Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần vừa qua trên địa bàn Thủ đô chỉ ghi nhận 16 ca mắc Covid-19 và không có ca tử vong. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, thành phố đã có 147 ca F0 mới, giảm so với cùng kỳ năm 2022.
CDC Hà Nội nhận định tình hình dịch vẫn đang được kiểm soát, cần được tiếp tục theo dõi chặt tránh lơ là, chủ quan.
Thành phố vẫn đang theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh trên thế giới, Việt Nam và Hà Nội để kịp thời đề xuất các biện pháp phòng chống dịch kịp thời.
Đáng chú ý, 2 dịch bệnh vốn đã hạ nhiệt từ đỉnh là sốt xuất huyết và tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng trở lại. Cụ thể:
Sốt xuất huyết
Một bệnh nhân sốt xuất huyết đang được điều trị (Ảnh: Minh Nhân).
Trong tuần 10, theo báo của CDC Hà Nội, Thủ đô có thêm 14 ca mắc sốt xuất huyết mới. Số ca mắc tăng 4 trường hợp so với tuần trước (10 ca).
Cộng dồn năm 2023, toàn thành phố có 164 ca mắc sốt xuất huyết, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Số ca mắc tăng 18,2 lần so với cùng kỳ năm 2022 (9 ca mắc, 0 ca tử vong). Bệnh nhân phân bố tại 23/30 quận, huyện, thị xã; 108/579 xã, phường, thị trấn.
Trong tuần không ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết mới. Cộng dồn năm 2023, đã có tổng cộng 5 ổ dịch được phát hiện.
Theo nhận định của CDC Hà Nội, hiện vẫn chưa ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết phức tạp. Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới có thể vẫn sẽ tiếp tục ghi nhận bệnh nhân tại các quận, huyện, thị xã.
Theo số liệu báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cộng dồn năm 2023, khu vực miền Bắc ghi nhận 412 trường hợp mắc sốt xuất huyết, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (49 ca mắc), số ca mắc tăng gấp 7,4 lần.
Tay chân miệng
Bệnh nhi điều trị tay chân miệng (Ảnh: Đức Trịnh).
Trong tuần vừa qua, Hà Nội ghi nhận 37 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 13 trường hợp so với tuần trước (24 ca). Cộng dồn năm 2023, Thủ đô đã có 117 ca mắc; 0 ca tử vong; số ca mắc tăng 117 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đánh giá của CDC Hà Nội, mặc dù số ca mắc tay chân miệng có sự gia tăng so với tuần trước nhưng hầu hết ca bệnh là tản phát. Người dân không được chủ quan và đề cao việc phòng bệnh, vì trong thời gian tới có thể vẫn sẽ tiếp tục ghi nhận bệnh nhân.
Các dịch bệnh khác
Trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận một ca mắc uốn ván. Bệnh nhân là nam, 57 tuổi, làm nghề thợ xây, địa chỉ Lê Dương, Tam Hưng, Thanh Oai. Khoảng 6 tháng trước, bệnh nhân được phẫu thuật xương gót chân trái, hiện tại vết mổ còn đóng vảy, sưng nề nhiều do đi lại.
Ngày 4/3 bệnh nhân xuất hiện triệu chứng cứng hàm, nói khó, được người nhà đưa vào điều trị tại Bệnh viện Quân y 103, được chẩn đoán: Uốn ván giai đoạn toàn phát.
Một trường hợp nhiễm liên cầu lợn cũng được ghi nhận tại Quốc Oai.
Cụ thể, bệnh nhân là nam, 51 tuổi, địa chỉ tại Đông Hạ, Đông Yên, Quốc Oai.
Bệnh nhân không có tiền sử ăn lòng lợn tiết canh hay tham gia giết mổ lợn. Ngày 24/2 bệnh nhân xuất hiện sốt cao, đau đầu nhiều, đau mỏi người, tự điều trị tại nhà không đỡ. Đến 28/2 đau đầu nặng lên, ý thức lơ mơ, kích thích nên bệnh nhân được người nhà đưa vào điều trị tại bệnh viện quân Y 103. Kết quả cấy máu và dịch não tủy dương tính với vi khuẩn Streptococcus Suis.
Các dịch bệnh khác như sởi, ho gà, não mô cầu: Trong tuần Hà Nội không ghi nhận ca bệnh. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc các dịch bệnh khác đều tương đương.
Tuy nhiên, CDC Hà Nội nhận định, thời gian tới, các bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường hô hấp như cúm, thủy đậu, ho gà, sởi, adenovirus... có thể gia tăng.
Theo Dân trí