Gen Z nói gì khi bị gắn mác hỗn, thích... bật sếp?

Nguồn nhân lực trẻ này gây sóng trên thị trường lao động vì năng lực cũng đính kèm những đặc tính "rắc rối" khác.

Làm hết sức, chơi hết mình

Từ một cô gái quê nhút nhát, Dương Thị Hồng (SN 2000) đã có thay đổi ngoạn mục, tự tin, năng động hơn khi bước vào cánh cổng đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội.

Không chỉ học tập kiến thức khi ngồi trên ghế giảng đường, Hồng tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa, đi làm thêm, học tập nâng cao kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ. Sau khi tốt nghiệp, gen Z này đã lựa chọn công việc sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội.

Gen Z nói gì khi bị gắn mác hỗn, thích... bật sếp?-1
Bạn trẻ này tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa trong trường (Ảnh: NVCC).

Những năm cuối cấp, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hồng cũng như nhiều bạn bè khác phải học trực tuyến tại nhà.

Thời điểm này, cô gái đôi mươi bắt đầu lập kênh Tiktok cho riêng mình tên gọi "Hồng Sinh Viên". Những video đầu tiên được đăng tải ghi lại những khoảng khắc đời thường, vui vẻ, mang tính chất giải trí trong thời điểm đó.

Không ngờ, những video chân chất ấy lại được hàng triệu người đón nhận. Chính vì vậy, sau khi ra trường, gen Z này tiếp tục đi theo công việc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội.

Khi đi làm, Hồng cũng chứng kiến sự nỗ lực không ngừng của nhiều bạn trẻ. Trong công việc, họ làm việc hết sức và cũng vui chơi hết mình. Cá tính của những nhân sự gen Z được thể hiện rất rõ rệt.

Hiện có không ít "điều tiếng" về nhân sự gen Z như làm việc không biết trên dưới, thiếu chuyên nghiệp, hay "bật sếp".

Tuy nhiên, Hồng cho rằng, thế hệ nào cũng có cách làm việc, cách sống riêng.

Về nhận xét từ thế hệ trước, theo nhân sự trẻ này, thực tế, gen Z có rất nhiều ưu điểm. "Chúng tôi thẳng thắn", Hồng khẳng định. Trong công việc, người trẻ không ngần ngại đưa ra quan điểm riêng của mình.

Hồng cho biết: "Tôi cũng từng 'bật sếp', nhưng 'bật' ở đây là nêu ra ý kiến cá nhân của mình để phục vụ công việc chung tốt hơn. Gen Z muốn được thể hiện, muốn được phô diễn khả năng của bản thân thay vì chỉ ngồi im lắng nghe".

Không chỉ vậy, gen Z có suy nghĩ độc lập, tự chủ tài chính rất sớm. Khi còn đi học, nhiều người đã có kế hoạch làm thêm, kiếm tiền chi tiêu cho bản thân. Cùng với đó, gen Z làm việc hết sức và cũng biết cách yêu bản thân, thư giãn, giải trí…

Tuy nhiên, Hồng cũng xác nhận gen Z có nhiều nhược điểm bên cạnh những lợi thế. 

Gen Z nói gì khi bị gắn mác hỗn, thích... bật sếp?-2
Bên cạnh phát huy thế mạnh, gen Z phải biết khắc phục nhược điểm của bản thân (Ảnh: NVCC).

"Gen Z cần có suy nghĩ sâu sắc hơn. Trong công việc, cần biết lập kế hoạch để thực hiện nghiêm túc, bài bản. Đôi khi gen Z hay nóng vội, thể hiện cá tính mạnh mẽ, vì vậy, cần biết 'kìm' lại, biết lắng nghe, quan sát xung quanh", Hồng chia sẻ.

Bắt "bệnh" nhân sự gen Z

Nhiều gen Z trong quá trình làm việc gặp không ít tình huống đau đầu. Tương tự sự vụ đang gây tranh luận, N.H.M (Đan Phượng, Hà Nội) cũng từng gặp tình huống bị "tố" xóa dữ liệu của công ty.

