Tôi ngồi viết những dòng tâm sự này khi đang cảm thấy hoàn toàn thất vọng về cuộc sống hiện tại. Nỗi khổ cực, tủi hờn, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần như đè nặng lên tôi. Bao uất ức chẳng thể nói ra, cứ cố gắng chịu đựng, lầm lũi sống trong căn nhà lạnh ngắt, không tình người, không tiếng cười đùa.

4 năm trước tôi còn là một đứa con gái mới lớn, 18 tuổi bao mộng mơ, bao hi vọng về một tương lai tốt đẹp còn ở phía trước. Vậy mà chỉ vì những món nợ của gia đình mà tôi buộc phải dừng lại những ước mơ hoài bão ấy, bước lên xe hoa trong hai dòng nước mắt. Người ta nói “ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên”, vậy mà cha mẹ tôi lại nỡ ép uổng tôi, gả bán tôi cho một gia đình giàu có.

Sau bao lần van nài, cầu xin nhưng mẹ tôi vẫn một mực “bán” tôi cho gia đình giàu có ấy. Bà nói“Con gái lớn ai chẳng phải lấy chồng, học đại học ra có xin được việc hay không. Học cao làm gì rồi già, rồi ế ra đó ai lo. Giờ còn trẻ, còn đẹp thì lấy chồng đi. Gả vào nhà giàu trăm đường sướng, tiền tiêu không hết. Hơn thế, tiền nợ nần của gia đình mình bao năm nay nhà nó lo hết, còn đòi hỏi, còn khóc lóc cái gì…”.

 “Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên, sao mẹ nỡ ‘bán’ con đi” - 1

Tôi ngồi viết những dòng tâm sự này khi đang cảm thấy hoàn toàn thất vọng về cuộc sống hiện tại. (Ảnh minh họa).

Chú rể là người như thế nào tôi không được biết trước, chỉ biết nhà họ rất giàu, cách xa nhà tôi đến “cả vòng trái đất”. Theo như “hợp đồng” sau khi tôi về đó làm dâu món nợ của gia đình tôi sẽ được nhà trai thanh toán tòa bộ. Trước ngày cưới cũng đã 2 lần tôi tự tử nhưng đều không thành. Sau đó tôi đành buông xuôi chấp nhận tất cả để cưới một người không yêu, một người hoàn toàn xa lạ.

“Con gái lấy chồng như bát nước đổ đi”, kể từ ngày làm dâu xứ lạ bố mẹ tôi không hề hỏi han đến con gái ăn ở ra sao, sướng khổ thế nào. Ông bà chỉ quan tâm đến cuối tháng này con rể sẽ gửi cho bao nhiêu tiền. Còn tôi vẫn khom lung sống khổ sở trong ngôi nhà biệt thự trang hoàng của nhà chồng.

Về đó tôi bị đối xử chẳng khác nào kẻ hầu người hạ, nói là cưới vợ chứ nhà họ lấy ngời về làm “ô sin”. Trước khi cưới tôi, nhà họ cũng đã cưới cho chồng tôi đến 4 người vợ. Tất cả những cô gái đó đều giống như tôi, sinh ra trong gia đình nghèo khó, có người vì muốn đổi đời mà đồng ý làm dâu, có người cũng vì bị cha mẹ ép uổng. Kết quả thì cả 5 người phụ nữ làm dâu một nhà cũng chỉ là để hầu hạ một người chồng tật nguyền, đầu óc có vấn đề.

Sống ở đây coi như chôn vùi tuổi xuân, ngày nào tôi cũng như những người phụ nữ ấy chỉ quanh quẩn với bếp núc, nhà cửa và chăm sóc ông chồng “giàu sang” ấy. Thế giới bên ngoài dù có tram biến vạn hóa cũng chẳng ảnh hưởng đến những người trong ngôi nhà này. Mẹ chồng tôi là một người phụ nữ tàn nhẫn, bà ta chỉ biết đến con trai mình, hễ ai trong số chúng tôi chăm sóc con trai bà không tốt bà ta sẵn sàng dùng đòn roi, sẵn sang lăng mạ từng người.

Lấy chồng giàu sang tôi mất đi quyền làm mẹ, mất đi quyền làm một người vợ đúng nghĩa. Ngày nào tôi cũng sống trong nơm nớp lo sợ, sống trong sự buồn tủi. Khác với những người phụ nữ kia, tôi mong muốn đươc thoát khỏi căn nhà này, thoát khỏi những trận đòn tím da tím thịt. Ý nghĩ được ly hôn luôn hiển hiện trong suy nghĩ của tôi. Nhưng làm thế nào mới có thể ly hôn khi gia đình nhà chồng quá giàu có, họ có thể thay trắng đổi đen bất cứ lúc nào. Ly hôn rồi gia đình tôi sẽ ra sao, những khoản nợ ấy ai sẽ tiếp tục trả. Ly hôn rồi tôi biết đi đâu? Bố mẹ tôi sẽ không chấp nhận để con gái trở về nhà, họ cần tiền hơn là đứa con gái này.

Đã 4 năm rồi, tôi khao khát được sống là chính mình, khao khát được thoát khỏi “cái lồng” tù túng ấy.

Theo Đời sống pháp luật