Hội trường Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trở thành phòng bệnh vào trưa 9/8. ảnh: Q.T
Khám 1.000 bệnh nhân/ngày
11 giờ 30 trưa 9/8, hành lang tầng 3 tòa nhà Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khu vực thuộc Khoa Viêm gan vẫn còn hàng trăm người chờ đến lượt được tái khám sốt xuất huyết. Đây là số bệnh nhân được bệnh viện cho điều trị tại nhà.
Đội ngũ y bác sĩ làm việc rất khẩn trương, tuy nhiên rất nhiều bệnh nhân vẫn phải chờ đến lượt khám. Trong tuần qua, số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng đột biến với 800-1.200 người mỗi ngày. Để giảm tải cho Khoa Khám bệnh, bệnh viện đã mở thêm 10 phòng tái khám sốt xuất huyết tại khoa Viêm gan.
Bà Nguyễn Thị Đào (Ngõ Chợ, Khâm Thiên, quận Đống Đa) đang chờ tới lượt tái khám nhận xét: “Hôm nay, còn đỡ đông, các ngày cuối tuần và đầu tuần có hàng nghìn người đến khám”. Bà Đào là người đầu tiên “dính” sốt xuất huyết trong gia đình.
“Cách đây hơn 1 tuần, sau khi bị ướt mưa, tối về sốt cao 40 độ, chỉ nghĩ do cảm lạnh thông thường nên tôi chỉ uống hạ sốt nhưng đo vẫn 39 - 40 độ suốt 3 ngày liền. Sang ngày thứ 4 mẩn đỏ khắp người, gia đình mới hốt hoảng đưa đi viện. Kết quả xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết. Hôm nay, tôi đi kiểm tra lại”.
Trong một xét nghiệm mới nhất, tiểu cầu của của bà đã xuống dưới 5.000/ml, nên được chỉ định truyền tiểu cầu gấp. Sau 3 ngày điều trị, sức khỏe của bà đã dần hồi phục. Bà Đào nhẩm tính, phải sang đầu giờ chiều hôm nay mới đến lượt mình được khám lại.
Trong khi đó ở tầng 6, hội trường chính của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã thành khu “dã chiến” khi trở thành nơi khám chữa bệnh. Trưa ngày 9/8, hơn 20 giường bệnh tạm thời đều đã kín bệnh nhân. Những bệnh nhân nằm điều trị tại đây đều mắc sốt xuất huyết.
Được biết, khu điều trị tạm thời này được mở ra từ ngày 7/8 do số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám chữa bệnh tại bệnh viện tăng gấp 4 đến 5 lần bình thường. Từ khi khu điều trị được mở tại Hội trường Bệnh viện, ở đây không lúc nào có giường bệnh trống.
Chiều 7/8 đã có thêm một bệnh nhân ở Hà Nội tử vong do sốt xuất huyết nặng. Đó là chị N.T.N 36 tuổi, ở quận Hoàng Mai – một điểm nóng về dịch sốt xuất huyết hiện nay. Chị N. nhập viện ngày 23/6 trong tình trạng sốt cao, đau tức hạ sườn và bị sốc. Mặc dù được điều trị tích cực nhưng do bệnh diễn biến nặng nên từ cuối tháng 7/2017, bệnh nhân đã bị hôn mê, rối loạn đông máu, não tổn thương không hồi phục, thận tổn thương nặng, suy đa tạng rồi qua đời.
Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thông tin, mỗi ngày có tới 800 - 1.000 bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám, số nhập viện chỉ chiếm 5-8%. Hội trường của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã được trưng dụng thành khu điều trị SXH ban ngày để điều trị bệnh nhân trong giai đoạn đầu, bị sốt cao, mệt mỏi, phải truyền dịch. Nếu không có dấu hiệu nặng, buổi tối bệnh nhân được về nhà, hôm sau đến tái khám.
