Năm 1982 bố mẹ tôi vào Tây Nguyên lập nghiệp. Năm 1986 mẹ sinh tôi và 1990 sinh em trai. Em trai vừa chào đời thì mẹ mất vì băng huyết. Nhà nghèo lại không biết cách chăm con nên bố tôi buộc phải cho người khác đứa con trai vừa chào đời với hy vọng họ sẽ nuôi bé lớn lên được no đủ. Chưa tới hai năm sau bố tôi cũng qua đời vì bị ngã trong rừng vài ngày sau mới được tìm thấy.

Tôi được đưa về Quảng Bình sống nhờ những người họ hàng xa. Nay tôi ở nhà người này mai ở nhà người kia. Nhà nào cũng nghèo, nghèo cả tinh thần lẫn vật chất. Không bữa cơm nào tôi được ăn no, quần áo rách rưới. Ám ảnh nhất thời gian đó là những trận đòn của một người bác thường xuyên say rượu. Lần nào uống rượu về, chưa kịp chạy trốn là tôi bị ông tóm cổ và ném như một con mèo. Bây giờ trên trán tôi vẫn còn vết sẹo do bị ông ném trúng vào cột nhà.

Trong làng có vợ chồng là giáo viên. Họ có bốn đứa con nhỏ. Biết hoàn cảnh của tôi, cô thầy thương lắm và xin làm được nhận về làm con nuôi. Từ đó tôi trở thành đứa con út trong gia đình có 5 chị em.

Bố mẹ nuôi không phân biệt con nuôi, con đẻ, thậm chí, theo như lời của những người trong làng kể lại thì tôi được cưng chiều hơn cả bốn anh chị. Tết nào mẹ cũng mua váy hoa đẹp cho tôi dù gia đình còn thiếu ăn. Mẹ dẫn tôi ra thị trấn chụp ảnh rồi phóng to treo sang trọng ở phòng khách. Mẹ muốn bù đắp cho những thiệt thòi tôi đã phải hứng chịu.

em trai
Tôi và em trai vẫn liên lạc với nhau qua điện thoại. (Ảnh minh họa)

Sau khi tốt nghiệp một trường đại học ở Sài Gòn, tôi xin được việc làm trong một công ty xuất nhập khẩu. Dịp nghỉ lễ Tết lao động năm tôi 24 tuổi, bố mẹ nuôi rủ tôi về Tây Nguyên, thăm lại nơi mình được sinh ra. Do hài cốt của bố mẹ tôi đã được chuyển về nghĩa địa ở Quảng Bình nên tôi chưa bao giờ về Tây Nguyên do sợ và ám ảnh những chuyện cũ.

Trong chuyến thăm lần đó, tôi được tin em trai mình vẫn còn sống. Gần 10 năm trước, mẹ nuôi từng đi dò hỏi giúp tôi tin tức của em nhưng không ai rõ hiện giờ gia đình em đang ở đâu. Trước khi tôi và mẹ nuôi ra về, tôi gửi lại địa chỉ và số điện thoại dặn một họ hàng xa rằng nếu có tin tức gì của em thì báo cho tôi biết.

Hơn hai mươi năm qua tôi chưa khi nào nghĩ về em trai mình. Tôi chỉ nhớ lờ mờ là mình có một đứa em trai vậy thôi chứ không có cảm xúc gì. Nay biết tin em vẫn còn, đã là một thanh niên, trong lòng tôi không khỏi xúc động. Em là mối quan hệ ruột thịt duy nhất trên cuộc đời này của tôi.

Bằng rất nhiều cách, qua nhiều manh mối, sau ba năm tôi đã liên lạc được với em trai. Rất nhiều người xúc động, vui mừng cho chị em đoàn tụ. Tôi cũng nghẹn ngào và rơi nước mắt khi nghe giọng em qua điện thoại.

Em trai tôi đang làm thợ nhôm kính ở Đà Nẵng. Học hành dở dang, công việc lương thấp. Thời gian đó tôi đang mang bầu tháng cuối và ở nhà chờ sinh con nên chưa thể ra thăm em được dù trong lòng rất muốn. Hai chị em liên lạc với nhau qua điện thoại.

Nói ra điều này tôi thấy như mình có tội với cả bố mẹ đã khuất và bố mẹ nuôi nhưng thực sự cuộc sống của tôi bắt đầu có những xáo trộn, mệt mỏi kể từ ngày gặp lại em. Tôi phát hiện ra em mình hay nói dối và có biểu hiện của một thanh niên có lối sống không lành mạnh. Em kể lể bất hạnh của mình, em kể xấu mẹ nuôi đối xử với em không tốt và cuộc đời bất công với em. Ban đầu tôi còn đồng cảm, chia sẻ và thương em, tôi gửi cho em rất nhiều tiền vì muốn cuộc sống của em đỡ chật vật. Nhưng dần dần, bằng sự nhạy cảm tôi cảm nhận gì đó không đáng tin ở em.

em trai
Nếu thật sự như lời mẹ nuôi của em nói, thì tôi nên làm gì với em bây giờ?

Vài lần tôi gọi điện cho mẹ nuôi em ở quê. Bà đã khóc và bảo rằng em tôi hỗn láo với bà. Dù bà nuôi em từ khi em lọt lòng nhưng em luôn có ý nghĩ mình là con nuôi, không được thương yêu. Em bỏ học, cá độ bóng đá và thường xuyên bỏ nhà ra đi. Khi nào đi chán lại về nhà hoạnh họe với bà, bắt bà thanh toán đống nợ em gây ra. Một lần bà nói với tôi rằng tôi không nên cho em biết địa chỉ nhà và đừng để lộ ra mình là người có tiền, nếu biết em sẽ không tha đâu. Bà khẳng định với tôi rằng sớm muộn gì em tôi cũng vào tìm tôi và sau đó là tính chuyện vay tiền làm ăn.

Hôm qua em gọi cho tôi, cách nói chuyện của em rất mùi mẫn khiến tôi phải bối rối. Trước khi kết thúc cuộc gọi em đề nghị được vào Sài Gòn thăm tôi. Tôi hiện đang sống với gia đình chồng. Bố mẹ chồng là người khó tính và tất nhiên ông bà không biết câu chuyện về đứa em trai tôi. Suốt cả đêm hai vợ chồng thao thức, dù sao tôi vẫn là chị ruột em, là chỗ dựa cho em. Tôi không biết phải như thế nào lúc này? Nếu như những lời mẹ nuôi nói là đúng thì tôi cần làm gì để giúp em? Và liệu có giúp được gì cho em thay đổi không?

Theo Afamily/ trí thức trẻ