Bà Nguyễn Thị Sơn - "nữ tướng" quyền lực của tập đoàn Sơn Kim là một nữ doanh nhân đình đám đất Việt.
Bà là hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Doanh nghiệp CBAM thuộc VCCI; Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh Quốc tế IBLA (thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam); Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học Phổ thông Tư thục Duy Tân.
Bà cũng là người sáng lập tập đoàn Sơn Kim và để các con tiếp quản 5 doanh nghiệp ở những lĩnh vực khác nhau, gồm bất động sản (Sơn Kim Land), kinh doanh thương mại, dịch vụ, ăn uống, nhà hàng (Sơn Kim Retail), dược phẩm (Nanogen-Bio), thiết kế nội thất (Duy Quân), trà - cà phê (Golden Moutain), sản xuất hàng thời trang (VERA), bán hàng online, kênh truyền hình (GS.SHOP).
"Nữ tướng" Nguyễn Thị Sơn của gia tộc Sơn Kim.
Mất chồng đã 35 năm nay, "nữ tướng" gia tộc Sơn Kim một mình nuôi 5 con khôn lớn và có cách ứng xử, dạy dỗ con đáng ngưỡng mộ.
Qua những lời phát biểu thâm thuý về scandal của con rể, CEO Hồ Nhân, người ta thêm nể phục người mẹ tinh tế. Trước đó, bà từng tiết lộ về cách dạy con cháu của mình.
Con trai là giám đốc vẫn bị mẹ áp "giờ giới nghiêm"
Trong một bức thư gửi học sinh, giáo viên và phụ huynh tại trường Tư thục Duy Tân, bà Sơn đã thể hiện rõ quan điểm giáo dục của mình qua câu chuyện riêng tư của gia đình. Bà viết:
"Tôi có 5 người con, tất cả đều có gia đình và sinh cho tôi bảy cháu nội và ba cháu ngoại. Các con tôi là những người thành đạt, bốn người là giám đốc doanh nghiệp, một người là giảng viên đại học.
Hai người con gái lấy chồng ở riêng, mỗi ngày chủ nhật đưa các cháu về thăm bà ngoại. Ba cậu con trai cùng các cháu nội trước đây ở chung với tôi và mẹ tôi ở Thảo Điền, mới đây hai cậu lớn mua nhà mới và xin ở riêng. Tôi vẫn ở chung với cậu út và hai cháu nội.
Một gia đình hạnh phúc, vui vẻ, nhưng không phải không có lúc ầm ĩ. Lúc các con tôi còn nhỏ, cũng mải chơi, cũng lười học, thỉnh thoảng họp PHHS tôi cũng bị các thầy cô ca thán về việc nghịch phá của các con tôi.
Cũng có lúc tôi la mắng nhưng chẳng bao giờ tôi đánh con, chỉ khuyên bảo và tìm các biện pháp thay đổi môi trường học tập của các con cho phù hợp.
Khi các con tôi trưởng thành, năm người con năm cá tính khác nhau, từng bước phấn đấu gây dựng sự nghiệp, cũng có lúc khó khăn rồi mới tới thành công và phát triển, nhưng vì bố mất sớm nên cả năm anh chị em đều yêu thương mẹ làm việc gì cũng không muốn để mẹ buồn".
Các con trai gái, dâu rể của bà Nguyễn Thị Sơn.
Câu chuyện về một người con trai làm giám đốc doanh nghiệp, mải việc kinh doanh phát triển, có những hôm đi nhậu tiếp khách, về đến nhà là quá nửa đêm của bà Sơn đặc biệt gây chú ý.
Với nhiều người, việc giao lưu, thiết đãi nhau trong giới doanh nhân là chuyện thường, nhưng sự tinh tế của người mẹ trong bà Sơn thì nói khác.
"Tôi thương con dâu, tối nào cũng thức chờ chồng, ở chung với mẹ chồng chịu đựng không dám lên tiếng nặng nhẹ với chồng.
Lúc đầu tôi lớn tiếng hạch hỏi con trai, con trai tôi giải thích làm ăn thì phải tiếp khách. Tôi không chấp nhận lý lẽ này vì tôi cũng từng là giám đốc doanh nghiệp, tôi không tiếp khách đến nửa đêm sao công việc vẫn trôi chảy.
Khách hàng cần mua hàng hoá tốt của nhà sản xuất để bán chứ đâu có cần ngồi uống rượu, tuy rằng thỉnh thoảng các đối tác cũng cần mời nhau bữa cơm thân mật để bày tỏ thiện chí trong hợp tác kinh doanh.
