Gen Z không ngừng sáng tạo và phát triển ngôn ngữ giao tiếp độc đáo trên mạng xã hội, dần dần tạo ra hệ thống “từ điển” dành riêng cho các bạn trẻ mà nhiều khi khiến các thế hệ khác cảm thấy khó hiểu. Một trong những từ gây chú ý gần đây chính là "tẻn tẻn". Nhiều người thắc mắc không hiểu "tẻn tẻn" có ý nghĩa gì và tại sao nó lại trở nên phổ biến.

Giải mã từ điển gen Z: Tẻn tẻn là gì?-1
Giải mã từ điển gen Z: "Tẻn tẻn" là gì?

Tẻn tẻn là gì?

"Tẻn tẻn" là một từ lóng xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram, Threads. Từ này bắt đầu xuất hiện vào khoảng tháng 7/202 trong các show truyền hình ăn khách Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai. Sau đó, các anh trai, anh tài liên tục dùng từ này để trêu chọc nhau và dần dần từ "tẻn tẻn" xuất hiện phổ biến trong các bài đăng hoặc bình luận của gen Z.

Về mặt ý nghĩa, "tẻn tẻn" thường dùng để miêu tả một trạng thái tưng tửng, "vô tri", thích làm trò hài hước, tạo ra tiếng cười, vui nhộn hoặc có phần ngớ ngẩn. Khi ai đó nói chuyện hay hành động khiến người khác bật cười một cách tự nhiên, từ "tẻn tẻn" có thể được sử dụng như một cách thể hiện sự thích thú. Nó mang lại một cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái, đôi khi có phần trẻ con.

Giải mã từ điển gen Z: Tẻn tẻn là gì?-2
Một cách giải nghĩa từ "tẻn tẻn" của gen Z.

Với tính chất vui tươi và dễ thương, "tẻn tẻn" nhanh chóng trở thành một từ “hot trend” trong giới trẻ. Trên TikTok, nhiều video có nội dung hài hước đi kèm với hashtag #tẻntẻn thu hút hàng triệu lượt xem và lượt thích. Các bạn trẻ sử dụng từ này để mô tả những khoảnh khắc hài hước trong cuộc sống hàng ngày, từ những pha hài kịch nhỏ đến các cuộc trò chuyện dễ thương.

Ngoài ra, "tẻn tẻn" còn được dùng làm biệt danh hoặc gắn liền với những ai có tính cách hài hước, vui nhộn trong mắt bạn bè. Cách sử dụng từ "tẻn tẻn" rất đa dạng, điều này góp phần tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ của nó trong cộng đồng mạng.

Những cụm từ lóng hài hước của gen Z

Ngoài "tẻn tẻn", thời gian gần đây, cụm từ "nói đi keo", "lò vi sóng', "8386"... cũng đang được lan truyền phổ biến trên mạng.

"8386"

Theo lý giải mà nhiều người đưa ra, số 8 trong tiếng Trung Quốc có âm đọc gần giống với chữ "phát". Tương tự, số 3 có cách phát âm gần với "tài", và số 6 đọc lên giống chữ "lộc". Vì vậy, 8386 có thể được hiểu là cách mã hóa của gen Z đối với cụm từ "phát tài phát lộc", thể hiện lời chúc, cầu mong thịnh vượng và may mắn. 

Theo quan niệm phong thủy phương Đông, số 8 là con số tượng trưng cho may mắn, tài lộc và sự phát đạt. Số 3 tượng trưng cho sự vững chắc, bền vững. Còn số 6 cũng tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc. Vì vậy, dãy số 8386 với ý nghĩa là “phát tài phát lộc” được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là trong số điện thoại.

 "6677"

Trong tiếng Việt, dãy số này được phát âm na ná câu "xấu xấu bẩn bẩn". Gen Z thường dùng 6677 để gửi gắm lời chê nhẹ, vừa hài hước vừa thâm thúy đến những người không sạch sẽ.

"Lò vi sóng"

Trong từ điển gen Z, "lò vi sóng" được ví với trạng thái "chia tay - quay lại" trong tình yêu. Gen Z lý giải, ý nghĩa này xuất phát từ việc lò vi sóng thường được dùng để làm nóng lại món ăn, tương tự như việc quay về với mối tình cũ sau khi chia tay.

"Nói đi keo"

"Nói đi keo" là một "thuật ngữ" đang thịnh hành trong cộng đồng gen Z, dùng để thúc giục ai đó nhanh chóng đưa ra suy nghĩ, ý kiến hoặc quyết định. Đây là một cách hài hước để thể hiện sự sốt ruột hoặc mong muốn được nghe phản hồi nhanh chóng từ đối phương trong các cuộc trò chuyện trực tuyến hoặc tình huống giao tiếp hàng ngày.

"Tương tác"

Trên mạng xã hội và trong những ngữ cảnh cụ thể, "tương tác" trong từ điển gen Z là một cách nói tránh để chỉ những hành động bạo lực vật lý giữa người này với người khác. Gen Z khéo léo dùng từ này để giảm nhẹ ý nghĩa của việc "động tay động chân".

Theo VTC News