Kpop đã phát triển thành ngành công nghiệp quy mô lớn và các nghệ sĩ nổi tiếng toàn cầu, được người hâm mộ khắp nơi ủng hộ. Các công ty giải trí đang tận dụng sức nóng của Kpop để mở rộng hoạt động kinh doanh và Hybe, tập đoàn đứng sau BTS là người dẫn đầu.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Hybe gây nhiều tranh cãi. Người hâm mộ của BTS liên tục chỉ trích công ty vì lợi dụng fan để kiếm lời.
Gần đây, việc Hybe bán trang phục do Jin - thành viên nhóm BTS - thiết kế với giá đắt đỏ một lần nữa đẩy tranh cãi trong cộng đồng mạng lên đỉnh điểm.
Jin bất ngờ khi trang phục do anh thiết kế được bán ra với giá quá đắt.
Công ty bán sản phẩm của BTS với giá đắt đỏ
Hybe gần đây phát hành bộ sưu tập do các thành viên tự thiết kế. Sản phẩm đầu tiên được tung ra là bộ đồ ngủ và gối cổ do thành viên Jin thiết kế. Hybe nhận đơn đặt hàng thông qua Weverse Shop. Giá của các sản phẩm khiến người hâm mộ tranh cãi.
Bộ pyjama và chiếc gối có giá lần lượt là 119.000 won (99,70 USD) và 69.000 won. Ngay cả Jin cũng bất ngờ với mức giá trên sau khi người hâm mộ kêu ca món đồ quá đắt.
Jin viết trên nền tảng Weverse: “Tôi đã yêu cầu sử dụng chất liệu cao cấp cho bộ đồ ngủ, nhưng tôi cũng ngạc nhiên về giá cả”.
Một số người hâm mộ không thể mua được bộ trang phục với mức giá như vậy và họ đã phàn nàn, yêu cầu nghệ sĩ cũng như công ty quản lý điều chỉnh giá. Trong khi đó, các sản phẩm đều đã cháy hàng.
Trưởng nhóm RM - người đang cách ly vì mắc Covid-19 - cũng chia sẻ bài viết liên quan đến trang phục với các biểu tượng cảm xúc đang khóc. Nam thần tượng chia sẻ bản thân không hề hay biết về mức giá sản phẩm.
Sau Jin, bộ sưu tập Artist-Made của RM được phát hành vào ngày 3/1. Bộ sưu tập gồm chuông gió Bungeo-ppang và quần jogger.
Army (tên cộng đồng fan BTS) bày tỏ sự tức giận với công ty giải trí vì sự bành trướng và lạm dụng fan quá mức. Người hâm mộ phàn nàn công ty chủ quản đang muốn kiếm tiền bằng cách bán hàng hóa với giá quá cao và khai thác hoạt động kinh doanh phi giải trí phụ thuộc nhiều vào tài sản trí tuệ của BTS.
“Là thành viên của Army, tôi hiểu công ty muốn tính cả những nỗ lực của Jin vào giá cả. Nhưng vì quần áo ngủ được làm bằng cotton, thậm chí không phải lụa nên tôi cho rằng giá sản phẩm chỉ khoảng 20.000 won.
Sau khi nhìn thấy những món đồ đã được bán hết, tôi cảm thấy hụt hẫng", một người hâm mộ BTS 22 tuổi, họ Lee nói với The Korea Herald.
Công ty bòn rút tiền của người hâm mộ?
Đây không phải là lần đầu cuộc tranh cãi nổ ra trong cộng đồng fan BTS vì công ty quản lý bán đồ với giá quá đắt.
Tháng 11/2021, người hâm mộ đã đặt câu hỏi về chất lượng của băng cassette BTS Butter mà họ đặt hàng. Sau khi nhận được băng cassette, người hâm mộ nhận ra nó trông quá khác so với ảnh mẫu do công ty công bố.
Sau khi vấp phải phản ứng dữ dội, công ty quản lý đề nghị hoàn lại tiền cho những khách hàng đã mua cassette.
Theo dữ liệu do Trung tâm Thương mại Điện tử Seoul tổng hợp, có tổng cộng 271 khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến nền tảng thương mại điện tử của Hybe được báo cáo vào tháng 10/2021. Các loại khiếu nại bao gồm sự chậm trễ trong quá trình giao hàng, trả hàng, hoàn lại tiền và sản phẩm bị lỗi.
Năm 2021, Hybe thông báo họ đặt chân vào các lĩnh vực kinh doanh không phải âm nhạc, bao gồm webtoon, tiểu thuyết trên web và tài liệu học tiếng Hàn có sự góp mặt của BTS…
Sau thông báo trên, #BoycottHYBE đã trở thành chủ đề thịnh hành trên Twitter, qua đó người hâm mộ bày tỏ sự phản đối và tức giận với cách làm của Hybe.
Công ty quản lý của BTS bị tố lợi dụng fan.
Ngày 15/1, Hybe phát hành tập đầu tiên của 7 Fates: CHAKHO - một webtoon (truyện tranh mạng Hàn Quốc) được thực hiện dưới sự hợp tác giữa BTS, Hybe và Naver - ở 10 quốc gia khác nhau.
“Hybe đang tìm kiếm sự thành công trong kinh doanh bằng cách sử dụng BTS và người hâm mộ. Việc đó khiến tôi tức giận. Thay vì bảo vệ các nghệ sĩ, Hybe đang làm hao tổn sự nổi tiếng của họ.
Họ liên tục tung ra những nội dung và hàng hóa kém chất lượng với mức giá cao. Đây không phải ý kiến hay. Người hâm mộ không phải máy rút tiền tự động của công ty”, một chuyên gia họ Kim nói với tờ The Korea Herald.
Một chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gắn kết người hâm mộ khi các công ty tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh.
Theo chuyên gia, để nhận được phản ứng tích cực của người hâm mộ, công ty cần “xác định rõ ràng các nghĩa vụ đạo đức”. Nếu không, họ sẽ chỉ xua đuổi người hâm mộ.
Theo Zing