Vì thế tôi yêu cầu con tôi dù bận cách mấy cũng phải về nhà trước 11 giờ khuya, sau 11 giờ không thấy về là tôi điện thoại nhắc nhở và ngồi chờ. Vài lần như thế thì con trai tôi không dám về trễ nữa".
Bà Sơn và gia đình con trai lớn.
Các cháu nội, cháu ngoại của bà Sơn cũng được hưởng cách giáo dục của bà, sống trong một gia đình nề nếp nên đều rất ngoan, đi học về là chơi với bà. Đặc biệt, tất cả đều chưa bao giờ biết đến cái roi, cái tát là gì.
Không đồng tình với cách dạy dỗ yêu cho roi cho vọt
Triết lý giáo dục này cũng được bà Sơn mang vào trong phong cách kiến tạo trường Trung học Tư thục Duy Tân - TPHCM, nơi bà là Chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Bà Sơn tâm sự, từ tình thương yêu con cháu nên bà cũng thương yêu các học sinh như chính con cháu của mình, vì các cháu học sinh phải sống xa gia đình.
"Tôi thông cảm với nỗi lo lắng của PHHS, ngày nào cũng có điện thoại của PHHS gọi cho tôi, lo lắng việc học, việc ăn ở của các cháu. Bất cứ thông tin gì phản hồi từ PHHS tôi đều trực tiếp làm việc với Ban Giám hiệu để giải quyết.
Thỉnh thoảng cũng có cháu chơi giỡn nghịch phá dẫn đến đánh nhau. Các thầy quản nhiệm báo cáo đòi đuổi học các học sinh bị xem là quậy phá. Tôi gặp các cháu, yêu cầu các cháu làm tường trình và mời PHHS cùng đến giải quyết.
Tôi phân tích tâm lý và lỗi của từng cháu, rồi cho các cháu tự đưa ra hình thức kỷ luật và cho các cháu cơ hội để sửa chữa.
Xử sự trước mặt cả hai bên PHHS, ai cũng thấy hợp lý, không ai thấy con mình bị ức hiếp mà còn thông cảm hiểu rõ sự việc từ sự hiếu động của tuổi trẻ, nhất thời gây ra lỗi cần được uốn nắn dạy bảo chứ không đến nỗi phải đuổi học, nên cả hai bên PHHS đều vui vẻ đồng tình với cách giải quyết của nhà trường.
Từ câu chuyện gia đình, đến câu chuyện của nhà trường, tôi muốn nói rằng tôi không đồng tình với cách dạy con 'yêu cho roi cho vọt' của người xưa.
Bố mẹ khi đánh con thường xuất phát từ cơn giận, mà giận quá thì mất khôn, sẽ dẫn đến đánh quá tay làm tổn thương các cháu về cả thể xác lẫn tinh thần, gây cho các cháu sự đau đớn và sự sợ hãi, hoảng sợ làm ảnh hưởng đến tâm lý xử sự của các cháu trong tương lai".
Bà Sơn và con gái cưng - phu nhân của CEO Hồ Nhân.
Bà khẳng định, bạo lực không bao giờ là cách giáo dục, vì các thầy cô không phải là bố mẹ ruột của các cháu nên không thể có cảm giác đau đớn khi đánh các cháu.
Nhất là đối với các học sinh cấp 3, đang ở độ tuổi bắt đầu muốn làm người lớn nhưng chưa phải là người lớn. Các cháu bắt đầu biết tự ái trước bạn bè, hoặc trước một bạn học mà cháu có cảm tình.
"Những trường hợp vi phạm kỷ luật của học sinh, cần sự khuyến khích các cháu về lòng tự trọng, biết sự tôn kính thầy cô, sự thương yêu bạn cùng học và biết nhận ra những lỗi lầm để sửa chữa.
Nhà trường có thể ví như một xã hội nhỏ, có học sinh giỏi, khá, trung bình và thậm chí có học sinh kém; có học sinh ngoan và học sinh chưa ngoan vì thế nhà trường quản lý học sinh vừa phải theo quy định của luật giáo dục, vừa phải theo quy chế học tập của nhà trường.
Lớp học có thể xem như một gia đình lớn. Thầy cô là cha mẹ, học sinh là các con, thầy cô thương yêu chăm sóc dạy dỗ học sinh như con mình thì học sinh sẽ học chăm ngoan".
Từ những gì "nữ tướng" gia tộc Sơn Kim chia sẻ, có thể hiểu phần nào lý do sự lớn mạnh của tập đoàn cũng như cách những người trong gia đình ứng xử với nhau.
Theo Pháp luật và Bạn đọc