Những năm gần đây, ngày càng có nhiều chương trình, game show về cuộc sống, tình cảm của người thuộc cộng đồng LGBT, có thể kể tới Come out - Bước ra ánh sáng, Just love, Nghe cầu vồng nói - LGBT Việt... Bên cạnh đó, không ít chương trình hẹn hò, mai mối cũng có người chơi đồng tính như Vợ chồng son, Bạn muốn hẹn hò hay Người ấy là ai.
Nhà sản xuất đều bày tỏ hướng tới mục tiêu giúp người đồng tính, song tính, chuyển giới... được chia sẻ câu chuyện cá nhân, những khó khăn, khúc mắc trong cuộc sống.
Tuy nhiên, có không ít số phát sóng bị nhận xét “lợi dụng cộng đồng LGBT” khi chọn góc khai thác tiêu cực, vô tình tạo cái nhìn lệch lạc, hiểu lầm. Thậm chí, rất nhiều lần, với những bản đăng lại trên mạng, việc giật tiêu đề chỉ tập trung vào chuyện nhạy cảm, giường chiếu còn gây phản cảm, suồng sã, thiếu văn minh.
Sự nở rộ của các game show, talk show có sự tham gia của người thuộc giới tính thứ 3 kéo theo tranh cãi khi có góc khai thác tiêu cực, phản cảm.
Nhân vật làm lố, vô duyên
Come Out - Bước ra ánh sáng được giới thiệu là chương trình truyền hình thực tế, tạo điều kiện để những người thuộc cộng đồng LGBT tâm sự nỗi niềm của bản thân, kể về nỗi đau và quá trình đấu tranh nội tâm để nhận được sự cảm thông từ gia đình cũng như được xã hội công nhận và sống thật với chính mình.
Dù được nhận xét mang đến thông điệp nhân văn, talk show này cũng có những lần bị dân mạng “ném đá” khi dính “sạn bẩn”.
Cụ thể, số phát sóng ngày 14/6 có khách mời Trần Đức Bo (tên thật Trần Phi Đức, sinh năm 1999), một nhân vật dính nhiều tai tiếng, bị “ném đá” trên mạng.
Xuyên suốt cuộc trò chuyện với 2 MC là Minh Tuân và Lâm Khánh Chi, Trần Đức Bo luôn thể hiện biểu cảm, hành động bị nhận xét là làm lố, phản cảm.
Khi được người dẫn chương trình hỏi về lý do nổi trên mạng, nhân vật chính tự nhận vì mình “làm khùng, làm điên” và “nổi lên từ các clip nói xàm”.
Thay vì bày tỏ về những điều tích cực, hiện tượng mạng này tập trung nói về những scandal khiến mình được chú ý như “thích khoe mông” hay chuyện từng “lộ hàng” vì mặc đồ hở hang.
Ban biên tập chương trình còn chèn thêm một số đoạn video mà nhân vật này mặc quần áo cắt xẻ táo bạo, tạo dáng phản cảm trước máy quay để làm dẫn chứng.
Dù nhận nhiều phản hồi tiêu cực, Trần Đức Bo cho hay vì mình “nổi lên từ các clip quậy” nên sẽ tiếp tục gây chiêu trò để giữ được độ hot, bất chấp chỉ trích.
Chọn nhân vật có hình tượng cùng câu chuyện thiếu tích cực khiến chương trình nhận chỉ trích.
Số phát sóng này có lượng người xem tăng hơn hẳn so với những tập khác, tuy nhiên, cùng với đó là lượng “gạch đá” từ dân mạng dành cho nhân vật chính cùng ban tổ chức cũng nhảy vọt.
Dưới video được đăng tải, có hơn 2.000 bình luận, trong đó đa phần là những ý kiến chỉ trích khi chương trình để một nhân vật chuyên “làm lố” với chia sẻ phản cảm lên sóng. Nhiều người cho rằng câu chuyện lần này sẽ khiến nhiều khán giả có cái nhìn lệch lạc hay mất thiện cảm với cộng đồng LGBT.
Thậm chí ngay cả những khán giả vốn yêu mến chương trình cũng cảm thấy khó chấp nhận nhân vật lần này.
“Tôi rất mến mộ chương trình, nể phục những người trong cộng đồng LGBT và yêu quý hai MC lắm. Nhưng tập này làm tôi thất vọng quá. Nhân vật thể hiện sự vô duyên, lố bịch, lôi kéo sự chú ý bằng chiêu trò”, người xem Quỳnh Hương bình luận.
Dù có tính nhân văn, một số chương trình được góp ý không nên cố tình "làm lố", tạo hiệu ứng chỉ để câu view.
Trong một tập của chương trình Sống thật - Real life (một phiên bản của Come out) có khách mời là Ty Thy, người bán gỏi đu đủ khá nổi trên mạng, cũng vấp phải ý kiến trái chiều khi phát sóng một số câu nói khá suồng sã của nhân vật.
Cụ thể, trong video, đến đoạn Ty Thy hướng dẫn Minh Tuân giã đu đủ, nhân vật cầm tay MC và nói một số câu nhạy cảm.
"Bạn này là một nhân vật khá truyền cảm hứng. Mình đã mong chờ câu chuyện, chia sẻ của bạn. Nhưng điều nhận lại là những trò đùa làm lố của MC", lanhuongpham đưa ý kiến.
Phát ngôn gây tranh cãi
Là chương trình mai mối cho những bạn nữ còn độc thân song Người ấy là ai không ít lần gây lùm xùm liên quan đến cộng đồng LGBT.
