Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa công bố điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo hướng tăng hầu hết các mặt hàng.

Cụ thể, giá xăng E5 RON92 tăng 377 đồng/lít, lên 21.873 đồng/lít; giá xăng RON95 tăng 412 đồng/lít, lên 22.756 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu diesel tăng 287 đồng/lít, lên 25.070 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 120 đồng/lít, giá bán ra là 23.783 đồng/lít. Dầu mazut tăng 183 đồng/lít, giá bán ra 14.082 đồng/kg.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít-1
Giá xăng tăng lần thứ ba liên tiếp, RON95 bán ra  21.870 đồng/lít. (Ảnh minh hoạ)

Ở kỳ điều hành này, nhà điều hành trích lập quỹ bình ổn đối với mặt hàng xăng E5 RON92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước là 400 đồng/lít), dầu diesel ở mức 0 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít và dầu mazut ở mức 500 đồng/kg (kỳ trước là 708 đồng/kg).

Đồng thời, không chi quỹ bình ổn đối với các loại xăng dầu.   

Tại kỳ điều hành trước, giá xăng E5 RON92 tăng thêm 200 đồng/lít, lên 21.490 đồng/lít; xăng RON95 tăng 340 đồng/lít, lên 22.340 đồng/lít. Cùng với xăng, giá dầu cũng được điều chỉnh tăng mạnh, riêng dầu diesel tăng 600 đồng/lít, lên 24.780 đồng/lít.

Liên quan đến nguồn cung xăng dầu, trả lời trước Quốc hội ngày 28/10, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: "Không có sự thiếu hụt nguồn cung xăng dầu như dư luận nghi ngờ, bởi năng lực sản xuất của hai nhà máy Bình Sơn, Nghi Sơn đảm bảo cung cấp 80% nhu cầu sử dụng trong nước với khối lượng 2,5-2,6 triệu khối.

Cùng với đó là 34 doanh nghiệp đầu mối nhập 500.000 khối. Như vậy, tổng lượng xăng dầu của chúng ta tương đương 3 triệu khối, đáp ứng nhu cầu sử dụng hết tháng 11 chứ không chỉ trong tháng 10. Thời gian tới các doanh nghiệp đầu mối tiếp tục nhập khẩu, 2 nhà máy tiếp tục sản xuất”.

Về nguyên nhân nhiều cửa hàng bán lẻ đóng cửa hoặc bán gián đoạn, ông Diên cho biết, do lúc doanh nghiệp nhập vào thì giá cao, lúc bán thì giá thấp, đồng thời phải gánh các chi phí khác như bảo quản, dự trữ xăng dầu, hao hụt, mức chiết khấu biến động tăng giảm liên tục, có những giai đoạn chiết khấu 0 đồng/lít...

"Để đảm bảo nguồn cung, Bộ đã có công văn gửi hai nhà máy phải duy trì sản xuất, đảm bảo nguồn cung trong nước, đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ cho vay lãi suất để các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu.

Bộ cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng có chính sách điều hành hợp lý, minh bạch, kịp thời, đồng thời rà soát để chấn chỉnh việc dự trữ, đảm bảo nguồn cung", ông Diên khẳng định.

Theo VTC News