Trao đổi với chúng tôi, ThS.BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, trước tình hình dịch bệnh SXH gia tăng như hiện nay, nhân viên y tế đã phải làm việc hết công suất để phục vụ người bệnh. Để chống dịch, các bác sĩ đã phải làm ngoài giờ, làm việc cả ngày nghỉ, hủy bỏ nghỉ phép, tuân thủ mọi lệnh điều động đáp ứng cho nhu cầu khám chữa của người bệnh.
Nhiều bệnh viện... quá tải
Xếp hàng tái khám sốt xuất huyết tại B.V Bệnh Nhiệt đới Trưng ương
Không chỉ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mà các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội tiếp tục gia tăng bệnh nhân, chịu áp lực rất lớn về việc điều trị người mắc SXH. Phương án phổ biến ở những điểm nóng trị SXH là phải huy động tối đa nhân viên y tế để phục vụ người bệnh, bác sĩ làm việc hết công suất, không chỉ trong giờ, các bác sĩ đều phải làm cả ngoài giờ, làm ngày nghỉ, không được nghỉ phép trong thời điểm căng thẳng này.
Ghi nhận tại Bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh nhân SXH tính đến chiều 9/8 chưa có chiều hướng giảm, tiếp tục làm tình hình căng thẳng. Các ngày 7, 8 và 9/8, mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận và điều trị trung bình 300 bệnh nhân SXH. Bệnh nhân chủ yếu đến từ của hai "điểm nóng" SXH là 2 quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng.
Đại diện Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, do số lượng bệnh nhân nhập viện tăng đột biến, có khoảng hơn 500 bệnh nhân SXH nội trú. Các khoa, phòng điều trị nội trú của BV Thanh Nhàn phải kê thêm giường bệnh, dành riêng một khu khám và điều trị để thu dung bệnh nhân SXH.
Chiều 9/8, có mặt tại đây, chúng tôi cũng chứng kiến cảnh một số khoa, nhân viên y tế vẫn phải dồn phòng, kê thêm giường bệnh, tăng cường bác sĩ trực. Khoa Cấp cứu, trước đây một kíp trực chỉ 3 bác sĩ trực, hiện nay tăng lên 5 bác sĩ.
Bệnh viện Đống Đa cũng trong tình trạng quá tải, một nửa số bệnh nhân đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Đống Đa là bị SXH. Số giường thực kê của bệnh viện khoảng 330-350 giường; trong khi có đến 210 bệnh nhân SXH.
Chỉ tính khoa Truyền nhiễm từ 50 giường được kê thành 85 giường để điều trị cho 150 bệnh nhân nội trú. Ngoài ra, bệnh viện còn phải bố trí bệnh nhân SXH nằm điều trị tại một số khoa khác để giảm tải. Đại diện bệnh viện này cũng cho hay mỗi ngày, khoảng 400-500 người mắc SXH đến khám và 20% số đó nhập viện mỗi ngày.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 71.000 trường hợp mắc SXH, đã có 19 người tử vong, Hà Nội có gần 12.000 bệnh nhân, với 6 ca tử vong do SXH. Trong tuần đầu tiên của tháng 8, toàn thành phố ghi nhận hơn 2.700 bệnh nhân SXH, tăng 400 trường hợp so với tuần trước và tăng gần gấp đôi so với tuần trước nữa.
ThS. Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đống Đa cho biết, khoa Truyền nhiễm phải kê thêm giường bệnh, giường gấp ở phòng khám cấp cứu. Toàn bộ hành lang, phòng bác sĩ cũng được tận dụng để kê thêm giường bệnh. Tuy nhiên, vẫn không “chống đỡ” được lượng bệnh nhân SXH ngày một đông.
Ghi nhận cho thấy toàn bộ khoa Nội 1 được dành để thu dung bệnh nhân SXH; một số khác được bố trí nằm ở khoa Nhi. Nếu số bệnh nhân tiếp tục tăng lên, Bệnh viện sẽ huy động thêm số giường khoa Nội 1 và khoa Nội 3.
Theo Gia Đình & Xã Hội