Theo format, chương trình “dán nhãn màu” cho các khách mời nam (xanh - độc thân; đỏ - đã có vợ/người yêu; tím - người thuộc giới tính thứ 3) và yêu cầu người nữ loại người đã có chủ, người thuộc giới tính thứ 3 để chọn được đối tượng độc thân có thể kết đôi với mình.
Tuy nhiên, chương trình bị nhiều khán giả nhận xét đang “lợi dụng cộng đồng LGBT” để thu hút sự quan tâm. Việc nhìn ngoại hình hay cử chỉ để phán đoán về xu hướng tình dục cũng được cho không phù hợp, thiếu thuyết phục, đầy định kiến.
"Những nhận định của dàn cố vấn như 'ăn mặc chải chuốt chắc chắn là màu tím', 'bóng bẩy thường là đồng tính', 'không biết chăm sóc ngoại hình sẽ là trai thẳng' cũng tạo ra cái nhìn sai lệch, phiến diện, chỉ dựa vào ngoại hình để đánh giá giới tính. Xu hướng tính dục của một người sẽ không thể hiện ra ngoài một cách đơn giản, nông cạn thế đâu", người xem có tên Nguyễn Trần Phương Minh nói.
Show hẹn hò gây chú ý khi có sự tham gia của nhiều gương mặt thuộc cộng đồng LGBT.
Tập 7 Người ấy là ai mùa 3 có sự xuất hiện của nữ chính Hạ An, một người chuyển giới. Cô được ban cố vấn hướng dẫn tìm kiếm anh chàng có nhãn xanh (độc thân) chứ không phải màu tím (người thuộc giới tính thứ 3).
Trong chương trình, MC Trấn Thành chia sẻ: "Để định nghĩa lại về chuyển giới: Chuyển giới là sinh ra tâm hồn, tính cách, suy nghĩ, niềm tin đều là một người phụ nữ, không bao giờ yêu phụ nữ, chỉ thích yêu đàn ông".
Đáp lại, Hương Giang (ở vị trí cố vấn) đồng tình và nói thêm: "Chính vì thế, họ chỉ yêu những người đàn ông thẳng". Ý kiến này của nàng hoa hậu nhanh chóng gây tranh cãi trên mạng, trong đó có cả những người thuộc cộng đồng LGBT.
Nhiều ý kiến phản bác, khẳng định một người chuyển giới có thể yêu người cùng hoặc khác giới tính với mình.
Sau khi nhận nhiều phản hồi, góp ý, Hương Giang đã lên tiếng xin lỗi và thừa nhận thiếu sót của mình. Cô cũng nói sẽ lưu ý trong những phát ngôn để không gây hiểu lầm và hứa sẽ cẩn thận hơn với các khái niệm liên quan đến LGBT.
Khai thác chuyện nhạy cảm
Điểm chung dễ nhận thấy ở một số chương trình là hướng tới khai thác bi kịch, chuyện buồn hoặc quá khứ đau khổ, và giật tiêu đề video thật nổi trong bản đăng trên mạng.
“Bi kịch tình yêu đau đớn với 3 chàng gay khiến Wanbo gục ngã, Minh Tuân đau đớn”, “Bi kịch đẫm nước mắt của nàng les làm Minh Tuân, Khánh Chi khóc như mưa”, “Quá khứ bị đàn ông xâm hại của chàng trai chuyển giới”... là loạt tiêu đề của các số Come out - Bước ra ánh sáng.
Với nội dung xoáy sâu vào nỗi khổ của những người đồng tính, song tính, chuyển giới, dân mạng cho rằng chương trình đang cố tình câu kéo khán giả bằng “nước mắt” của nhân vật, nhưng lại suồng sã, thiếu văn minh, tập trung chuyện giường chiếu, riêng tư.
Các chương trình xoáy sâu vào bi kịch của cộng đồng LGBT để thu hút khán giả. Ảnh: LoveTV.
Lý giải về việc nhiều game show, talk show về cộng đồng LGBT nở rộ trên cả truyền hình và mạng xã hội trong những năm gần đây, bà Hoàng Hường, Phó Viện trưởng Viện iSEE (đơn vị có nhiều chương trình, hoạt động bảo vệ, thúc đẩy quyền của cộng đồng LGBT) từng nói với chúng tôi điều này thực ra rất dễ hiểu.
Bà Hường nhận định điểm chung của những tác phẩm này là “khai thác đề tài LGBT nhưng không phải để nói về người LGBT”, mà nói về tình yêu, nỗi đau, phẩm giá và khát vọng; những vấn đề chung mà mỗi con người chúng ta đều đối mặt.
Tuy nhiên, Phó Viện trưởng Viện iSEE cũng nói rằng bên cạnh tính nhân văn, cởi mở, các chương trình này cũng không tránh khỏi tính tiêu cực khi khó nói được đâu là ranh giới giữa mục đích nhân văn thực sự và chiêu kéo khán giả của nhà sản xuất.
"Chúng tôi chỉ mong rằng trước khi lấy LGBT làm đề tài sáng tạo, các nghệ sĩ sẽ suy nghĩ thật thấu đáo: chúng ta đã có đủ kiến thức về vấn đề này chưa, đã thực sự hiểu đúng về người LGBT chưa, và hơn cả chúng ta có thực sự muốn giải trí bằng cách chế nhạo hay làm tổn thương người khác hay không?", vị Phó Viện trưởng nói.
Theo Zing