Mất sự thèm ăn kéo dài sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, suy nhược cơ thể cả về trí và lực. Dưới đây là một số cách giúp lấy lại cảm giác thèm ăn.
Ăn một bữa sáng nhiều calo
Bữa ăn sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày do một số lý do: Ăn sáng đặt “nền tảng” cho năng lượng của phần thời gian còn lại trong ngày. Hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt nhất vào buổi sáng hơn vào buổi chiều hoặc buổi tối. Đây là lý do tại sao cần thiết để ăn một chế độ ăn uống nhiều calo vào buổi sáng. Khuyến cáo nên ăn sáng 30 phút sau khi thức dậy. Protein và carbohydrate phải có mặt trong bữa ăn sáng.
Dưới đây là một ví dụ về chế độ ăn uống có lượng calo cao bao gồm: Một phần của sữa (như sữa, pho mát, hoặc sữa chua); Một phần ăn chứa hạt quả, chẳng hạn như hạt mắc ca (macadamia), hạt phỉ (hazelnut) hoặc hạt hạnh nhân; Một khẩu phần ăn ngon của protein như cá hoặc thịt gà; Các loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch hoặc cám; Gạo nâu cũng nên dùng cho bữa ăn sáng.
Chia nhỏ các bữa ăn
Ăn những bữa nhỏ nhưng thường xuyên trong suốt cả ngày. Đừng để cơ thể đói, vì bạn thường có khuynh hướng bù đắp quá mức trong bữa ăn tiếp theo và như vậy là không lành mạnh cho sức khỏe.
Ăn các bữa nhỏ cũng cho phép bạn trông đợi đến bữa ăn tiếp theo và hình thành cảm giác tăng sự thèm ăn một cách tự nhiên. Khi bạn tiếp tục ăn uống với xu hướng này, nên bắt đầu thêm khoảng 50-100 calo cho mỗi bữa ăn.
Uống nhiều nước
Nước không chỉ cung cấp đủ nước cho cơ thể; nước cũng giúp đẩy chất độc ra khỏi cơ thể qua dạ dày, thận và dòng máu. Hãy nhớ uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày. Ngoài ra, hãy giữ thói quen uống một cốc nước một giờ trước và sau bữa ăn để giúp tiêu hóa tốt hơn.
Cố gắng ăn uống những thực phẩm lành mạnh
Tránh ăn thức ăn vặt như bánh pizza, bánh mì kẹp thịt và khoai tây chiên dễ gây tăng cân và làm giảm cảm giác thèm ăn. Những thức ăn nhanh vừa nêu thường chứa lượng calo không lành mạnh, chúng cũng gây ra một số nguy cơ sức khỏe xấu cho bạn.
Tránh các đồ uống chứa carbonate vì chúng chứa nhiều đường không lành mạnh và sinh ra nhiều hơi làm đầy bụng. Thay vào đó, tăng cường ăn thực phẩm nguyên cám, đường tự nhiên, hoa quả, rau và thịt trắng.
Tập thể dục ít nhất 3 ngày trong một tuần
Tập thể dục là một cách tuyệt vời để tăng cảm giác thèm ăn. Bạn cần tập thể dục ít nhất 3 ngày trong một tuần. Tập thể dục cùng với một chế độ ăn uống cân bằng của protein và carbohydrate sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh và làm gia tăng sự thèm ăn.
Chọn thực phẩm bạn yêu thích
Một cách nhanh chóng và hiệu quả để tăng sự thèm ăn là chỉ ăn những gì mình thích. Tốt nhất nên chọn thực phẩm bạn thích, nhưng dùng kèm với các thực phẩm tốt cho sức khỏe. Ví dụ, nếu bạn thích hamburger, tại sao bạn không thử dùng hamburger có thịt gà với nhiều rau đi kèm. Ký ức có thể đóng một vai trò rất lớn trong việc làm tăng sự thèm ăn của bạn. Hãy suy nghĩ đến thức ăn mà bạn thích và đã từng dùng với gia đình hoặc bạn bè. Bạn sẽ ngạc nhiên mức độ thèm ăn sẽ được cải thiện rõ.
Sử dụng các loại thảo mộc và gia vị trong nấu ăn
Sử dụng thảo mộc và gia vị là một phương pháp làm tăng sự thèm ăn. Mùi dễ chịu, hương vị thảo mộc và gia vị có thể kích thích vị giác, giúp bạn ăn nhiều hơn. Thử nghiệm với các loại thảo mộc và gia vị khác nhau để tránh bị nhàm chán và ngay cả phương pháp nấu cũng nên thay đổi. Ví dụ: quế, tiêu thêm hương vị cho bữa ăn, kích thích sự ngon miệng và bổ sung nhiều lợi ích sức khỏe cho cơ thể.
Tránh ăn một mình
Đừng ngồi ăn một mình mà hãy rủ bạn bè hoặc người thân cùng ăn để tạo cảm giác vui vẻ, thoải mái, kích thích vị giác hơn.
Khi bạn ăn với gia đình hoặc bạn bè thường giúp bạn có cảm giác ngon miệng và vui vẻ trong bữa ăn. Bạn có nhiều khả năng bỏ bữa ăn hoặc ăn thức ăn vặt khi bạn ăn một mình. Bằng cách ăn uống chung với mọi người làm tăng cơ hội thưởng thức những bữa ăn tuyệt vời quanh những người có chung mối quan tâm với bạn.
Điều chỉnh lối sống
Có những trường hợp ăn mất ngon có liên quan đến lối sống. Ví dụ người hút thuốc lá, người nghiện rượu làm giảm cảm giác thèm ăn. Cũng có trường hợp mất cảm giác thèm ăn do tác dụng phụ của thuốc. Trong những trường hợp khác, ăn mất ngon có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh mạn tính hoặc ung thư.
Trong trường hợp đã cố gắng áp dụng những khuyến cáo mà vẫn không gia tăng cảm giác thèm ăn, cần đến các chuyên gia dinh dưỡng để được kiểm tra và có những phác đồ điều trị phù hợp.
Theo Sức khỏe và đời sống