Ông đã chia sẻ với VietNamNet những câu chuyện thanh tra, có cả góc khuất dạy học ngoại ngữ trong nhà trường hiện nay.
- Phóng viên: Ông có thể cho biết trước đây, Sở GD-ĐT TP.HCM chọn đội ngũ thanh tra chuyên môn như thế nào?
Ông Đoàn Thế Oai: Lúc đó, mỗi trường sẽ chọn ra một giáo viên giỏi nhất làm hồ sơ và nộp lên Sở GD-ĐT TP.HCM. Sở xét bằng cấp, kiểm tra chuyên môn, trình độ của giáo viên này để quyết định. Tôi được nhận là thanh tra viên về chuyên môn tiếng Anh, phụ trách khu vực Quận 1 và Quận 3.
Vì vậy, tôi từng thanh tra giáo viên các trường trọng điểm như Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Lê Quý Đôn...
Tuy nhiên, hai năm qua Sở đã bỏ đội ngũ thanh tra thuộc Sở mà giao cho các trường trực tiếp thanh tra, vì thanh tra viên có chế độ rất thấp, người làm cũng ngại nên không ai chịu đi.
Việc thanh tra giáo viên được thực hiện khi có vấn đề hay đột xuất thưa ông?
Mỗi năm, chúng tôi thanh tra bắt buộc 25% tổng số giáo viên của trường và thực hiện xoay vòng, năm nay thanh tra giáo viên này thì năm sau tới lượt giáo viên khác.
- Trong quá trình thanh tra chuyên môn giáo viên tiếng Anh, điều gì khiến ông không hài lòng?
Chúng tôi làm việc có đầy đủ pháp lý cũng như có chuyên môn và bằng cấp, nên khi thanh tra giáo viên rất phục. Nhờ có thanh tra mà giáo viên "sợ" và dạy đàng hoàng, chứ không họ buông lắm.
Đáng buồn là chúng tôi nhận ra nhiều giáo viên tiếng Anh hiện nay dạy rất tệ.
Tôi từng đặt câu hỏi tại sao cùng là giáo viên, cùng tốt nghiệp đại học sư phạm và đại học tổng hợp mà họ lại kém vậy? Tôi rất ngạc nhiên khi nhiều giáo viên ở những trường điểm cũng đọc sai những từ rất đơn giản như english, interesting, importans... Nhiều học trò mách với tôi rằng cô giáo này, thầy giáo kia "đọc rất kỳ cục”.
Tôi đã buộc phải lên tiếng, rằng các thầy cô có thể không đọc chuẩn như người bản ngữ, nhưng tiếng Anh có phiên âm quốc tế và phải đọc đúng phiên âm, trọng âm cho đúng.
Nhưng buồn hơn là nhiều giáo viên dạy sai mà lãnh đạo các trường lại không để ý. Thậm chí nhiều nơi lãnh đạo còn làm lơ, vì giáo viên có quan hệ tốt với họ. Vì vậy, nhiều học trò có khả năng ngoại ngữ khá tốt rất chê giáo viên trong trường.
Chúng tôi cũng phát hiện ra nhiều giáo viên dù dạy tại quận trung tâm như Quận 1 nhưng chuyên môn rất yếu. Tôi không đồng ý điều này, vì trường bình thường giáo viên yếu thì có thể về bồi dưỡng thêm, còn dạy trường lớn nhưng chuyên môn kém là không chấp nhận được.
- Có lỗi sai nào của giáo viên mà tới bây giờ ông vẫn còn nhớ không?
Có giáo viên khi đang dạy thì bị học trò đứng lên nói rằng “Cô ơi, câu này cô dạy sai rồi”, nhưng cô giáo vẫn khẳng định “Cô dạy đúng chứ không sai”.
Lúc nghe điều ấy, chúng tôi như chết đứng. Sau đó, chúng tôi đã hỏi cô rằng tại sao dạy sai nhưng không chịu nhận, nếu không nhận thì chỉ có thể cô cố tình không nhận hoặc không biết mình đã sai. Và tôi đã khuyên cô giáo đó, nếu dạy sai thì hãy nói với học trò rằng “Xin lỗi em, cô dạy nhanh, kiến thức nhiều nên có sơ suất, để cô xem và chỉnh lại".
Nói như vậy thì có sao đâu, vì sai là bình thường, nhưng mình biết sai và biết sửa.
Nhưng tôi không vui khi có giáo viên dạy sai kiến thức, thanh tra lại không thể góp ý trước mặt học trò mà phải góp ý riêng. Điều này khiến nhiều giáo viên không nhận thức được cái sai của mình, và không biết sau đó họ có nhận lỗi với học sinh hay không.
- Cũng là một giáo viên, có khi nào vì nể tình mà ông "bật đèn xanh" cho đồng nghiệp trước khi thanh tra không?
Tất cả giáo viên đều biết được họ sẽ bị thanh tra, chỉ là không lúc này thì lúc khác. Nhưng chúng tôi cũng động viên để ai làm tốt việc của người đó.
Có một cô giáo ở Trường THPT L.Q.Đ là đồng nghiệp của tôi. Nể tình, tôi từng nói với cô giáo đó rằng ngày mai sẽ thanh tra, vì vậy hãy xem bài cho kỹ.
