Góc khuất của lao động người Việt trong những tiệm nail ở Anh

Một số cửa hàng làm móng của người Việt tại Anh bắt tay với các đường dây buôn người để bóc lột đồng hương của mình, đối xử với họ không khác những "nô lệ thời hiện đại".

Suốt thập kỷ qua, cộng đồng người Việt đã phát triển và chiếm chỗ đứng vững chắc trong thị trường chăm sóc và làm móng (nail) tại Anh. Tuy chưa có số liệu cụ thể, những cửa hàng lớn và nổi tiếng nhất đều do người Việt làm chủ và họ thuê mướn lại đồng hương vào làm nhân viên. Báo The Times cho biết, khoảng 100.000 nhân viên làm móng là người Việt đang làm việc ở Anh vào năm 2013, nhưng con số đăng ký chính thức chỉ khoảng 29.000 người.

Những chủ cửa tiệm đều thừa nhận tình trạng thiếu hụt kỹ thuật viên tay nghề tốt. Do vậy những thông tin tuyển dụng nhân viên làm móng luôn thu hút sự quan tâm lớn, với mức lương tương đối (tối thiểu 300 bảng/tuần, 48 giờ làm việc). Nhiều nơi thậm chí hứa chu cấp chỗ ở cho người làm.

Tuy nhiên, một báo cáo của chính quyền Anh hé lộ cạm bẫy đằng sau những lời hứa hẹn chính là sự bóc lột và đe dọa của những ông chủ người Việt đối với đồng hương. Trong cuộc điều tra của cảnh sát, những lao động người Việt thừa nhận, điều kiện làm việc mà họ phải trải qua không khác gì "nô lệ thời hiện đại".

Góc khuất của lao động người Việt trong những tiệm nail ở Anh-1
Cảnh sát Anh kiểm tra một cơ sở làm móng có dấu hiệu bóc lột lao động. Ảnh: Twitter/Thames Valley Police.

Đường dây buôn người cấu kết với tiệm nail

"Đây là một tội ác có tổ chức bài bản vô cùng nghiêm trọng. Con người bị ngã giá và bán đi như hàng hóa. Chúng tôi luôn tìm thấy dấu vết về sự kết nối giữa một số tiệm làm móng và những nhóm đưa người nhập cư trái phép. Và những tổ chức này luôn có kẻ đứng sau điều hành cũng như rót tiền", Kevin Hyland, Ủy viên độc lập chống buôn người của nước Anh, nhận định. Đây là chức vụ lần đầu tiên được Bộ Nội vụ Anh thành lập năm 2014 để giải quyết vấn nạn buôn người ở Anh.

Trong báo cáo của ông Hyland, một nạn nhân người Việt mà nhóm điều tra tiếp cận cho biết người này bị ép làm việc suốt cả tuần mà không được nghỉ ngày nào, làm việc từ sáng sớm cho đến khoảng 7h tối nhưng chỉ được trả công 30 bảng/tuần.

Một trường hợp khác, được xác định là trẻ vị thành niên, chia sẻ về hành trình trở thành nạn nhân của đường dây buôn người quốc tế trước khi bị đẩy vào làm việc ở tiệm nail tại Anh.

"Tôi vốn là trẻ mồ côi nên ở với bà từ nhỏ. Sau khi bà mất thì tôi không còn người thân nào cả. Tình cờ một người trong làng rủ tôi đi làm ăn, rồi anh ấy sắp xếp để tôi đến Nga làm nghề may. Ở Nga làm việc vất vả một thời gian, tôi bị đưa sang Anh", nạn nhân khai báo với nhà điều tra sau khi cô được giải cứu.

Tại Anh, cô vẫn bị nhốt kín trong nhà và không cho ra ngoài, nhưng lần này được dạy thêm về nghề làm móng. Sau quá trình học việc, cô được đưa đến một salon để làm việc. Không chỉ bị áp thời gian làm việc quá nhiều và thu nhập rẻ bèo, cô còn không được giữ tiền thù lao mà phải đưa hết cho những người giám sát. Hết ngày làm việc, chúng lại đưa cô trở về nhà ở tập thể và khóa trái cửa không cho ra ngoài.

