Giun ngoe nguẩy trong đĩa salad nhà hàng: Bác sĩ cảnh báo

Đĩa salad đã được ăn gần hết. Trên đĩa hiện rõ vật thể trông giống con giun nhỏ, màu đen, có chiều dài khoảng 5cm và có đốt.

Tối 14/5, nữ thực khách D.H. (Hà Nội) chia sẻ bài viết bức xúc với bữa ăn tại nhà hàng Sườn Mười (cơ sở Nguyễn Văn Lộc, Hà Đông). Cụ thể, chị H. phát hiện một con giun trong đĩa salad mà mình đang ăn.

Từ hình ảnh được chia sẻ cho thấy, đĩa salad đã được ăn gần hết. Trên đĩa hiện rõ vật thể trông giống con giun nhỏ, màu đen, có chiều dài khoảng 5cm và có đốt. Tại thời điểm phát hiện, sinh vật này còn có thể cử động được.

Trưa 15/5, Sườn Mười cũng đã có thông báo xin lỗi về sự việc trên Fanpage. Đại diện Sườn Mười khẳng định: "Đây là một phần sai sót của nhân viên bếp khi sơ chế chưa kỹ".

Giun ngoe nguẩy trong đĩa salad nhà hàng: Bác sĩ cảnh báo-1
Theo chuyên gia, loại giun trong đĩa salad có thể là giun đất (Ảnh: Chụp màn hình).

BS Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận định, từ hình ảnh được chị H. chia sẻ, loại giun trong đĩa salad có thể là giun đất (Ascaris lumbricoides).

Đây là một loại giun phổ biến trong đất. Chúng có kích thước lớn , hình dạng dài, tròn và thon. Chúng có thể ký sinh trong đường ruột, hệ tiêu hóa của con người.

Theo chuyên gia này, giun đất có thể lẫn vào rau trong môi trường tự nhiên. Trong quá trình sơ chế không kĩ có thể để lọt giun ở trên rau, đặc biệt là giun ẩn nấp ở các vị trí khó phát hiện như kẽ lá.

Cũng theo chuyên gia này, giun đất trưởng thành khi nuốt vào bụng sẽ bị tiêu diệt do dịch vị ở dạ dày. Tuy nhiên, rau không được xử lý kỹ và ăn sống lại tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trứng giun.

"Trứng giun có lớp màng dày khi ăn vào cơ thể vẫn có thể tồn tại khi đi qua dịch vị ở dạ dày và vào ruột non hoặc ruột già, tiếp tục phát triển trong cơ thể. Khi trứng nở ra, ở giai đoạn ấu trùng và trưởng thành, giun có thể sống ký sinh ở đường ruột, hấp thụ dinh dưỡng từ thức ăn của người nhiễm giun", BS Thiệu phân tích.

Đáng chú ý, theo chuyên gia này, giai đoạn ấu trùng và trưởng thành, giun từ ruột có thể di chuyển qua các cơ quan khác như phổi, gan… gây ra các triệu chứng như ho, khó thở, đau, tức ngực.

"Giun ký sinh ở ruột non có thể di chuyển ngược lên tá tràng, đến cơ vòng và lọt vào ống mật chủ, ống gan chung, ống túi mật và hệ thống đường mật trong gan. Khi giun chuyển sang ống mật sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh lý nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

 Vào đường mật, giun có thể sống ký sinh tại chỗ, xác giun sau khi chết trở thành nhân để hình thành sỏi đường mật sau này. Biến chứng của giun chui ống mật có thể là nhiễm trùng đường mật, áp xe đường mật, áp xe gan", BS Thiệu chỉ rõ.

Ngoài giun đất, theo chuyên gia này, khi ăn rau sống không đảm bảo vệ sinh, người dân có nguy cơ bị ký sinh bởi nhiều loại giun sán khác nhau.

Đặc biệt, các loại rau thủy sinh như: rau ngổ, rau nhút, cải xoong, rau cần, rau muống, ngó sen rất dễ có sán lá gan lớn, sán lá ruột ký sinh.

Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã tiếp nhận một trường hợp nhiễm cùng lúc 6 loại giun sán từ thói quen ăn rau sống.

"Các loại giun sán khi vào cơ thể có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. Ví dụ như sán lá gan khi đi vào cơ thể theo đường tiêu hóa và khu trú thường là ở gan tạo nên các ổ áp-xe gan", BS Thiệu cho hay.

Để phòng tránh việc lây nhiễm các loại giun sán, BS Thiệu khuyến cáo người dân cần tuân thủ các nguyên tắc:

- Vệ sinh ăn uống, không ăn thịt sống hoặc tái, không ăn thịt đã nhiễm bệnh.

- Thực hiện ăn chín, uống sôi.

- Phát hiện và tẩy sán kịp thời nếu bị nhiễm bệnh.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/suc-khoe/giun-ngoe-nguay-trong-dia-salad-nha-hang-bac-si-canh-bao-20230515143013647.htm?fbclid=IwAR3rO_c_kGx2XEN3buYhbn8x1xh_7wnkdKvxaUP_j_MoHHHJPP_aAVf0pvw

thực phẩm bẩn

Tin tức mới nhất