Không ngờ, 12h đêm hôm đó giáo viên này gọi cho tôi và than rằng không ngủ được vì sợ và lo lắng. Nhưng trong phạm vi của mình, tôi cũng chỉ nói “Cô cứ yên tâm ngủ để ngày mai dạy bài một cách tự nhiên. Cô hiểu gì thì dạy nấy, đừng phô trương”.
Chuyện này cho thấy chỉ nghe tới thanh tra là nhiều giáo viên đã rất lo, và chúng tôi cũng thông cảm cho các đồng nghiệp vì điều đó. Nhưng thú thực, có nhiều giáo viên đi dạy không coi bài trước, vì vậy khi lên lớp thường hay lúng túng.
- Đã có trường hợp nào giáo viên bị đánh giá kém và sau đó họ gặp riêng để xin “châm chước” không?
Không có trường hợp này, vì khi làm việc chúng tôi thông cảm nhiều hơn bắt bẻ.
Có thể chúng tôi nói là “thẳng tay”, nhưng đều đánh giá các giáo viên loại khá, tệ lắm thì mới trung bình, và không bao giờ đánh giá kém. Vì đánh giá kém giáo viên sẽ bị hạ bậc lương, đuổi việc hoặc ra khỏi ngành. Nếu chúng tôi làm như vậy là vô nhân đạo.
Chúng tôi không đánh giá như vậy trên sổ sách, nhưng khi góp ý thì nói thẳng để họ biết và sửa chữa.
- Trong những năm gần đây, nhiều trường học ở TP.HCM thuê giáo viên bản ngữ dạy tiếng Anh. Thanh tra viên của Sở có nắm được chuyên môn những giáo viên này không?
Chúng tôi phát hiện ra nhiều trường rất nổi tiếng nhưng thuê giáo viên ngoại không chất lượng. Nhiều trường kết hợp với các trung tâm để chia hoa hồng.
Mặt khác, khi giáo viên bản ngữ dạy sai thì giáo viên Việt Nam cũng không biết. Nhiều giáo viên bản ngữ thích dạy gì thì dạy, thậm chí có người kể chuyện đời tư để hết thời gian.
Nhiều trường còn mời cả Tây ba lô về dạy chứ không phải giáo viên bản ngữ. Nhiều người nước ngoài được trường thuê về dạy nhưng không có tư cách sư phạm, không phải người bản ngữ, chất lượng không bằng giáo viên trong nước.
Nhưng vì hiệu trưởng có quyền ký hợp đồng với họ và thanh tra chỉ lâu lâu mới tiến hành một lần, nên không chấn chỉnh được việc này.
Tôi rất bất mãn về việc hiệu trưởng kết hợp với các trung tâm nước ngoài, hoặc thuê "giáo viên bản ngữ" mà không đúng bản ngữ. Việc này rất mập mờ về tài chính và hai bên đều có lợi, nên họ ráo riết làm bằng mọi giá.
Tôi đảm bảo rằng hiện nay, hiệu trưởng nhiều trường rất giàu, còn giáo viên thì lo cống hiến mà không được coi trọng, nên nhiều người rất bất bình.
- Tại sao cơ quan quản lý lại không đưa ra quy định, quy chuẩn về việc thuê giáo viên bản ngữ, thưa ông?
Dĩ nhiên là có quy chuẩn, nhưng các trường đổ thừa kiếm không được giáo viên đúng chuẩn.
Mặt khác, hiệu trưởng các trường và cấp trên đều có mối liên hệ thân thiết, nên không phải tự nhiên mà họ làm lơ điều này. Tôi từng chứng kiến có hiệu trưởng còn đứng lên giới thiệu là bạn của lãnh đạo này, lãnh đạo khác.
Vì vậy, rất nhiều trường hiện nay thuê giáo viên nước ngoài và phụ huynh phải “è cổ” đóng góp cho con theo học, trong khi chất lượng của giáo viên nước ngoài còn thấp hơn giáo viên trong nước. Đặc biệt, giáo viên nước ngoài không biết cách dạy ngữ pháp.
Với tư cách là một giáo viên và có bằng phiên dịch, đủ trình độ dạy tiếng Anh quốc tế, tôi không đồng ý việc này.
Tôi nghĩ, các trường nên tuyển chọn ra những giáo viên có trình độ, đưa họ đi bồi dưỡng ở các trung tâm quốc tế có uy tín, đảm bảo việc dạy của họ sẽ không hề thua kém giáo viên nước nào.
Làm được như vậy, chúng ra vừa bồi dưỡng cho giáo viên cho mình, vừa là nguồn tri thức của dân tộc mình.
- Hiện nay có nhiều chương trình tiếng Anh được các đơn vị giáo dục kết hợp các công ty tổ chức với học phí rất đắt đỏ. Ông có tin tưởng chất lượng của các chương trình này?
Hãy đặt câu hỏi "Ai là người đủ trình độ đứng ra để kiểm định những chương trình này đủ chất lượng hay không?". Tôi không tin những người trong thành phố có thể kiểm định được điều này.
Việc cấm giáo viên bản ngữ đặt tên tiếng Anh cho học sinh là hoàn toàn đúng đắn. Có thể chấp nhận ba người Mỹ, mẹ người Việt thì con có tên nửa Tây nửa Việt. Còn người Việt Nam có họ, có tên riêng đàng hoàng thì phải gọi đúng tên riêng.
- Cảm ơn ông đã chia sẻ!
Theo Vietnamnet