Hai vợ chồng ông Tuấn cùng cậu con trai xem lại sổ khám chữa bệnh sau khi đi Việt được đưa đi khám ở Bệnh viện Bạch Mai về nhà.
4 người 5 quả thận
Nhắc tới gia đình ông Phạm Minh Tuấn (55 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thúy Hạnh (48 tuổi), người dân ở khu phố Võng Thị (phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) không ai không biết đến.
Bởi, hai vợ chồng ông Tuấn có một hoàn cảnh vô cùng éo le, đặc biệt khi gia đình ông có 4 người nhưng chỉ có 5 quả thận.
Trong đó, vợ ông Tuấn là bà Nguyễn Thị Thúy Hạnh và người con trai cả là Phạm Đình Việt (SN 1996) và con gái là Phạm Thị Hải Yến (SN 2004), mỗi người chỉ có một quả thận. Duy chỉ có ông Tuấn là còn cả 2 quả thận.
Không chỉ thế, bà Hạnh và Việt còn bị điếc nặng. Mọi sinh hoạt hàng ngày muốn giao tiếp với người thân, hàng xóm thì bà Hạnh và Việt phải đeo máy trợ thính.
Gia đình nhà ông Tuấn tuy có 4 người, nhưng 3 người không làm được việc nặng, trụ cột chính trong gia đình đều do ông Tuấn lo toan và một phần nhờ vào sự trợ giúp của các anh, chị hai bên nội, ngoại.
Mỗi lần đi khám sức khỏe về, Việt và mẹ lại chăm chú ngồi so sánh kết quả khám của những tháng trước.
Mặc dù điều kiện kinh tế gia đình vô cùng khó khăn, vất vả nhưng mỗi tháng hai vợ chồng ông Tuấn phải lo từ 10 đến 15 triệu đồng tiền khám, thuốc chữa bệnh cho căn bệnh viêm cầu thận cấp độ 2 của con trai.
Và, cũng gần 5 năm nay, hàng tháng Việt đều phải ra khoa thận của Bệnh viện Bạch Mai để thăm khám, điều trị. Công việc chính của ông Tuấn là làm bảo vệ cho một công trình ở khu vực nghĩa trang Mai Dịch (quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội).
Hàng ngày, ông Tuấn đi xe đạp mất gần 1 tiếng từ nhà đến chỗ làm. Lương bảo vệ, một tháng nếu làm đầy đủ cũng chỉ được 3 – 3,5 triệu đồng, không đủ để lo việc gia đình và ăn uống hàng ngày nên hai vợ chồng ông phải đi vay mượn khắp nơi để có tiền khám, chữa bệnh cho con.
Nhiều đêm, thấy con đau, gầy ốm hơn so với chúng bạn cùng trang lứa, vợ chồng ông Tuấn chỉ biết ôm nhau khóc. Nhưng, ngày hôm sau, hai vợ chồng vẫn cố cười nói vui vẻ không để cho các con biết nỗi buồn, suy nghĩ trong lòng bố mẹ.
Kết quả kiểm tra sức khỏe của bà Hạnh và con gái cho thấy, không thấy thận phải trong hố thận.
"Gia đình nhà chú Tuấn là khổ nhất, nhì cái khu này nhưng hai vợ chồng chẳng bao giờ nói ra cùng ai. Lúc nào vợ chồng chú ấy cũng vui vẻ, hạnh phúc, chưa bao giờ mọi người trong khu phố thấy nhà chú ấy lớn tiếng, cãi nhau.
Chắc hiếm có ai trong xã hội này lại có hoàn cảnh éo le như nhà chú Tuấn, khi nhà 4 người thì 3 người mỗi người chỉ có một quả thận. Người có 2 quả thận bình thường còn đau yếu triền miên nói gì đến những người chỉ có một quả.
Hàng tháng, cả gia đình thay phiên nhau vào viện, hết vợ rồi đến con. Gia đình chú Tuấn, bây giờ có cháu Việt là bị bệnh nặng nhất khi thường xuyên phải vào Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.
Không chỉ bị thiếu một quả thận và bị bệnh viêm cầu thận cấp độ 2, cháu Việt còn bị rất nhiều bệnh khác, 2 tai giờ đã bị điếc rất nặng nếu bỏ máy trợ thính ra thì không thể nghe thấy gì.
Gia đình chú ấy nghèo khổ, vất vả, các con cái bệnh tật là thế nhưng trong nhà lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười", bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, chi hội trưởng chi hội phụ nữ 15 thuộc liên hiệp phụ nữ phường Bưởi tâm sự cùng PV về hoàn cảnh gia đình vợ chồng ông Tuấn.
Theo lời bà Hạnh (vợ ông Tuấn) thì việc gia đình bà có 4 người nhưng lại chỉ có 5 quả thận có thể là do di chứng từ thời kháng chiến chống Mỹ.
