Giảm cân siêu tốc (bằng các biện pháp như nhịn ăn, ăn thật ít, ăn đồ ăn dạng lỏng... để giảm cân nhanh trong thời gian ngắn nhất) đã khiến rất nhiều người phải điêu đứng. Một số người quyết định giảm cân ngay trước khi tham dự một đám cưới, một bữa tiệc bên bãi biển hoặc những sự kiện mà họ muốn mình trông thật mảnh mai, thon thả, sau đó lại trở về thói quen ăn uống thông thường. Một số khác có thể giảm cân lành mạnh trong vòng vài tháng nhưng rồi lại đi vào vết xe đổ và tăng cân trở lại.

tác hại của giảm cân cấp tốc

Bất kể tình huống là gì, tác hại đối với người giảm cân siêu tốc là không thể tránh khỏi. Từ nhiều thập kỷ nay, các chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia về giảm cân luôn cảnh báo rằng, giảm cân siêu tốc chỉ dẫn tới việc tăng cân, mà còn khủng khiếp hơn trước lúc giảm. Nhưng nhiều tín đồ của phương pháp này lại không có hiểu biết đầy đủ, chính xác về việc chu trình ấy sẽ huỷ hoại các cơ quan nội tạng và cả sức khoẻ tinh thần của mình nặng nề tới mức nào.

Theo hai chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu, Karen Ansel và Jessica Cording, giảm cân siêu tốc tác động thế nào tới cơ thể, tại sao nó không có tác dụng thực sự và tất cả những hậu quả kém may mắn đi kèm.

1. Bạn sẽ luôn tăng cân trở lại

Về cơ bản, duy trì một chế độ ăn kiêng dưới 1.000 calo cho toàn bộ cuộc đời bạn là điều không thể. Ăn kiêng đặc biệt trở nên khó khăn để duy trì nếu chúng liên quan tới dạng giảm cân siêu tốc buộc bạn phải phá vỡ lối sống quen thuộc theo cách chẳng mấy bền vững.

Ansel và Cording khẳng định, họ chưa từng thấy ai thành công với chế độ giảm cân kiểu này. “Ngay cả khi bạn có giảm cân khi ăn uống kiểu đó, bạn sẽ không thể thực hiện nó trong một thời gian dài bởi vì bạn sẽ trở nên đói khát một cách vô cùng khổ sở”, chuyên gia Ansel cảnh báo. “Vậy nên, nếu bạn không có một kế hoạch cụ thể sau đó, cân nặng của bạn chắc chắn sẽ tăng trở lại. Đó là điều khó tránh khỏi”.

2. Ảnh hưởng sức khoẻ tinh thần

Khi chúng ta đặt mục tiêu ăn kiêng - đặc biệt khi đó là một mục tiêu tham vọng – chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào tâm trí mình trong cuộc chiến với các thói quen ăn uống thường ngày. Ban đầu, phương pháp trên sẽ có tác dụng nhưng để duy trì trong khoảng thời gian nhất định thì lại trở thành “nhiệm vụ bất khả thi”. Và khi bạn rơi vào cái vòng luẩn quẩn của việc tăng cân trở lại, bất cứ cách giảm cân lành mạnh nào cũng đều rơi vào kết cục trở nên vô hiệu, đầy ám ảnh và không thể thực hiện.

“Nó thực sự tác động xấu tới bản ngã của bạn”, chuyên gia Jess Cording cho biết. Chuyên gia Ansel cũng đưa ra ý kiến đồng tình: “Giảm cân siêu tốc gây ra gánh nặng lớn về tâm lý. Lúc nào cũng chăm chăm để ý chuyện ăn kiêng không cho phép bạn phát triển một mối quan hệ lành mạnh với đồ ăn thức uống. Khi bạn luôn trong trạng thái làm suy kiệt cơ thể mình để giảm cân thật nhanh, bạn lại đang đứng trước bờ vực tăng cân và thèm ăn trở lại”.

tác hại của giảm cân cấp tốc

3. Thiếu năng lượng

Chuyên gia Ansel nhấn mạnh: “Gần như là không thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bạn nếu mỗi ngày, bạn ăn ít hơn 1500 calo. Vì vậy, kiểu giảm cân siêu tốc có thể thực sự gây hại cho mức năng lượng và khả năng chịu đựng của bạn”.
Có một lý do khiến nam và nữ đều được khuyên hấp thụ một số lượng calo nhất định mỗi ngày, khoảng 1600-2000 calo với nữ và khoảng 2500 calo với nam.

