Biết tin mình được công ty cử đi nước ngoài học 2 năm mà chị vừa vui vừa buồn. Vui vì công ty thừa nhận năng lực của mình, và đây sẽ là cơ hội cho chị nâng cao chuyên môn, rất thuận lợi cho sự nghiệp của chị sau này. Nhưng buồn là vì, chị sẽ phải xa chồng và cô con gái nhỏ 5 tuổi trong 2 năm.
 
Trong lòng đầy đắn đo, chị về nhà bàn bạc với chồng. Anh nói: “Tùy em quyết định. Anh tôn trọng ý kiến của em”. Anh nói thế lại càng khiến chị phải suy nghĩ nhiều hơn. Nhưng chị biết, đây là vấn đề của chị, chị phải tự đưa ra sự lựa chọn cho mình và chịu trách nhiệm với nó.
 
Ảnh minh họa
 

Sau 1 đêm thức trắng suy nghĩ, chị đã chọn đi học. Để đưa ra được quyết định này, chị phải cân nhắc thiệt hơn giữa 2 phương án rất nhiều. Chị cho rằng, có khi cả đời chị mới có một cơ hội này. Đây sẽ là bước đệm quan trọng cho sự nghiệp của chị. Sự nghiệp thăng tiến đồng nghĩa với việc chị sẽ có điều kiện tốt hơn để lo cho tương lai của con và gia đình. Nhiều người họ còn yêu xa tới mấy năm trời vẫn tới được với nhau đấy thôi. Đây chị và anh đã kết hôn, có con gái nhỏ, có sự ràng buộc lớn như thế, sao chị phải lo lắng quá làm gì. Hơn nữa, nếu như là 5 năm, 7 năm thì chắc chắn chị sẽ không đi, nhưng 2 năm đâu phải là dài.
 
Xa chồng, xa con, có ai là người muốn? Nhưng vì tin chồng, vì nghĩ cho tương lai của con, và vì đam mê nghề nghiệp của bản thân, chị nén lòng, quyết tâm xách hành lí lên và ra đi. Những ngày đầu xa nhà, chị nhớ chồng con quay quắt, nhưng rồi việc học tập dần cuốn chị đi. Lại nghĩ tới ngày về, được đoàn tụ cùng chồng con, công việc thăng tiến là chị lại có thêm động lực để cố gắng học thật tốt, vượt qua quãng thời gian cô đơn, lạc lõng ở xứ người.
 
Thời gian đầu, chị và anh liên lạc thường xuyên. Nhưng dần dà, anh không còn mặn mà với những cuộc điện thoại video hoặc gửi email với chị nữa. Chị tự an ủi mình, có lẽ giờ anh đã quen với việc chị đi vắng, mà công việc của anh bận rộn, rảnh rỗi anh còn phải nghỉ ngơi, giải trí, đâu phải cứ rời công việc ra là dành thời gian cho chị được.
 
Nhưng dường như anh càng ngày càng lạnh nhạt với chị. Có khi cả mấy ngày trời không nói với chị được câu nào. Con gái thì anh để ở hẳn bên bà ngoại, với lí do đi công tác, công việc bận không có thời gian chăm con. Chị một mình bên này, anh nói sao thì biết vậy, cũng chẳng thể nào kiểm chứng được lời anh nói. Một thời gian sau, chị nghe có người nói tới tai, anh có bồ.
 
Chị bần thần cả người. Chị cũng nghĩ, đàn ông xa vợ, có chơi bời “bóc bánh trả tiền” chị cũng sẽ không để ý. Ai chẳng có nhu cầu, chị không trách anh. Nhưng nghe nói anh cặp kè với cô nàng đồng nghiệp, công khai mọi người đều biết. Họ dính nhau như sam, tựa một cặp đôi yêu nhau đích thực. Cô nàng kia còn khoe với mọi người, sang năm cô ta được tuổi, sẽ kết hôn.
 