Kết quả kiểm tra sức khỏe của em Việt xác định ngoài việc khuyết một bên thận trái, em còn bị điếc nặng hai tai.
Trong một lần, máy bay Mỹ thả bom xuống Hà Nội, không may em trai bà Hạnh hy sinh. Sau đó, mẹ bà Hạnh đi nhặt xác con trong lúc đang mang bầu bà.
Theo bà Hạnh thì rất có thể, trong lúc đi nhặt thi thể của con trai, mẹ của bà đã bị nhiễm chất độc hóa học từ bom mìn và lây sang bào thai đang mang trong bụng.
Bà Hạnh là là con thứ 4 trong gia đình có 6 anh em. Tuy nhiên, chỉ có một mình bà là khuyết thiếu một quả thận, thính và thị lực đều yếu hơn người bình thường rất nhiều.
Ông Tuấn và vợ xem lại phiếu kiểm tra sức khỏe của con trai Phạm Minh Việt.
Điều đáng tiếc nhất là những gen xấu đó đã di truyền sang cả con trai và con gái của bà Hạnh. Khi cả con trai và con gái của hai vợ chồng bà sau khi sinh ra, mỗi người cũng chỉ có một quả thận.
"Ngày trước, y học chưa phát triển như bây giờ nên ban đầu tôi cũng không biết vợ mình bị khuyết một quả thận.
Vào năm 1996, sau khi sinh thằng Việt, vợ tôi đau ốm triền miên, người lúc nào cũng dặt dẹo, đi lại không vững. Khi đó, gia đình đi khám thì các bác sĩ bảo vợ tôi chỉ có một bên thận.
Kể từ ngày đó, sức khỏe vợ tôi ngày một suy kiệt và không thể làm được việc nặng. Một thời gian sau, hai tai của vợ tôi cứ điếc dần và phải đeo máy trợ thính.
Còn thằng Việt sau khi sinh thì phát triển bình thường như những đứa trẻ khác trong làng. Tuy nhiên, đến năm lên lớp 5, thằng bé rất to, béo và trong một lần đang ngồi học ở lớp thì nó bị ngất xỉu.
Khi gia đình đưa đi cấp cứu mới phát hiện ra nó giống mẹ cũng bị khuyết một quả thận. Khi sinh đứa con gái thứ 2, vợ chồng tôi đưa cháu đi khám thì con bé cũng bị khuyết một quả thận giống mẹ", ông Phạm Minh Tuấn buồn rầu chia sẻ với PV.
Mặc dù vợ, 2 con bị thiếu một bên thận và bệnh nặng nhưng ông Tuấn luôn vui vẻ, lạc quan và lo cho gia đình những điều tốt nhất có thể.
Mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con
Mặc dù bị thiếu một quả thận, hai bên tai bị điếc nặng và hiện tại Việt đang đeo những loại máy trợ thính tốt nhất nhưng không vì bệnh tật trong người có thể làm giảm đi ý chí phấn đấu của em.
Hiện, Việt đang theo học lớp Cao đẳng nghề văn thư hành chính của trường Đại học Nội vụ Hà Nội.
Sức khỏe yếu là thế, nhưng trong tâm tưởng của Việt, em luôn luôn cố gắng phấn đấu, quyết tâm học tập thật tốt để không phụ lòng ba mẹ đã ngày đêm chăm sóc.
Và, cố gắng học thành tài để mai sau có một công việc ổn định phụ giúp gia đình và cũng là để chứng tỏ cho những người trước đây đã từng chê bai mình.
Mặc dù mang trong mình nhiều căn bệnh, khuyết một quả thận và bị điếc nặng hai tai nhưng Việt rất chăm chỉ, chịu khó học tập để không phụ lòng cha mẹ nuôi dưỡng.
"Cứ đầu tháng, hai mẹ con lại đèo nhau đi xe đạp từ nhà ra Bệnh viện Bạch Mai để thăm khám, mua thuốc. Nếu tháng nào mà bệnh của con thuyên giảm thì bác sĩ sẽ cắt thuốc liều nhẹ. Còn tháng nào bệnh nặng các bác sĩ cắt thuốc liều cao cho con uống.
Nhìn thằng bé gầy gò, tôi thương lắm nhưng không biết phải giúp con thế nào. Nhiều đêm, thấy con tắt đèn đi ngủ, tôi lại dậy ngắm, nhìn trộm con. Nhìn thằng bé ngủ, mà nước mắt rơi lúc nào không hay.
Giờ, tôi chỉ mong muốn bệnh tật của hai đứa dồn hết về cho tôi gánh chịu còn chúng được khỏe mạnh như những đứa con nhà người khác…", bà Hạnh nghẹn ngào tâm sự.
Theo Trí Thức Trẻ