Dù đã trôi qua 14 ngày nhưng đội cứu hộ làm việc liên tục nhằm nỗ lực đưa thi thể bé trai Hạo Nam lên mặt đất, bàn giao cho gia đình làm lễ mai táng.
Ngày 13/1, Tuổi Trẻ đưa tin, ông Lê Hoàng Bảo - giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp cho biết hiện nay lực lượng cứu nạn cứu hộ đang thực hiện 2/10 bước đã được UBND tỉnh chốt phương án nhổ ống bê tông đưa thi thể bé Hạo Nam ra.
"Đây là bước cực kỳ khó khăn nhất. Nghĩa là phải đào trong vòng dây ván thép, vừa đào vừa chống đến 12m phía dưới. Chúng tôi đang cố gắng nhổ ống bê tông trước Tết. Có thể thực hiện chậm nhưng phải đặt việc đảm bảo an toàn là trên hết", ông Bảo nói.
Hình ảnh trụ bê tông nơi bé Hạo Nam rơi xuống
Tính đến sáng 13/1, tổ trưởng tổ điều hành cứu nạn, cứu hộ tại công trình cầu Kênh Rọc Sen đã hạ hoàn chỉnh tầng khung chống 5 và đào sâu hơn tầng 5 khoảng 1,5m.
Tiếp tục đào đất bằng gầu cạp kết hợp gầu ngoạm đối với vị trí không bị vướng 3 đầu cọc bê tông bên ngoài ống vách, sử dụng 2 vòi xói cắt phá đất tại các khu vực chật hẹp mà gầu cạp, gầu ngoạm không thao tác được.
Lực lượng cứu hộ cứu nạn xác định, khó khăn vẫn là đào đất sét cứng và cắt ống bê tông trong điều kiện chật hẹp.
Đến nay, lực lượng cứu hộ cứu nạn tỉnh Đồng Tháp và các cơ quan chuyên môn đã tham gia cứu hộ, cứu nạn bé Hạo Nam được 14 ngày, nhưng chưa đưa được thi thể bé lên, dù các phương tiện, thiết bị đã được đưa đến hiện trường.
Nhiều thiết bị, máy móc được tập kết đến hiện trường
Trao đổi với Giao thông, một giám đốc công ty chuyên xây dựng các cầu lớn ở phía Nam cho biết, phương án cứu nạn hiện nay của các lực lượng chức năng đang đi đúng hướng và không thể nóng vội được mà phải cẩn trọng, kiên trì.
Vị này lý giải: "Ống cọc bê tông được đóng xuống sâu vào lòng đất đến 35m, xung quanh là lớp đất sét bám chặt vào cọc. Khi kéo lên, lớp đất sét càng bám chặt vào cọc hơn, tạo lực ma sát rất lớn".
Cùng với đó, khi cọc kéo lên, sẽ tạo hiệu ứng hút chân không, vì khoảng không gian mà cọc đã đóng xuống.
Có thể hình dung như một xilanh kim tiêm, khi bịt lại một đầu, việc kéo xi lanh lên sẽ khó khăn, vì phía dưới là chân không. Cả hai yếu tố ma sát và chân không khiến việc kéo cọc lên không dễ dàng như nhiều người nghĩ.
Cận cảnh bên trong khu vực giải cứu bé trai
Thứ hai, ống cọc bê tông dài 35m nhưng được nối bởi 3 cọc bằng 2 mối hàn và chỉ hàn vỏ cọc bên ngoài, không phải hàn toàn bộ cọc. Các mối hàn này chịu lực đóng xuống rất tốt, nhưng chưa hẳn chịu lực kéo lên tốt.
Vì vậy, nếu kéo căng quá có thể gây đứt mối hàn, có thể kéo lên được 2 cọc, 1 cọc bị đứt nằm ở lại dưới sâu sẽ càng khó khăn hơn.
Dùng búa rung để rung cọc, nhằm vắt ra nước, giảm ma sát giữa lớp đất sét và cọc bê tông, giúp quá trình kéo lên thuận lợi hơn. Nhưng nếu rung quá nhiều cũng có khả năng làm đứt mối hàn giữa các cọc. Trường hợp xấu cũng có thể làm đứt mối nối.
"Giải pháp mà các lực lượng đang thực hiện là đúng phương pháp, phải cẩn trọng, kiên trì. Dùng khoan xoắn để khoan, phá, làm tơi lớp đất sét mới dễ dàng kéo cọc bê tông lên", vị này nói.
Đ.K (t/h)
Theo Vietnamnet