12 năm vẫn bảo lưu đề xuất gộp Tết

Giáo sư Võ Tòng Xuân - người đã đưa ra quan điểm gộp Tết tây - Tết ta suốt 12 năm qua, và trong suốt chừng ấy năm cũng gây rất nhiều ý kiến trái chiều. Bản thân Giáo sư Xuân cũng cảm thấy vui mừng khi nhận được không ít sự đồng tình, cùng quan điểm với mình. Nhưng bên cạnh đó, rất nhiều người cũng cho rằng truyền thống vẫn là cái cốt lõi của giá trị văn hóa Việt.

Chia sẻ quan điểm về đề xuất của mình 12 năm qua, Giáo sư Võ Tòng Xuân nói: “12 năm qua tôi vẫn thấy ý kiến đề xuất của tôi đúng, đến thời điểm hiện nay tôi vẫn bảo lưu quan điểm của mình”.

Gộp Tết tây và Tết ta: 12 năm qua, vị giáo sư vẫn bảo lưu quan điểm-1
Giáo sư Võ Tòng Xuân - người khởi xướng quan điểm gộp Tết tây - Tết ta suốt 12 năm qua.

Lý giải thêm cho quan điểm gộp Tết, vị giáo sư này nói: “Thực tế cho thấy, tất cả các nước phát triển trên thế giới họ đều ăn theo Tết dương, duy nhất chỉ còn lại Việt Nam và Trung Quốc là ăn Tết âm lịch. Trong xu thế phát triển chung của thế giới, Việt Nam cần thay đổi để bắt nhịp xu thế, từ đó mới đưa nền kinh tế nước nhà sánh kịp các cường quốc”.

“Rất nhiều các tập đoàn, công ty, đơn vị nước ngoài đặt trụ sở, nhà máy tại Việt Nam. Chính vì vậy, họ phải phụ thuộc vào kỳ nghỉ Tết âm quá dài của chúng ta nên ảnh hưởng không ít đến công việc, năng suất cũng như đóng góp cho đất nước mình. Nếu chúng ta gộp Tết sẽ loại bỏ hết những điều vướng mắc đó giúp đất nước phát triển hơn”, Giáo sư Xuân phân tích.

Gộp Tết tây và Tết ta: 12 năm qua, vị giáo sư vẫn bảo lưu quan điểm-2
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, chúng ta phải đánh đổi để đưa nền kinh tế đất nước đi lên.

Ngoài ra, Giáo sư Xuân cũng cho rằng việc ăn Tết lịch âm của người Việt hiện nay cũng gây lãng phí, ăn uống, nhậu nhẹt, vui chơi quá nhiều.

Trước ý kiến của nhiều người cho rằng, việc gộp Tết sẽ làm mất đi văn hóa, truyền thống vốn có của Việt Nam. Giáo sư Xuân cho hay: “Thời gian trôi đi, những phong tục tập quán truyền thống cũng phải cải tiến, thay đổi.

Thực tế, nhiều vùng dân tộc thiểu số của nước ta hoặc những vùng Châu Phi họ giữ những phong tục xưa thì họ phải chịu cảnh không giàu có, phát triển như những nơi khác được. Bản thân tôi không hề muốn người dân cứ phải chịu cảnh nghèo hoài, muốn tất cả mọi người đều phải giàu lên, từ đó đưa đất nước sánh vai cùng các nước phát triển”.

Có thể việc gộp Tết là xu thế trong tương lai

Liên quan đến vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Hảo (Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển phụ nữ Hà Nội) cũng nêu quan điểm, ở thời điểm hiện tại để gộp Tết Dương lịch - Tết Âm lịch chắc chắn chưa thể thực hiện được và điều đó có thể diễn ra theo xu thế trong tương lai.

Nói thêm về điều này, bà Hảo nêu quan điểm: “Việt Nam chúng ta đang trong xu thế hội nhập cùng các nước quốc tế, trong đó có sự kết nối giữa văn hóa, đời sống tinh thần, vật chất. Tuy nhiên, khi hội nhập, chúng ta có chung màu sắc, bản sắc về dịp nghỉ lễ Tết theo các nước khác là xu thế trong tương lai”.

Gộp Tết tây và Tết ta: 12 năm qua, vị giáo sư vẫn bảo lưu quan điểm-3
Có thể trong tương lai Việt Nam sẽ theo xu hướng chung của thế giới về ăn Tết.

“Để đạt được điều đó thì người Việt cần sự vững vàng. Việc gộp Tết tây - Tết ta làm sao để vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống. Thậm chí, người dân phải có tầm nhận thức, tầm văn hóa tốt hơn, trong khi đó hiện nay sự phát triển chưa đồng đều giữa các vùng miền chưa đủ để đồng loạt triển khai việc gộp Tết thành một”, bà Hảo nêu quan điểm.

Hiện nay, nhiều nơi, nhiều vùng miền vẫn quá đặt nặng việc lễ nghi, hủ tục vào các dịp lễ Tết, bà Hảo nói: “Trong tương lai, có thể khi đất nước đủ mọi điều kiện thì chúng ta cũng có thể gộp Tết vào để giảm bớt thời gian lễ lạt, hủ tục quá nhiều, giảm bớt những hoạt động vui chơi quá đà trong dịp lễ Tết. Từ đó chúng ta mới hội nhập và văn minh hơn”.

Gộp Tết tây và Tết ta: 12 năm qua, vị giáo sư vẫn bảo lưu quan điểm-4
Giá trị truyền thống cần được hòa nhập với nền văn hóa của các nước phát triển.

“Hiện nay, rất nhiều gia đình Việt, đặc biệt là gia đình trẻ và chị em phụ nữ thường dành kỳ nghỉ Tết Dương lịch hoặc Tết Âm lịch để đi du lịch thay vì dành trọn vẹn cho gia đình, họ tộc. Theo quan điểm của tôi, đây là xu hướng mới mà bản thân những người trẻ tiếp thu được từ các nước phát triển. Đây là một điều thật sự có ý nghĩa khi dành 1/3 thời gian cho gia đình, họ tộc, tổ tiên còn 2/3 thời gian còn lại để đi du lịch, nghỉ ngơi.

Rõ ràng đây là điều mới mẻ, họ vẫn có thời gian dành cho gia đình, những ngày còn lại đi du lịch nhằm lấy lại sức khỏe, tinh thần…, điều này theo tôi rất tốt. Chúng ta cần phải cởi mở, cần sử dụng ngày nghỉ vừa mang đậm chất truyền thống, vừa cởi mở theo xu thế mới hơn, tiện nghi hơn, đời sống tinh thần nâng cao hơn”.


Theo Báo Gia đình và Xã hội