Chị gọi cho anh, anh thừa nhận. Rồi anh buông một câu: “Đàn ông xa vợ mà em. Em thông cảm cho anh nhé. Đừng buồn, yên tâm học hành đi, anh đợi em về”. Ừ thì đàn ông xa vợ, nhưng chẳng lẽ cứ xa vợ là sẽ như thế? Chị ngậm đắng nuốt cay, im lặng. Không thì chị có thể làm được gì?
 
Nhưng rồi anh chẳng đợi được chị về, 5 tháng sau kể từ ngày đó, anh đã nói muốn ly hôn với chị để lấy vợ mới: “Anh xin lỗi. Nhưng hình như tình cảm anh dành cho em đã nguội dần từ khi em đi. Bây giờ trong lòng anh chỉ có cô ấy thôi, em bảo anh phải làm sao?”. Chị sững sờ, bàng hoàng. Chưa tới 1 năm rưỡi kể từ ngày chị đi, anh đã nói muốn li dị chị. Người đàn ông chị tin tưởng, yêu thương trong ngần ấy năm, sao có thể nói thay lòng dễ dàng như lật bàn tay vậy?

Chị không đồng ý thì anh tuyên bố: “Bây giờ không gì có thể cản anh được. Anh sẽ tới sống với cô ấy, đợi em về chúng ra kí đơn rồi ra tòa. Con gái em không cần lo, đã có bà ngoại rồi”. Anh nói là làm, mọi người ở nhà gọi sang nói anh đã sống với cô ta như vợ chồng, họ còn đang lên kế hoạch sinh con. Chua chát và cay đắng làm sao! Thà rằng ngay từ đầu anh nói không muốn cho chị đi, thì chị sẽ vì anh mà ở lại! Giờ đây sao anh lại có thể đối xử với chị như vậy?
 
Mấy hôm sau, người tình của anh đã gọi cho chị. Cô nàng thỏ thẻ như tâm sự với chị như với người chị em thân thiết: “Chị ơi, em không cướp chồng chị. Là chị tự đánh mất chồng mình. Chị chọn sự nghiệp, theo đuổi công danh, thì chị mất chồng là phải. Đấy là cái giá chị phải trả, nên chị đừng trách móc hay oán hận em với anh ấy làm gì. Đàn bà thì phải đặt gia đình lên hàng đầu chứ, chị không ý thức được điều đó thì có kết quả ngày hôm nay cũng là xứng đáng thôi!”. Nói xong cô nàng vui vẻ chúc chị vài lời tốt lành rồi ngắt máy. Chị cũng không thiết đối đáp lại với cô ta.
 
Cuộc điện thoại từ nhân tình của anh không cứa thêm vào nỗi đau của chị, trái lại nó làm chị tỉnh ngộ. Chị nhận ra, chị không nên tiếc nuối người đàn ông đó, cũng không cần phải tự trách mình. Vấn đề lớn nhất không nằm ở việc chị đi, mà nằm ở anh ta. Nếu anh ta xứng đáng với sự tin tưởng của chị thì 2 người sẽ dễ dàng vượt qua 2 năm xa cách. Nếu chị không đi, cứ coi như hiện tại chị giữ được chồng, nhưng ai đảm bảo một lúc nào đó chồng chị không phản bội chị với những lí do trời ơi đất hỡi khác. Lửa thử vàng, thôi coi như chị nhận ra tấm lòng của anh sớm một chút, nó không đong đầy và thiết tha như chị nghĩ.
 
Chị đã mất một người đàn ông tồi, nhưng bù lại, chị sẽ có sự nghiệp vững chắc. Đó mới là thứ quan trọng để chị lo cho tương lai của con và nhất là, nó sẽ theo chị suốt cả cuộc đời, chẳng bao giờ rời xa, không như người đàn ông phản bội kia…

Theo Afamily/ trí thức trẻ