Khi làm việc tại công ty cũ, nhân sự này được cấp email của công ty và đăng ký bằng số điện thoại di động cá nhân. Sau khi kết thúc hợp đồng, M. đã bàn giao lại toàn bộ tài sản, kí biên bản nghỉ việc. 

M. kể lại, trong suốt 1 tháng sau khi nghỉ việc, M. thường xuyên nhận được những tin nhắn nhờ hỗ trợ từ nhân viên ở công ty cũ. Đỉnh điểm là lời nhắn của người quản lý, nhờ khôi phục lại dữ liệu. Do đang đi du lịch nước ngoài, M. đã trả lời sẽ liên hệ khi về.

Ngay lập tức, quản lý dùng những lời lẽ thiếu tôn trọng, cho rằng M. là người đã xóa dữ liệu của công ty.

Sự việc không dừng lại ở đó, vị quản lý đã tố cáo nhân sự này với công ty mới mà cô đang thử việc. Việc "tố" không có những bằng chứng cụ thể. M. rất bức xúc với nhân viên công ty cũ vì đã thiếu sự tôn trọng còn có những hành động làm ảnh hưởng đến công việc hiện tại của cô.

Đây cũng là bài học cho M. phải có sự quyết đoán, không được nể nang để bị rơi vào trường hợp rất khó xử.

Bà Thanh Nguyễn - Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc của Anphabe cho biết, qua khảo sát, cho thấy gen Z là thế hệ tự tin và có tư duy độc lập từ rất sớm. Bên cạnh đó, thế hệ này luôn hướng tới sự tự do trong hành động.

Đây cũng là lý do họ có xu hướng chọn nghề nghiệp mở hơn nhiều so với các thế hệ trước. 

Gen Z nói gì khi bị gắn mác hỗn, thích... bật sếp?-3
Gen Z có lựa chọn nghề nghiệp rất rộng mở.

Gen Z rất "bắt trend" (xu hướng) khi lựa chọn những ngành đang bùng nổ như thương mại điện tử; đầu tư tài chính hay bất động sản. Đây đều là những ngành "hot", mà các nhân sự già dơ, có kinh nghiệm cũng vẫn phải liên tục cập nhật kiến thức để bắt kịp xu hướng. 

Theo bà Thanh, những công việc thời thượng, đón đầu xu hướng mang đến cho nhân sự trẻ nhiều trải nghiệm và quan trọng hơn là được tự do làm chủ cuộc đời mình, đúng với tiêu chí mà gen Z hướng đến.

"Tuy nhiên, đằng sau vẻ tự tin, nhân sự gen Z có khá nhiều suy nghĩ mâu thuẫn, cũng như những đặc tính khác biệt so với các thế hệ khác như kể trên. Vì thế, việc quan trọng là gen Z cần hiểu rõ chính mình để biến khác biệt thành ưu thế trong nghề nghiệp", bà Thanh Nguyễn nói.

Để tránh rơi vào vòng luẩn quẩn của việc "cả thèm chóng chán", bà Thanh Nguyễn khuyến cáo: "Hãy nhớ rằng không đơn thuần là kiến thức hay kỹ năng, năng lực, bạn cần khả năng vận dụng toàn bộ những gì mình có để tạo ra những giá trị vượt trội cho bản thân, gia đình, doanh nghiệp và cộng đồng".

Gen Z là thế hệ những người được sinh từ những năm cuối thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21 - thế hệ đầu tiên có cơ hội tiếp xúc với công nghệ ngay từ nhỏ.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/gen-z-noi-gi-khi-bi-gan-mac-hon-thich-bat-sep-20230801114317261.htm?fbclid=IwAR2-NRPHB93o22bOwbSzpoSr7fKwb-g8ZzdDRZny_MilZJNUSBjXlBC_Who

giới trẻ

Tin tức mới nhất