Giữa trưa, hai vợ chồng chị Lương cãi nhau vì chuyện đổ rác. Đây là lần thứ 3 trong ngày họ cự cãi, sau mười ngày thủ đô giãn cách. Chỗ để rác cách nhà chục vài mét, nhưng anh Tuấn (chồng chị) lại lười đi.

Thế nhưng, mỗi ngày anh đều kiếm cớ ra ngoài hẹn hàng xóm nói chuyện. Người vợ nhắc chồng không nên tiếp xúc lúc dịch bệnh, nhưng Tuấn không nghe.

"Anh ấy luôn vỗ ngực nói rằng sức khỏe tốt, khó nhiễm Covid-19", chị nói. Thuyết phục không được, hai vợ chồng cả ngày mặt nặng mày nhẹ.

Không chỉ vậy, con nghỉ học, chồng ở nhà cả ngày, cơm nước phải nấu đủ 3 bữa khiến người vợ thêm áp lực.

Nhìn chồng ra thở dài, vào than vãn khiến đầu cô muốn nổ tung. "Sao hôm nay chẳng có gì ăn thế?", anh Tuấn thường hỏi vợ về bữa cơm gia đình.

Giãn cách nhiều vợ chồng đòi ly hôn: Đàn ông vô tâm, đàn bà nặng gánh-1

Hàng tháng, Tuấn đưa vợ 10 triệu đồng bao gồm tiền ăn uống và trả nợ ngân hàng. Thời điểm đó bữa sáng, trưa anh ăn tại cơ quan, tối về ít đụng đũa nên số tiền đó không tính vào chi tiêu gia đình.

Khi làm việc tại nhà, cơm đủ ba bữa nhưng tiền sinh hoạt Tuấn không đưa thêm, vợ làm giáo viên tư thục, nghỉ không lương đã mấy tháng. Để tăng thêm thu nhập, chị Lương buôn bán online.

Tiền ít, mọi khó khăn gia tăng áp lực, vợ chồng ra vào đụng mặt liên tục nên mâu thuẫn liên tiếp phát sinh. Từ việc cái nắp bồn cầu không được đặt xuống sau đi vệ sinh hay quần áo vứt bừa bãi trong phòng cũng được phóng đại thành "vấn đề nghiêm trọng", trở thành ngòi nổ cho các cuộc cãi vã.

Vợ chồng Việt Hoàng, Thu Mai, cùng 40 tuổi ở quận Cầu Giấy nằm trong hoàn cảnh như vậy. Thu nhập giảm mạnh do dịch bệnh, con từ trường tư chuyển sang trường công, làm thêm nhiều nghề nhưng không ăn thua…

Tuần trước, trong một bữa tối, vấn đề thu nhập được nhắc tới. Mai phàn nàn, cả năm qua cô gồng mình để gánh vác kinh tế gia đình trong khi chồng bị nợ lương hơn nửa năm.

"Không thể kéo dài mãi thế này, anh phải thay đổi kiếm việc gì khác làm đi, đừng để vợ con thêm khổ", cô làu bàu.

Cuộc khẩu chiến bắt đầu nổ ra. Hoàng kể anh là trụ cột gia đình bao năm qua, giờ dịch bệnh nên cần vợ thông cảm. Mai than, sự thông cảm của cô cũng có giới hạn, mong chồng kiếm việc khác thay vì bám trụ tại công ty.

Kết thúc cuộc khẩu chiến, Hoàng tát vợ, khiến Mai choáng váng.

Vụ việc đến tai hai bên gia đình, ai cũng khuyên răn vợ chồng nên ngồi lại nói chuyện với nhau. Hoàng vẫn ấm ức việc bị vợ chê bất tài vô dụng, còn Mai lại không thể quên nỗi đau do cái tát đem đến.

"Nếu anh ta không xin lỗi, con quyết không tha thứ", cô nói với gia đình chồng. Khi không khí gia đình quá ngột ngạt, cả hai từng nghĩ đến việc ly hôn.

Ngày bình thường, vợ chồng sống với nhau đã có nhiều vấn đề phát sinh, hôn nhân như cái bát nhiều vết nứt. Bây giờ, khi đại dịch ập tới, nó như chất xúc tác khiến vết nứt ấy loang ra, hõm sâu và khó lòng cứu vãn.

Ví như câu chuyện đầu tiên, vô tâm vốn là bản chất của đàn ông, nhưng khoảng thời gian ở nhà càng lâu, thì sự vô tâm ấy càng thể hiện lên rõ rệt.

Khi người chồng đi làm, người vợ sẽ nhắm mắt cho qua, tự động viên bản thân rằng anh ấy là trụ cột, bận rộn kiếm tiền, anh ấy là nam giới, không giỏi nội trợ, lao động chân tay.

Nhưng khi giãn cách xã hội, vợ chồng suốt ngày nhìn mặt nhau, khiến họ dễ bực dọc, cáu gắt. Những lý do vốn dùng dể “cảm thông” cho chồng nay tan thành mây khói.

Người vợ hiểu rằng chồng sẽ không bao giờ giúp đỡ cho mình, dù anh ta bận rộn hay rảnh rỗi. Không những thế, anh ta còn khá gia trưởng, tự cho mình là đúng, vẫn hồn nhiên sang nhà hàng xóm chơi, bất chấp nguy cơ lây nhiễm bệnh tật.

Cơm vợ dọn ngày 3 bữa lại chê ỏng chê eo. Những ấm ức, nhưng mâu thuẫn nhỏ cứ thế tích tụ dần, lâu ngày sẽ trở thành giọt nước tràn ly.

Còn với câu chuyện thứ hai, cả vợ lẫn chồng đều có phần lầm lỗi. Đứng trước những khó khăn kinh tế và tiền bạc, thay vì nghĩ cách khắc phục, anh chồng lại cho rằng vợ đang móc mỉa mình bất tài vô dụng.

Đã thế, người chồng còn ra tay đánh vợ, cú tát ấy khiến cho hôn nhân của họ vốn đã đi lùi, nay tụt dốc không phanh.

Tất nhiên, nói đi cũng phải nói lại, chị vợ nên cảm thông cho chồng khi anh rơi vào cảnh thất nghiệp. Đàn ông vốn tính tự ái và sĩ diện cao, suốt ngày nghe vợ làu bàu chuyện tiền nong, họ rất dễ đau đầu và nóng giận.

Sau cùng, có một thực tế mà chúng ta không thể phủ nhận. Đại dịch đang khiến nhiều gia đình đi đến bờ vực thẳm.

Ngày xưa có câu hát “cả nhà ta cùng thương yêu nhau, xa là nhớ, gần nhau là cười”. Nhưng ở thời điểm bây giờ, gần nhau lâu quá đôi khi lại “mếu máo”.

Giải pháp, hẳn chị em phụ nữ đều biết phải làm gì, đó là “chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”. Tuy nhiên điểm mấu chốt, là các anh chồng xin hãy san sẻ với bạn đời nhân lúc được rảnh rỗi.

Dù thất nghiệp hay không, các anh ở nhà cũng nên phụ vợ quét nhà chăm con, hỗ trợ những công việc lặt vặt để vợ có thời gian nghỉ ngơi, để gia đình có khoảnh khắc đầm ấm, tranh thủ hâm nóng tình cảm vợ chồng.  

Đời người phụ nữ chỉ nên nuôi con cái, nuôi mẹ cha già yếu, chứ đừng ép họ phải nuôi cả chồng. Khổ lắm chứ chẳng đùa!

Theo Khoevadep