Theo FIFA, các trọng tài làm nhiệm vụ ở World Cup nữ 2023 được yêu cầu kiểm soát tối đa việc lãng phí thời gian.
Theo đó, các trọng tài phải cộng thêm giờ thi đấu vào cuối mỗi hiệp sau những khoảng thời gian "chết" như ăn mừng bàn thắng, điều trị chấn thương, công nghệ VAR can thiệp…
Trận đấu giữa Anh và Iran ở World Cup 2022 được bù giờ tới 28 phút (Ảnh: Daily Mail).
Ở World Cup 2022, FIFA đã áp dụng luật này, khiến cho những trận đấu được bù giờ rất nhiều thời gian chết. Trung bình mỗi trận đấu ở World Cup 2022 được cộng thêm 11 phút. Đỉnh điểm là trận Anh và Iran được bù giờ tới 28 phút.
Bên cạnh đó, các trọng tài được yêu cầu hạn chế thời gian "chết" ở các tình huống đá phạt, phạt góc. Thủ môn cũng chỉ được giữ bóng tối đa 6 giây trước khi đưa bóng nhập cuộc trở lại.
Nhờ thay đổi này, các trận đấu ở World Cup 2022 diễn ra gay cấn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đổi lại, các trận đấu bị kéo dài gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của các cầu thủ.
Đội tuyển nữ Việt Nam cần chuẩn bị tâm lý bước vào những trận đấu kéo dài hơn 100 phút (Ảnh: Getty).
Các tuyển thủ nữ Việt Nam cần phải chuẩn bị tâm lý để bước vào các trận đấu có từ 100 phút trở lên. Điều này đòi hỏi HLV Mai Đức Chung và các học trò cần phải có tính toán hợp lý, nếu muốn bị đuối sức trong thời gian cuối trận.
Trước đó, FIFA khẳng định sẽ áp dụng luật áp dụng cách vận hành VAR kiểu mới ở giải đấu tại Australia và New Zealand. Theo cách cũ, sau khi xem xét tình huống bằng VAR để xác định tình huống, trọng tài không cần phải thông báo lý do.
Tuy nhiên, để các quyết định trở nên minh bạch hơn, FIFA yêu cầu các trọng tài phải giải thích về quyết định sau khi tham khảo VAR cho người hâm mộ tại sân vận động và trên sóng truyền hình (thông qua bảng điện tử).
Quy định này được FIFA thông qua sau khi tham khảo từ giải NFL (giải bóng bầu dục nhà nghề Mỹ) và NBA (giải bóng rổ nhà nghề Mỹ). Trước đó, cách vận hành này được thử nghiệm ở hai giải đấu FIFA Club World Cup và World Cup U20 2023.
Theo Dân Trí