Giáo sư kể chuyện lỡ cuộc gọi thông báo đoạt giải Nobel chỉ vì thói quen mỗi tối

Lớn lên trong giai đoạn đầy biến cố của cuộc nội chiến, Giáo sư Y sinh Ardem Patapoutian không ngờ mình có thể đạt được thành tựu lớn như vậy. Cách ông nhận tin thắng giải Nobel cũng đầy bất ngờ.

Tuổi thơ bất ổn hình thành nên tính kiên cường 

Ardem Patapoutian sinh năm 1967, trong một gia đình người gốc Armenia ở thủ đô Beirut, Lebanon. Cha ông là một nhà thơ và một kế toán trong khi mẹ là hiệu trưởng một trường học Armenia ở Beirut. 

Là con út trong gia đình có ba người con, Patapoutian lớn lên trong cuộc nội chiến Lebanon dai dẳng. Cuộc nội chiến kéo dài từ năm 1975 đến 1990, khiến hơn 100.000 người thiệt mạng, theo Del Mar Times.


Nghiên cứu khoa học từng là điều Ardem Patapoutian không hề nghĩ tới, chưa kể là thắng giải Nobel.

Cuộc sống của ông đầy bất ổn, bị ngắt quãng bởi lệnh giới nghiêm và mối đe dọa bạo lực khắp nơi.

Trưởng thành trong Nội chiến Lebanon đã góp phần hình thành nên tính kiên cường và thúc đẩy cam kết lâu dài của Patapoutian đối với nghiên cứu khoa học sau này.

“Khi tôi 8 tuổi, cuộc chiến bắt đầu. Thật không may, phần lớn tuổi thơ của tôi đã bị ám ảnh bởi trải nghiệm đó. Nhưng đồng thời, tôi đã có những năm tháng tuyệt vời ở Lebanon”, Patapoutian nhớ lại.

Tuy vậy, giữa sự hỗn loạn, Patapoutian vẫn tìm thấy niềm an ủi ở những hầm trú ẩn của tuổi thơ.

Ông tìm thấy tình bạn thân thiết và niềm vui trên sân bóng rổ và bàn bóng bàn bất chấp vóc dáng nhỏ bé.

Vẻ đẹp của biển Địa Trung Hải và những ngọn núi rậm rạp bao quanh Beirut mang đến những giây phút thanh bình hiếm hoi giữa sự hỗn loạn của xung đột. 

Quyết định thu dọn đồ đạc và rời đi của ông được đưa ra sau một sự kiện. Một buổi sáng, ông bị một nhóm “dân quân vũ trang” bắt giữ trong vài giờ.

“Khi về đến nhà, tôi tự nhủ: ‘Thế là xong. Tôi sẽ ra khỏi đây'”, Patapoutian nhớ lại. Để theo đuổi sự an toàn và cơ hội học tập, Patapoutian đã thực hiện hành trình đến vùng đất mới.

Năm 18 tuổi, Patapoutian mạo hiểm cùng anh trai chạy sang Mỹ. Để trang trải cho cuộc sống và đủ tiền học Đại học California Los Angeles (UCLA), ông làm nhiều công việc khác nhau như giao pizza và viết bài hàng tuần cho một tờ báo Armenia.

"Tôi đến đây với rất ít tiền và gần như không thể nói được ngôn ngữ ở đây".

Sau đó, ông may mắn cơ hội làm việc trong phòng thí nghiệm của một giáo sư trong trường.

"Tôi làm việc trong một phòng thí nghiệm và bắt đầu yêu thích nghiên cứu. Kể từ đó, nghiên cứu là cuộc sống và cũng là niềm vui của tôi", Patapoutian chia sẻ. 

Cách nhận tin thắng giải Nobel đầy bất ngờ

Ông lấy bằng cử nhân khoa học sinh học ở UCLA, năm 1990 và sau đó chuyển đến thành phố Los Angeles.

Ban đầu bị thu hút bởi các nghiên cứu dự bị y khoa tại Đại học Mỹ ở Beirut, việc chuyển đến Los Angeles đánh dấu một thời điểm quan trọng khi ông tìm thấy niềm đam mê trong lĩnh vực sinh học phân tử và sinh lý học.

Nhờ sự kiên trì và cống hiến, Patapoutian theo đuổi nền giáo dục đại học tại Viện Công nghệ California (Caltech) danh tiếng, nơi ông nghiên cứu chuyên sâu về sự phức tạp của sinh học phân tử.

Chính tại đây, ông đã dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học nhằm xác định lại sự hiểu biết của con người về nhận thức giác quan.

Sau đó, Patapoutian trở thành nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học California San Francisco (UCSF).

Ông làm việc ở đó cho đến năm 2000 thì chuyển tới Viện nghiên cứu Scripps, một trong những cơ quan nghiên cứu y sinh phi lợi nhuận danh tiếng nhất Mỹ, và trở thành giáo sư.


 Niềm vui nhân đôi khi Giáo sư Ardem Patapoutian nhận được tin thắng giải Nobel từ chính người cha 94 tuổi của mình.

Nghiên cứu tiên phong của ông về các kênh TRP đã làm sáng tỏ các cơ chế phân tử làm cơ sở cho nhận thức giác quan, mang lại hy vọng về các phương pháp điều trị mới cho chứng rối loạn cảm giác và chứng đau mãn tính.

Năm 2021, Giáo sư Ardem Patapoutian cùng đồng nghiệp David Julius trở thành hai nhà khoa học được vinh danh giải Nobel Y sinh nhờ những phát hiện quan trọng liên quan tới cơ chế thụ cảm nhiệt độ và xúc giác.

Patapoutian cho biết, ông suýt bỏ lỡ cuộc gọi từ ủy ban Nobel. “Tôi đã tắt tiếng iPhone để có thể ngủ như mọi đêm, vì vậy tôi đã bỏ lỡ một loạt cuộc gọi từ Stockholm".

“Bằng cách nào đó, họ đã liên lạc được người cha 94 tuổi của tôi, sống ở Los Angeles. Ngay cả khi bạn cài đặt tùy chọn: 'Không làm phiền', những người thuộc nhóm yêu thích trong danh bạ của bạn vẫn có thể gọi cho bạn. Vì vậy, bố tôi đã gọi cho tôi và cho tôi biết, đó đã trở thành một khoảnh khắc rất đặc biệt”.

Những phát hiện của Giáo sư Patapoutian đã làm sáng tỏ bản chất của hệ thần kinh con người, giúp điều trị các chứng bệnh từ đau mãn tính và cả rối loạn sức khỏe tâm thần.

Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở Thụy Điển nhận định: “Những khám phá của hai nhà khoa học đã mở khóa một trong những bí mật của tự nhiên bằng cách giải thích cơ sở phân tử để cảm nhận nhiệt, lực lạnh và lực cơ học, vốn là nền tảng cho khả năng cảm nhận, giải thích và tương tác với môi trường bên trong và bên ngoài của chúng ta”. 

Bước đột phá của nghiên cứu đã cách mạng hóa “sự hiểu biết của con người về cách hệ thần kinh cảm nhận và diễn giải môi trường của chúng ta vẫn còn chứa đựng một câu hỏi cơ bản chưa được giải đáp: Làm thế nào nhiệt độ và các kích thích cơ học được chuyển đổi thành xung điện trong hệ thần kinh?”.

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/giao-su-ke-chuyen-lo-cuoc-goi-thong-bao-doat-giai-nobel-2272798.html

giáo sư nobel

Tin tức mới nhất