Lẩu tôm chua cay là món ăn đơn giản, dễ làm nhưng đòi hỏi thời gian chế biến. Tôm mua về xong, bạn phải rửa sạch, bỏ đầu và phần chỉ sau lưng. Để làm ra một nồi nước dùng đậm đà, ngọt thanh cũng cần có sự trợ giúp của cà chua, khế hay dứa. Nếu thích, bạn cũng có thể cho thêm cá và nghêu vào nồi lẩu. Bạn hãy mạnh dạn thêm một chút vị cay nếu không có trẻ con ăn cùng. Món lẩu tôm có thể ăn kèm với rau muống, bắp chuối và bún tươi. Ảnh: Getty.
Lẩu gà ta: Thưởng thức thịt gà mềm ngọt bên nồi lẩu cũng là một gợi ý không tồi vào dịp lễ. Từ một con gà, bạn có thể chế biến ra nhiều món lẩu khác nhau. Gà nấu nấm, gà lá é, gà lá giang hay gà tiềm ớt hiểm là những món dễ làm và cũng không mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, để có được nồi lẩu ngon, phần thịt gà đã chiếm đến 80%. Bạn nên chuẩn bị một con gà ta da vàng, loại gà này có thịt chắc, dai và rất ngọt. Ảnh: Shutterstock/guntabunta.
Lẩu Thái với hương vị chua cay đã trở thành một trong những món ăn được ưa chuộng tại Việt Nam. Cách nấu món này không quá cầu kỳ, quan trọng nhất là phần chuẩn bị nước lẩu. Hải sản phải tươi mới có thể tạo nên vị ngọt tự nhiên. Đặc biệt, một vài lá chanh hay sả cây sẽ giúp nước lẩu có vị thanh hơn. Nếu có nghêu trong bàn tiệc, bạn hãy nhớ nêm nhạt hơn một chút để tránh việc nước nghêu ra làm mặn nồi lẩu. Ảnh: Getty.
Lẩu sumo (Chanko Nabe) là một món ăn nổi tiếng đến từ Nhật Bản. Nếu bạn đang loay hoay tìm một món lẩu thơm ngon, lạ miệng để chiêu đãi mọi người thì đây là sự lựa chọn tuyệt hảo. Đặc biệt, món ăn này không có công thức nấu cụ thể. Bạn có thể chọn những nguyên liệu tùy thích để cho vào nổi lẩu của mình. Tuy nhiên, để tạo ra hương vị của một nồi lẩu sumo chính hiệu, bạn cần phải tuân thủ theo công thức. Nước hầm gà, nước tương hay xì dầu là những nguyên tắc “bất di bất dịch” để tạo vị ngon cho lẩu Chanko Nabe. Ảnh: Getty.
Lẩu ghẹ: Ngoài những món lẩu truyền thống thường gặp như lẩu hải sản, lẩu bò, lẩu dê, lẩu Thái… lẩu ghẹ sẽ trở nên lạ miệng hơn với mọi người. Món lẩu ghẹ đậm chất Nam Bộ với thịt ghẹ ngọt lịm, béo ngậy cùng nước lèo chua cay hấp dẫn sẽ khiến người ăn không thể nào dừng đũa. Ghẹ sẽ làm hương vị nước lẩu thêm đậm đà. Ngoài ra, bạn có thể cho thêm vào nồi lẩu một ít nghêu trắng, đậu, nấm, rau để ăn cùng. Thịt ghẹ chấm với muối ớt chanh sẽ là cái kết hoàn hảo cho một bữa lẩu no nê. Ảnh: Getty.
Lẩu mắm là món ăn đặc trưng của người miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, nếu ưa thích hương vị đậm đà, bạn có thể thử nấu món ăn này để chiêu đãi cả nhà hay bạn bè. Hương vị ngọt ngọt, cay cay hòa quyện cùng mùi thơm đặc trưng của mắm đã tạo nên một món ăn hấp dẫn. Nước làm lẩu được lấy từ nước dừa hay nước hầm xương lợn. Lẩu mắm thường ăn kèm với các loại rau đồng mọc hoang như bông súng, cù nèo, bắp chuối, hẹ... Ảnh: Indochinatours.
Lẩu cá: Cá trắm là loại cá chứa nhiều chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe như canxi, protein, sắt… Thịt của cá trắm dai, ngọt, thơm nên rất thích hợp để nấu lẩu. Bạn có thể mua một con cá 1,5 kg cho 6-7 người ăn. Ngoài ra, cá chép, cá diêu hồng hay cá lóc cũng là lựa chọn tuyệt vời cho một nồi lẩu. Nước dùng của lẩu cá mang hương vị rất đặc trưng nhờ phần đầu và xương cá ninh. Món lẩu cá có thể ăn kèm với nhiều nguyên liệu khác nhau. Ảnh: Chinasichuanfood.
Theo Zing