành động này của Tôn Ngộ Không thể hiện sự tôn trọng đối thủ cũng như sự thông thấu đạo lý biết “quay đầu” của Tề Thiên Đại Thánh.
Xích Khao Mã Hầu
Xích Khao Mã Hầu được Tôn Ngộ Không gọi là đại ca cũng không phải là điều khó hiểu. Bởi lẽ ngoài Tôn Ngộ Không thì còn 3 chú khỉ khác được sinh ra từ đá Ngũ sắc, trong đó Xích Khao Mã Hầu được sinh ra đầu tiên.
Do may mắn rơi vào cõi Phật, Đá ngũ sắc của Xích Khao Mã Hầu ngày ngày nghe kinh thuyết giảng hấp thụ linh khí phật môn nên sớm đắc đạo, được coi như người anh cả khai sáng cho Tôn Ngộ Không.
Trấn Nguyên Tử Đại Tiên
Trấn Nguyên Tử là một trong ba vị đại tiên của Địa Liệt Tam Tôn, được xem như là ông tổ của dòng địa tiên tức các vị tiên đã tu hành, đạt được quả vị nhưng ngụ ở mặt đất chứ không lên trời.
Ông nhận được sự kính trọng của nhiều vị tiên, bao gồm cả Phật Tổ Như Lai.
Cơ duyên của Tôn Ngộ Không và Trấn Nguyên Tử Đại Tiên bắt đầu từ thói ngông cuồng của lão Tôn khi đá đổ cây nhân sâm quý trong vườn nhà khiến ngài vô cùng tức giận.
Nhưng vì nhìn được tiền đồ của Tôn Ngộ Không, Đại Tiên đã cho Ngộ Không cơ hội phục hồi cây nhân sâm, còn nói thêm rằng nếu làm được điều này, ngài sẽ kết bái huynh đệ với Đại Thánh.
Anh tiều phu
Nghe tên "Anh tiều phu" nhiều người sẽ nghĩ đây là nhân vật ít tiền đồ nhất trong các đại ca của Tôn Ngộ Không. Thế nhưng anh tiều phu thực chất là Hậu Nghệ - một người được mệnh danh là thần tiễn trên thiên đình song muốn cải trang xuống hạ giới vi hành và học hỏi thêm.
Năm xưa, khi Tôn Ngộ Không lên núi tìm Bồ Đề Tổ Sư bái sư được anh tiều phu giúp đỡ chỉ đường. Vì mối duyên này, Tôn Ngộ Không đã kết bái huynh đệ cùng anh tiều phu.
Tuy nhiên, có giả thuyết khác cho rằng Hậu Nghệ chính là đại đồ đệ của Bồ Đề Tổ Sư nên quan hệ giữa anh và Tôn Ngộ Không là huynh đệ đồng môn.
Theo Dân Việt