Đây không chỉ là con số lý tưởng để duy trì cân nặng khoẻ mạnh, mà còn là lượng calo bạn cần để duy trì năng lượng hàng ngày. Không có lượng calo đó, cơ thể sẽ cần phải tìm những nguồn năng lượng ở chỗ khác - việc này sẽ đặt áp lực lên cơ thể và khiến bạn cảm thấy bơ phờ, mệt mỏi.

4. Mất cơ bắp và giảm tốc độ trao đổi chất

Thiếu calo để đốt cháy, cơ thể chuyển hướng sang các cơ bắp để kiếm tìm nguồn năng lượng. Nhưng khi bạn giảm cân, bạn cũng đâu còn giữ lại được cơ bắp nữa. “Vấn đề nằm ở chỗ cơ bắp là thứ đốt cháy calo”, chuyên gia Ansel giải thích.

“Các cơ đốt cháy nhiều calo hơn mỡ. Vì vậy, nếu cơ bắp liên tục bị giảm thiểu, bạn sẽ không tránh khỏi việc làm suy kiệt cả quá trình trao đổi chất của mình và theo thời gian, giảm cân càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Có quá ít calo để duy trì, cơ thể bắt đầu làm chậm quá trình trao đổi chất để tích trữ năng lượng. Và bạn có thể không giảm được nhiều cân như mong đợi”.

tác hại của giảm cân cấp tốc

5. Tăng nguy cơ sỏi mật, hơi thở hôi và tác dụng phụ khác

Sỏi mật

Dù vẫn chưa rõ lý do tại sao, chuyên gia Ansel cho biết, có mối liên hệ rõ ràng giữa chế độ ăn uống ít calo và sỏi mật. Một nghiên cứu tại Thụy Điển đã so sánh một nhóm chỉ ăn bữa ăn dạng lỏng, mức calo là 500 mỗi ngày, kéo dài trong 3 tuần và một nhóm ăn 1200-1500 calo/ngày. Nhóm đầu tiên giảm cân rõ rệt, với mức giảm 28 pound (hơn 12,7kg) trong suốt thời gian thử nghiệm. Tuy nhiên, họ có nguy cơ bị sỏi mật cao hơn nhóm thứ hai.

Táo bón

Do quá trình trao đổi chất chậm lại, cơ thể trở nên thiếu hiệu quả trong việc phá vỡ kết cấu đồ ăn khi hấp thụ vào trong dạ dày. Điều này có thể dẫn tới táo bón. Đây cũng có thể là kết quả của việc ăn ít carbohydrate và chất xơ - vốn là 2 khắc tinh của táo bón.

6. Hôi miệng

Những người giảm cân siêu tốc thường loại bỏ hoàn toàn carbohydrate trong bữa ăn hàng ngày - không bánh mì, không pizza, không mỳ Ý, không ngũ cốc…

Giảm cân siêu tốc có thể giúp giảm cân nhanh nhưng lại dẫn tới hiện tượng hơi thở nặng mùi. Cơ thể bạn bị buộc phải phá vỡ những chất béo khác nhằm đốt cháy calo. Quá trình này sản xuất những hoạt chất có tên ketones - làm khoang miệng bốc mùi. Khi đó, cho dù bạn có chải răng kỹ thế nào cũng không giúp ích gì được.

tác hại của giảm cân cấp tốc

Vậy bạn nên làm gì?

Theo chuyên gia Ansel, hãy chọn phương pháp giảm cân có tiến độ phù hợp với bạn. “Thay vì lặp đi lặp lại chu trình giảm cân siêu tốc – tăng cân trở lại - giảm cân siêu tốc, sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu bạn đặt mục tiêu giảm cân từ từ khoảng 1-2 pound/tuần (0,5kg – 1kg). Số cân nặng giảm này nghe qua thì chẳng nhiều nhặn gì nhưng lại là thứ có thể duy trì lâu dài”.

Chuyên gia Cording cũng gợi ý bạn nên tìm kiếm những tư vấn và trợ giúp chuyên môn. “Phá vỡ một chu kỳ của giảm cân siêu tốc đòi hỏi những thay đổi trong hành vi và lối sống. Hãy làm việc với một chuyên gia giảm cân có uy tín. Một bác sĩ hay chuyên gia về sức khỏe tinh thần cũng có thể giúp bạn xác định những rào cản cho sức khỏe và mục tiêu giảm cân của mình, từ đó, tìm cách giải quyết hợp lý”.


Theo Trí thức trẻ