Rằm tháng Chạp còn gọi là ngày Vọng
Chia sẻ trên báo Kinh tế&Đô thị, Thạc sĩ, Chuyên gia văn hóa Nguyễn Đức Hiển - Viện nghiên cứu Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam tháng Chạp là từ để chỉ tháng cuối cùng của năm âm lịch (tháng thứ mười hai).
Ngoài ra, theo quan niệm văn hóa dân gian, tháng Chạp là tháng hay bị xui xẻo, là tháng có thể dễ mất mát tiền của, hay bị tai bay vạ gió. Chính vì vậy, nhiều người hao của vì những lý do không đâu.
Do đó, nhiều gia đình đã sắp xếp mâm cỗ cúng rằm tháng Chạp rất cẩn thận với hi vọng tai qua nạn khỏi, hết tai bay vạ gió.
Ngày rằm nói chung và ngày rằm tháng Chạp nói riêng còn được biết đến với tên gọi ngày Vọng. Đây là thời điểm có sự thông suốt của mặt trăng và mặt trời, điều đó có nghĩa con người và thần linh, tổ tiên tương thông với nhau, những lời cầu nguyện của con người sẽ dễ được đề đạt hơn.
Lễ cúng rằm tháng Chạp còn là cách để con người có thể đẩy lùi những thứ cũ kỹ sâu thẳm trong lòng. Tùy theo từng tập tục của mỗi địa phương mà lễ cúng rằm tháng Chạp lại có những quy định, thay đổi về thời gian khấn hay đồ lễ cúng khấn.
Gợi ý chuẩn bị mâm cỗ cúng ngày rằm tháng Chạp
Để chuẩn bị lễ cúng rằm tháng Chạp đầy đủ và tươm tất, gia chủ cần chú ý chuẩn bị những đồ lễ gồm hương, hoa tươi, trái cây, trầu cau, nước sạch, đèn nến, vàng mã, rượu, thuốc lá...
Gợi ý một mâm cơm cúng rằm trang trọng, đẹp mắt. Ảnh minh họa.
Đây là lễ chay cần có, các gia đình có thể chuẩn bị thêm lễ mặn tùy vào điều kiện kinh tế, nhưng thường sẽ có những món đặc trưng cho ngày Tết như gà luộc, xôi hoặc bánh chưng, giò chả, nem rán, thịt đông, canh miến, măng xào…
Văn khấn Thổ công cùng các vị chư thần
Nam mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần và sau cùng lạy 3 lạy)
Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Đông thần quân.
Con kính lạy ngài Bản gia thổ địa Long mạch.
Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức tôn thần.
Con kính lạy ngài tiền hậu địa chủ tài thần.
Con kính lạy các Tôn thần cai quản trong khu vực này.
Tín chủ con là: …
Ở tại: …
Hôm nay, ngày … tháng … năm … , gặp tiết Rằm tháng Chạp, Tín chủ con thành tâm sắm lễ hương hoa, trà quả, kim ngân, thắp nén hương thơm, dâng lên trước án, thành tâm kính mời: ngài Kim niên đương cai Thái tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng, chư vị Đại vương, ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ địa, Long mạch tôn thần, các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức chính thần, các vị Tôn thần cai quản trong khu vực này.
Con cúi xin các giáng lâm trước án, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con được cả nhà yên vui, công việc thuận lợi, tài lộc tăng tiến, tâm đạo được sáng suốt, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ trước án, cúi xin được các các Ngài phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần và sau cùng lạy 3 lạy).
Văn khấn cúng gia tiên
Nam mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần và sau cùng lạy 3 lạy)
Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ khảo, Tổ tỷ).
Tín chủ (chúng) con là: …
Ở tại: …
Hôm nay là ngày… tháng… năm, gặp tiết Rằm tháng Chạp. Tín chủ con thành tâm sắm lễ, hương, hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án, thành tâm kính mời các ngài: Bản cảnh Thành hoàng, chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần, cúi xin các ngài giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội, ngoại họ…, cúi xin thương xót con cháu linh thiêng hiện về, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời chư vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ tại nhà này, đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, phù hộ cho chúng con gia đình hòa thuận, sức khỏe dồi dào, công việc phát tài, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần và sau cùng lạy 3 lạy).
Rằm tháng Chạp còn được coi là lễ cúng tổng kết cho 1 năm, là bước chuẩn bị cho lễ cúng Giao thừa, đón Tết Nguyên Đán sắp về. Chính vì thế, lễ cúng Rằm tháng Chạp thường được chuẩn bị chỉn chu, tươm tất và nhiều nghi lễ, thủ tục hơn các lễ cúng rằm khác trong năm.
Tùy theo từng địa phương, từng gia đình mà phong tục này có phần khác biệt, nhưng về cơ bản vẫn giữ những nét chung trong nghi lễ cúng.
Theo ToQuoc