Tin tưởng vào nét đẹp truyền thống

Ở Hội An, khi hỏi gia đình cụ Nguyễn Thị Lan (97 tuổi, làng gốm Thanh Hà) ai cũng biết. Bởi, đây là gia đình có truyền thống của làng và là nơi cuối cùng nặn tượng ông Táo. Căn nhà năm sâu hút cuối ngõ. Cụ Lan tóc bạc, miệng móm mém, trí nhớ không còn minh mẫn như trước. Thế nhưng, khi có người hỏi về nghề nặn ông Táo, cụ lại nhìn xa xăm kéo kí ức ùa về.

Cụ Lan kể, ngày còn nhỏ, làng Thanh Hà đã nổi tiếng về sản xuất gốm. Lúc ấy, nhà nhà, người người đều làm gốm. Bếp than nấu gốm đỏ lửa suốt bốn mùa. Lũ trẻ vừa lớn lên đã biết dùng tay nhào đất, nặn tượng… Chỉ cần nhìn sơ qua là có thể biết đất đã đủ nhão hay chưa. 

Theo thời gian, làng gốm mai một dần. Công việc nặng nhọc, thu nhập thấp, bấp bênh, mọi người dần di chuyển sang những công việc khác. Thanh niên lên đường vào Nam kiếm kế sinh nhai. Lắm đêm, cụ nằm trăn trở, sợ một ngày, làng gốm Thanh Hà trở thành dĩ vãng.

Cụ Lan luôn tin tưởng vào nghề.

Lúc làng gốm thăng trầm nhất, cụ Lan vẫn cố bám nghề. Nhiều nhà đập lò nung, cụ vẫn giữ. Cụ không muốn nghề truyền thống của cha ông bị mất. Cụ vay mượn để tiếp tục sống với nghề với niềm tin: “Nét đẹp truyền thống sẽ có lúc khởi sắc”.

Đến nay, tuổi đã gần 100, cụ không còn tự tay nặn từng ông Táo nhưng vẫn luôn giữ bên mình cái khuôn do cha ông truyền lại. Cụ xem đây là báu vật của mình. “Nghề này đã nuôi tôi và gia đình nên phải giữ”, cụ nói.

Con cái cụ đôi lúc cũng muốn đổi nghề để có thể sống tốt hơn. Nhưng, cụ can ngăn, động viên, khuyên nhủ cứ bám trụ. Theo thời gian, với sự tin tưởng của mình, đến nay, lò gốm của cụ vẫn tiếp tục đỏ lửa. 

Tượng ông Táo ở Hội An có màu đỏ đặc trưng.

Cụ Lan cho biết, tượng ông Táo nhìn nhỏ và đơn giản nhưng có rất nhiều công đoạn để hoàn thiện. Ở Hội An, chỉ có đất sét ở vùng Điện Tiến mới đủ độ dẻo, hoàn thiện lên màu ưng ý. Đất mang về được gạt sạch rác rồi mới đổ nước vào để nhào nặn. Nước phải vừa đủ. Qúa nhiều nước, đất sẽ nhão, ít nước quá đất sẽ bị khô không nặn được.

Khuôn Ông Táo phải được làm tỉ mẩm. Đất được đổ vào khuôn. Tuy nhiên, người làm phải nén đất thật chặt vào khuôn làm sao khi lấy tượng ra không bị sai chi tiết nào. Với những tượng chưa đẹp, thợ phải nhanh tay chấm nước để sửa rồi mới mang đi phơi. 

Tượng được phơi dưới nắng từ 5 đến 7 ngày cho thật trắng. Rồi, tượng được xếp vào lò nung rồi sơn phết. Mỗi mẻ nung, thợ trực suốt ba ngày đêm. Riêng sơn phải được chế theo công thức chuẩn để không bị quá đậm màu hoặc quá nhạt.

Thêm chút hương xuân

Truyền nhân ưng ý nhất của cụ Lan chính là con trai, ông Nguyễn Văn Chín. Ông kể, ngày bé, được mẹ dạy tỉ mẩn từng chi tiết. Ông phải cố ghi nhớ từng lời dạy. Mẹ vẫn thường bảo: “Khi làm phải đặt hết tâm sức mới tạo được những bức tượng ưng ý và có hồn”. Và, cụ đã làm theo lời căn dặn của mẹ.

Những năm trước, làng gốm rơi vào khó khăn. Tuy nhiên, vài năm trở lại, làng gốm được chính quyền “để mắt đến”, ngành du lịch đẩy mạnh, nhiều du khách tìm đến. Từ đó, cơ sở của ông sống lại nhanh chóng.

Ông hớn hở cho biết, năm nay, có ý định mở rộng xưởng. Từ trước đến nay, nghề làm ông Táo chỉ hoạt động khoảng ba tháng cuối năm. Nếu gặp trời nắng thì công việc dễ dàng. Riêng thời tiết mưa lạnh như năm nay thì công việc trở nên vô cùng vất vả. 

Ông Chín là "truyền nhân" ưng ý nhất của cụ Lan.

Do đó, ông nung nấu ý định mở xưởng để không còn phụ thuộc vào thời tiết. Đồng thời, có nơi để cất giữ hàng, có thể hoạt động suốt năm, mang lại nguồn thu nhập ổn định, không chỉ cho mình mà cho cả gần 20 nhân công.

Mặc dù ông Táo chỉ dùng vào dịp 23 Tết âm lịch. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, khách đến đặt hàng thường vào dịp đầu năm. Họ dặn hàng vì sợ cuối năm không có để bán. Ông Táo của xưởng được xuất đi nhiều tỉnh thành như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Huế, Quảng Bình, Quảng Trị…

Dựa vào điều này, ông nhận định, nghề gốm làm ông Táo đã sống lại. Ông thấy vững tâm hơn khi tiếp tục đeo đuổi nguyện vọng của mẹ. Đến nay, con trai của ông cũng đang học nghề của cha và sẽ là truyền nhân tiếp theo của làng gốm này.

“Tôi biết, dù là nhà giàu hay nhà nghèo, cứ hễ đến 23 tháng Chạp là lại đưa ông Táo về trời. Đây là nét đẹp của người Việt vẫn giữ. Cứ hễ thấy đưa ông Táo về trời là đã thấy tết về đến ngõ. Cũng nhờ vào tín ngưỡng này mà lò gốm tiếp tục được sống. Dù công việc nặng nhọc, lắm thăng trầm, nhưng tôi vẫn tin tưởng, lò gốm sẽ tiếp tục đỏ lửa mỗi độ xuân về”, ông chia sẻ.
 

Nhật Bình

Theo Vietnamnet