"Tôi từng nghĩ rằng tất cả những người trong tiệm nail đều cùng một đường dây với nhau, nên tôi không dám hé lời với ai điều gì vì tôi sợ bị đánh dằn mặt", nạn nhân trình bày với nhà điều tra Anh.

Góc khuất của lao động người Việt trong những tiệm nail ở Anh-2
Một nữ nhân viên đang chăm sóc móng cho khách hàng tại Anh. Ảnh: BBC.

Một số nạn nhân khác còn bị ép buộc bán dâm sau những giờ làm ở tiệm nail.

"Hai cô bé ở chung với tôi còn rất trẻ, khoảng 16 hay 17 tuổi gì đấy. Khi mới đến Anh, các em được đưa đến tiệm nail để làm việc. Nhưng rồi bọn canh gác bảo rằng nếu chỉ làm như vậy thôi thì không đủ để trả nợ đúng hạn. Thế là chúng ép các em bán dâm. Do các em trẻ hơn nên bị bắt phải tiếp khách nhiều hơn chúng tôi. Tôi chỉ biết các em là đồng hương chứ cũng không biết là quê ở đâu", một nạn nhân khai với nhà điều tra Anh.

Loay hoay ngăn chặn

Hồi tháng 3/2017, một đoàn công tác liên ngành của Anh đã đến kiểm tra tình hình một cửa tiệm nail tại thành phố Bath. Những phát hiện của đoàn dẫn đến việc chính quyền Anh truy tố Thu Huong Nguyen (48 tuổi), người chủ người Việt của tiệm, vì các tội như giam giữ người trái phép với mục đích bóc lột lao động với 4 nhân viên là nữ giới.

Bị cáo Nguyen còn bị buộc tội sử dụng tài sản và tiền bất chính. Ba đồng phạm của bà này là Viet Hoang Nguyen (29 tuổi), Giang Huong Tran (23 tuổi) và Hoang Anh Nguyen (32 tuổi) hiện được cho tại ngoại chờ đến phiên xét xử lần sau.

Theo tờ Somerset Live, ngay sau vụ việc, cảnh sát đã mở rộng phạm vi điều tra và tiến hành nhiều vụ bắt giữ khác ở các thành phố như Staffordshire, Cheltenham và London.

Báo cáo của ông Hyland thừa nhận, tình trạng bóc lột lao động trong các tiệm nail vẫn tồn tại là do ngành này chưa có sự quản lý chính thức từ chính phủ Anh. Các quy tắc hành nghề do những hiệp hội ban hành chỉ được áp dụng trên cơ sở tự nguyện.

Tại Mỹ, chính quyền New York đã ban hành hàng loạt biện pháp để bảo đảm nhân viên các tiệm nail không bị bóc lột và nhận được lương tối thiểu. Những chủ cửa tiệm cũng được yêu cầu phải trưng biển quyền lợi của người lao động bằng nhiều ngôn ngữ. Đây là các cách làm mà ông Hyland khuyến nghị nước Anh nên học hỏi để quản lý ngành nghề đang có nhu cầu cao ở xứ sở sương mù.

Ông Hyland cũng kêu gọi khách hàng của các tiệm nail trở thành đầu mối thông tin và hợp tác với cảnh sát. "Hãy cảnh giác liệu nhân viên đang làm móng cho bạn có quá trẻ không, mức giá có quá rẻ không, nhân viên được thay thế thường xuyên không, thái độ đối xử của chủ tiệm đối xử với nhân viên như thế nào, cơ sở vật chất ra sao? Nếu phát hiện dấu hiệu khả nghi, xin hãy liên hệ ngay với cảnh sát hoặc những đường dây ngăn chặn tình trạng "nô lệ thời hiện đại".

Theo Zing


câu chuyện cuộc sống buôn bán người

Tin tức mới nhất