Sáng 15/10, Đà Nẵng bắt đầu giảm mưa sau một ngày hứng chịu mưa lớn dồn dập. Nước trên nhiều tuyến phố bắt đầu rút dần, nhưng hậu quả của trận ngập lụt chưa từng có tại thành phố này vẫn chưa thể thống kê đầy đủ.
Là địa phương giáp biển, Đà Nẵng hiếm khi gặp phải những trận ngập tương tự. Nhiều người dân cho biết sinh sống ở đây hàng chục năm qua, nhưng tối 14/10 là lần đầu họ chứng kiến cảnh ngập lụt trên diện rộng với mức độ nghiêm trọng.
Trao đổi với Zing, chuyên gia nhận định có nhiều lý do khiến Đà Nẵng trở thành tâm điểm trong đợt mưa lớn sau bão số 5.
Lượng mưa khủng khiếp
Theo chuyên gia Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo thuộc Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, bão số 5 (Sonca) là một hình thái đặc biệt.
Bão được hình thành ngay trên Biển Đông từ một vùng áp thấp, thay vì di chuyển từ Thái Bình Dương vào như nhiều cơn bão khác. Đồng thời, Sonca chỉ duy trì hình thái là một cơn bão trong vòng 6 giờ, sau đó nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
"Nhiều người nghe bão đã suy yếu thì bớt lo lắng, nhưng thực tế có những cơn áp thấp nhiệt đới mang những khối mây khổng lồ bao quanh và sẽ trút lượng nước lớn xuống đất liền khi ma sát với địa hình", bà Lan nói.
Những hình ảnh trong trận ngập nghiêm trọng ở TP Đà Nẵng sau trận mưa lớn trút xuống từ 15h đến 21h ngày 14/10. Ảnh: Đoàn Nguyên.
Vị chuyên gia cho biết với điều kiện địa hình là dãy núi Trường Sơn đón ẩm, đồng thời vùng mưa lớn nằm ở rìa mây của tâm bão, Đà Nẵng trở thành "tâm mưa" khi áp thấp nhiệt đới tiến sát đất liền ngày 14/10.
Đánh giá về trận mưa liên tục 6 giờ (15h-21h) với lượng lên tới 567 mm, bà Lan dùng từ "khủng khiếp". Từng có thời gian làm việc tại Đà Nẵng, bà cho biết đây có thể là lượng mưa lịch sử tại khu vực này và mức độ ngập cũng là chưa từng có.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết theo thống kê ban đầu, lượng mưa trong 6 tiếng đồng hồ lên đến trên 500 mm là rất lớn.
Mưa lớn đã làm ngập sâu trên diện rộng ở nhiều khu vực của TP Đà Nẵng, đặc biệt là các quận, huyện: Hòa Vang, Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn.
Ông Hưởng nhận định mưa lớn xảy ra do khu vực chịu tác động của hình thế gây mưa điển hình là tổ hợp đa thiên tai gồm áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới và gió đông. Đồng thời, địa hình chắn gió ở miền Trung rất dễ gây mưa lớn khi có ảnh hưởng của không khí lạnh.
Về nguyên nhân ngập nghiêm trọng ở Đà Nẵng, chuyên gia lý giải mưa xảy ra trong thời đoạn ngắn với cường suất lớn, kết hợp với triều cường xuất hiện vào tối và đêm 14/10 đã làm chậm quá trình thoát lũ.
"Ngoài ra, tháng 10 và tháng 11 là thời kỳ khu vực miền Trung có mưa lớn nhất trong năm. Năm nay, mưa lũ khả năng sẽ lớn hơn trung bình nhiều năm do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina và không khí lạnh hoạt động sớm", theo chuyên gia.
Bão chồng bão, lũ chồng lũ
Nhận định về diễn biến tiếp theo, ông Hưởng cho biết từ ngày 15/10 đến hết ngày 16/10, mưa lớn tiếp diễn ở khu vực từ phía nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế với lượng 70-150 mm, có nơi trên 200 mm.
Trong khi đó, lượng mưa ghi nhận ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi dự báo 50-100 mm, có nơi trên 120 mm. Từ ngày 17/10, mưa ở các tỉnh miền Trung giảm nhanh.
Dự báo thêm, chuyên gia Lê Thị Xuân Lan cho biết mưa đã giảm ở Đà Nẵng nhưng có thể quay trở lại vào ngày 16/10 với lượng nhỏ. Trong khi đó, trọng tâm mưa đang dồn ra khu vực Thừa Thiên - Huế.
"Các ổ mây vẫn còn tồn tại ở phía bắc đèo Hải Vân nên mưa lớn tiếp tục ở khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đến hết ngày 16/10. Đồng thời, vùng núi Quảng Nam và Quảng Ngãi vẫn cần tiếp tục đề phòng mưa lớn", bà Lan dự báo.
Sau Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế tiếp tục là tâm điểm của mưa lũ khi đỉnh lũ trên sông Bồ có thể chạm mức lịch sử năm 2020 trong chiều 15/10. Ảnh: V.D.
Chuyên gia cho biết nối sau bão số 5, Biển Đông khả năng hứng thêm cơn bão vào ngày 16-17/10 với cường độ mạnh. Hình thái này khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới Trung Bộ trong ngày 20-21/10.
Với 3 cơn bão nối nhau trong liên tiếp 3 tuần (27/9-20/10), chuyên gia cảnh báo miền Trung đối mặt với nguy cơ bão chồng bão, lũ chồng lũ.
Cùng ngày, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ở khu vực phía đông của Philippines và có thể mạnh lên thành bão. Khoảng ngày 16-17/10, bão di chuyển vào Biển Đông và khả năng cao trở thành cơn bão số 6.
Đồng thời, ngày 16/10, một bộ phận không khí lạnh từ phía bắc tràn xuống có thể tương tác với cơn bão số 6 sắp tới. Vì vậy, các diễn biến về bão trên Biển Đông trong những ngày tới còn rất phức tạp.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến 12h30 trưa 15/10, mưa lũ ở Đà Nẵng đã khiến 4 người chết. Đồng thời, địa phương ghi nhận gần 3.900 ngôi nhà bị ngập sâu 0,4-1 m. Hiện, nước trên các tuyến đường và một số khu dân cư đã rút. Trong khi đó, mưa lũ kéo dài hai ngày qua cũng khiến 11.200 ngôi nhà ở Thừa Thiên - Huế bị ngập sâu 0,3-0,8 m; hàng chục điểm giao thông ngập 0,4-0,7 m. Tại Quảng Trị, gần 700 ngôi nhà bị ngập sâu 0,3-0,5 m tập trung ở huyện Hải Lăng; 19 điểm giao thông qua địa phương của ngập tới 0,6-1,5 m. Thống kê thiệt hại của các địa phương khác vẫn đang được cập nhật. |
Theo Zing