Bên cạnh những ý kiến phản đối sự phù hợp của bài thơ "Bắt nạt" khi đưa vào dạy trong sách giáo khoa (SGK) ngữ văn lớp 6, cũng có không ít ý kiến bày tỏ yêu thích tác phẩm này bởi sự đơn giản và ngộ nghĩnh. 

Cô giáo Dương Thị Hoàn - giáo viên Trường THCS Trần Phú, Thái Nguyên - chia sẻ việc cảm nhận thơ hay - dở là ở cá nhân của mỗi người. Trực tiếp dạy tác phẩm trên, giáo viên thấy bài thơ rất hay và giàu tính nhân văn.  

Bài thơ đề cập đến một vấn nạn của xã hội là bắt nạt, đặc biệt trong bối cảnh trực tuyến, bắt nạt trong trường học, thậm chí, học sinh còn đánh nhau.  

"Đưa bài thơ này vào chương trình của lớp 6 rất phù hợp với tâm lý lứa tuổi của các em thiếu niên. Ở lứa tuổi này, nhiều em thích thể hiện và có hành vi bắt nạt người khác", nữ giáo viên phân tích. 

Theo cô giáo này, sở dĩ được yêu thích bởi nội dung của bài thơ dễ hiểu, hình ảnh gần gũi, thể hiện sự đồng cảm và bênh vực các bạn bị bắt nạt.

Nhà thơ đã phê bình những bạn đi bắt nạt, nhưng không phải gay gắt hay miệt thị mà thể hiện thái độ bao dung. Ở độ tuổi THCS, các bạn thích đi bắt nạt chưa chắc là xấu mà do sự "nổi loạn" của lứa tuổi.  

Về ngôn từ, nhiều người bày tỏ sự khó hiểu với hình ảnh mù tạt, nhảy híp-hóp, nhưng, cô giáo Dương Thị Hoàn lại cho rằng đây là điểm mới lạ. \

Đó là ngôn ngữ của thơ mới và rất phù hợp với "tuổi teen". Khi học qua bài thơ này, học sinh của cô rất hào hứng, vui vẻ.  

Giáo viên dạy bài Bắt nạt khen ngôn ngữ thơ mới, học sinh hào hứng - 2
Giáo viên yêu thích bài thơ "Bắt nạt" cho rằng tác phẩm phù hợp với tâm lý của học sinh bậc trung học (Ảnh: Tư liệu).

Nhấn mạnh tới vai trò hướng dẫn, kết nối, giải thích của giáo viên, cô giáo ở Thái Nguyên cho biết 45 phút học bài dành cho giáo viên hướng dẫn học sinh đọc hiểu. Thầy cô sẽ phân tích cho các em hiểu thế nào là ăn mù tạt, híp-hóp, bắt nạt, điều nên làm hay không nên làm.  

"Mình thấy bài thơ rất hiện đại và phù hợp với lứa tuổi của các em. Nó đơn giản và phù hợp với chủ đề bài học, định hướng của chương trình, không đến mức đánh đố học sinh như nhiều người lo lắng.

Đồng thời, học sinh tiếp cận với bài thơ một cách rất dễ hiểu, không quá đi sâu vào phân tích nghệ thuật, ngôn từ hay thể thơ", cô giáo cho hay.  

Qua sự việc tranh luận về bài thơ "Bắt nạt", nữ giáo viên trăn trở khi rất nhiều người bình luận, chia sẻ khiếm nhã, chê bai và thậm chí buông những lời xúc phạm rất nặng nề với tác giả.  

"Đây không phải là chuyện cảm nhận yêu thích của cá nhân nữa mà nó trở thành một hiện tượng bạo lực mạng hay là bắt nạt trực tuyến. Hiện tượng này đang rất phổ biến", cô giáo Dương Thị Hoàn chia sẻ.  

Cho rằng nhiều người chưa hiểu về bài thơ, ông M. - giáo viên tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - đã dạy bài thơ này 3 năm cho hay bài thơ nằm trong chủ đề, có từ mượn để ví dụ cho bài nghĩa của từ hoặc từ mượn.

Nhiều người không biết "mù tạt" ngoài nghĩa thực thì trong thơ còn mang ý nghĩa ẩn dụ.  

Trong khi một nữ giáo viên khác tại Hà Nội bày tỏ mọi người đang đòi hỏi quá nhiều ở thơ. Điều quan trọng nhất của thơ là cảm xúc. Lắng nghe thơ bằng cả một tâm hồn trong suốt nhất, chứ không phải đi bắt bẻ câu chữ.  

Theo giáo viên này, bài thơ "Bắt nạt" khá dễ thương, đáng yêu. Chủ đề bài thơ hoàn toàn phù hợp với độ tuổi lên lớp 6, 7.

Vấn đề bắt nạt gần là chuyện nổi cộm ở trẻ con cấp 2 và cả cấp 3. Nhiều đứa trẻ bị bắt nạt trên lớp nhưng về nhà lại bắt nạt em. Ngay trong thế giới của người lớn, chuyện bắt nạt không ít…  

Bài thơ có cách để nói chuyện rất đơn giản, đáng yêu và rất thơ với trẻ con. Bài thơ đã giải quyết được điều mà nhiều giáo viên không biết làm thế nào để dạy trẻ biết phản kháng với người bắt nạt và đừng vì thế mà đi bắt nạt người khác. 

Về tính nghệ thuật của bài thơ, tính trẻ thơ được đề cao, tác giả đặt mình ngang hàng với trẻ con và đặt trẻ con ngang hàng với mình.  

Nữ giáo viên mong rằng với việc chấp nhận đưa bài này vào SGK và giáo viên dạy chấp nhận nó, thích nó sẽ góp phần dần thay đổi tư tưởng, quan niệm kiểu viết văn khuôn sáo và chép văn mẫu lâu nay.  

Trong khi đó, nhà văn Song Hà lại cho rằng với ý nghĩa về chủ đề mang tính thời sự, "Bắt nạt" nên đưa vào sách giáo dục công dân thay vì ngữ văn. Ông cho rằng bài thơ này chưa đủ chất thơ và tính nghệ thuật khi đưa vào SGK ngữ văn. 

Nhấn mạnh về cần lưu ý khi chọn ngữ liệu vào SGK, nhà văn Lê Minh Khuê cho hay mỗi nội dung khi đưa vào giảng dạy cần được hội đồng thẩm định duyệt kỹ càng để không tạo nên phản ứng trong dự luận.  

Bà nêu quan điểm cần có sự kết hợp mới và cũ để đảm bảo sự kế thừa cũng như phát triển. Song, bà nhấn mạnh nhiều tác phẩm ra đời hàng chục, thậm chí hàng trăm năm như "Truyện Kiều" vẫn có giá trị bất biến.

 

Theo Dân Trí