Với sự phát triển của công nghệ, các nền tảng giao đồ ăn ngày càng có thêm dịch vụ tiện lợi, khiến nhiều người muốn đầu tư hoặc tham gia vào lĩnh vực này. Công việc giao đồ ăn tưởng chừng kiếm tiền dễ dàng nhưng lại ẩn chứa rất nhiều mệt mỏi, chua xót.

Giáo sư Hình Bân, giảng viên Trường Nghệ thuật Tự do thuộc Đại học Lâm Nghi (Sơn Đông, Trung Quốc) đã quyết định thử làm nhân viên giao hàng trong 1 tháng và chia sẻ lại trải nghiệm này, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Theo giáo sư Hình, cuộc sống shipper của anh diễn ra từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 1 năm nay. Để tham gia ngành công nghiệp giao hàng, cụ thể là giao đồ ăn, đầu tiên anh chi hơn 9.000 nhân dân tệ (khoảng 29,6 triệu đồng) để mua một chiếc xe máy. Xe đổ đầy xăng có thể chạy 220km. Hầu như ngày nào giáo sư cũng phải nạp thêm xăng.

Một tháng giao hàng cật lực, anh kiếm được hơn 7.000 nhân dân tệ (khoảng 23 triệu đồng).

Giáo sư đại học thử làm shipper và trải nghiệm cay đắng-1
Giáo sư Hình Bân chia sẻ trải nghiệm cay đắng khi làm nhân viên giao hàng.

Giáo sư Hình thống kê, mỗi ngày anh giao hơn 2.000 đơn hàng, lái xe trung bình 210km, đi bộ 32.000 bước và leo khoảng 110 tầng, thu nhập mỗi giờ bình quân là 10 tệ (khoảng 33.000 đồng), cao nhất là 20 tệ.

Tiền công cho một đơn hàng trung bình là 3,5 tệ (khoảng 11.500 đồng), anh phải đi 2 - 3km để nhận và giao.

Thời gian chờ lấy hàng trung bình 5 phút, đi xe mất 8 phút, thời gian giao hàng trung bình 7 phút, tổng cộng là 20 phút. Như vậy, anh có thể giao khoảng 4 hoặc 5 đơn trong vòng một tiếng đồng hồ; liên tục bị giục vào bữa trưa và bữa tối.

Làm việc trung bình hơn 10 tiếng mỗi ngày, Hình Bân giảm 6kg trong một tháng. Dù giáo sư đã chuẩn bị tinh thần và tâm lý để nghe mắng chửi nhưng nhiều tình huống vẫn vượt quá sức chịu đựng của anh.

Theo giáo sư Hình, không ai quan tâm đến người giao hàng. Một số khách hàng, đặc biệt là nhân viên bảo vệ, còn yêu cầu anh "nhân tiện vứt rác" và đe dọa bằng những đánh giá tiêu cực, cảm nhận thực sự rất cay đắng.

Chua xót nhất là khi anh giao trái cây đến một khu nhà gần trường học, người ra mở cửa là một thiếu niên mới lớn. Vừa nhìn thấy giáo sư, cậu đã đẩy anh vào tường, hỏi sao lại giao hàng chậm chạp như vậy và nói rất nhiều câu khó nghe. Bố mẹ cậu cũng chửi bới, hành xử thô lỗ, khiến Hình Bân thực sự khó chịu.

Giáo sư Hình hy vọng trải nghiệm này có thể giúp anh tăng vốn sống, hiểu được đa chiều các hiện tượng tâm lý khi tiếp xúc với mọi mặt của xã hội. Anh tin rằng một người làm học thuật nếu không trải nghiệm thì ngòi bút sẽ không thể chân thực, những điều viết ra sẽ rất hời hợt. 

Vị giáo sư cũng mong xã hội hiểu hơn, quan tâm hơn đến công việc vất vả của các nhân viên giao hàng, đối xử tử tế và trân trọng hơn với họ.

Tương lai, giáo sư dự định sẽ trải nghiệm công việc trong lĩnh vực xây dựng, chuyển phát nhanh và các ngành nghề khác để tâm hồn và thể chất đều được "giảm bớt những chất dư thừa".

Theo VTC