Thông tin trên được ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế chia sẻ tại Hội thảo quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp diễn ra ngày 28/8.

Theo thống kê, tuổi kết hôn trung bình lần đầu ở nước ta ngày càng muộn. Năm 1999, tuổi kết hôn lần đầu là 24,1, đến năm 2019 tăng lên 25,2. Đến hết 2023, tuổi kết hôn lần đầu tiếp tục tăng lên 27,2. Với nam giới, tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 29,3 và nữ giới là 25,1.

Cùng với tình trạng kết hôn muộn, mức sinh trên toàn quốc có xu hướng giảm. Cụ thể, tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.

Giới trẻ ngày càng kết hôn muộn, lười sinh con-1
Nhiều người trẻ ngại kết hôn, kết hôn muộn. (Ảnh minh hoạ)

Hiện 21/63 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chiếm khoảng 39,37% dân số cả nước. Đa số là những tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh.

Chuyên gia đánh giá, nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh, tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Phân tích nguyên dân dẫn đến mức sinh ngày càng thấp, ông Phạm Vũ Hoàng cho rằng trình độ học vấn và hoàn cảnh kinh tế liên quan đến mức sinh. Phụ nữ thành thị sinh muộn và sinh ít con hơn phụ nữ nông thôn.

Ở khu vực thành thị, mức sinh cao nhất là nhóm phụ nữ 25-29 tuổi, với 127 trẻ/1.000 phụ nữ. Trong khi, ở khu vực nông thôn, mức sinh cao nhất rơi vào nhóm 20-24 tuổi, với 147 trẻ/1.000 phụ nữ.

Số liệu năm 2023 cho thấy, người giàu nhất có mức sinh là 2 con, người nghèo có mức sinh là 2,4 con, người mức sống khá và trung bình sinh từ 2,03 đến 2,07 con. Còn người trình độ học vấn dưới tiểu học sinh tới 2,35 con thì người có trình độ trên PTTH chỉ đẻ 1,98 con.

Giới trẻ ngày càng kết hôn muộn, lười sinh con-2
Ông Phạm Vũ Hoàng, Phó cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế. (Ảnh: NL)

Theo chuyên gia, đô thị hóa, kinh tế phát triển, áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con là yếu tố làm giảm mức sinh.

"Ở khu vực thành thị, việc thiếu trường học, nỗi lo về học phí, chi phí sinh hoạt khiến nhiều người e ngại sinh con. Nhiều người Việt cũng có tâm lý muốn hưởng thụ, dành thời gian, tiền bạc cho các thú vui cá nhân mà không muốn sinh con", ông Hoàng dẫn chứng.

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Phó Thủ tướng cho rằng, nếu Việt Nam không có đột phá chính sách kinh tế xã hội và chính sách dân số thì mức sinh sẽ tiếp tục giảm sâu.

"Hàn Quốc đang phải đổ rất nhiều tiền để tăng mức sinh nhưng vẫn chưa đạt được. Việt Nam vẫn còn kịp để tăng mức sinh, bởi truyền thống gia đình Việt Nam, đa số thanh niên hiện nay vẫn mong muốn kết hôn khi trưởng thành và muốn có 2 con. Nếu có chính sách phát triển bền vững, tạo điều kiện cho thanh niên lập gia đình, sinh con, nuôi con thuận lợi thì sau 20-30 năm nữa các thế hệ tiếp theo", GS Nhân nói.

GS Nhân cho rằng, để mỗi gia đình sinh được 2 con, thì thu nhập của một gia đình 2 người đi làm phải nuôi được 4 người (2 người lớn, 2 trẻ con). Vì thế, cần chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người. Đồng thời thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng tư.

Theo VTC News