Thống kê từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 1.422 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm so với cùng kỳ năm 2019, nhưng đã có trường hợp tử vong. Sở Y tế nhận định dịch bệnh sẽ có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Do đó yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, TTYT quận, huyện, thị xã, các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, điều trị cho người bệnh sốt xuất huyết.
Sở Y tế yêu cầu CDC giám sát chặt chẽ chỉ số bọ gậy, muỗi và tình hình bệnh nhân để cảnh báo các đơn vị về nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết. Hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch sốt xuất huyết cho các TTYT và hỗ trợ các đơn vị này triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diện rộng tại các khu vực có nguy cơ theo chỉ định. Rà soát cơ số phòng chống dịch của ngành, đảm bảo cung ứng đủ hóa chất, phương tiện phục vụ công tác phòng chống dịch.
Ảnh minh họa.
Sở Y tế cũng chỉ đạo các TTYT thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn về phòng chống dịch. Tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch cần tổ chức họp tổ dân phố, cụm dân cư để tuyên truyền trực tiếp cho người dân về tình hình dịch tại khu vực đang sinh sống và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch để người dân chủ động phòng chống. Củng cố, tăng cường đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch; rà soát và có kế hoạch bổ sung đầy đủ nhân lực cũng như trang thiết bị, hóa chất để đáp ứng hiệu quả công tác phòng chống dịch.
Đối với các cơ sở khám chữa bệnh cần rà soát, điều chỉnh các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh; đánh giá đúng tình trạng người bệnh để có biện pháp điều trị phù hợp. Tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn người bệnh và người nhà biết cách chăm sóc, theo dõi diễn biến người bệnh để có thể xử trí kịp thời. Tích cực theo dõi người bệnh, đặc biệt trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ, chuyển tuyến kịp thời những ca bệnh nặng, vượt quá khả năng. Đồng thời, tại mỗi đơn vị cần đáp ứng đủ nhân lực, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị y tế, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh, hạn chế tử vong do dịch bệnh sốt xuất huyết.
Trước đó, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một bệnh nhân trẻ tuổi nhiễm sốt xuất huyết nhưng đã bị ngừng tim30 phút do sốc truyền dịch tại nhà, không vào viện điều trị. Các bác sĩ tiến hành cấp cứu, ép tim, nhưng sau đó bệnh nhân lại ngừng tim lần 2. Dù đặt ECMO (tim phổi nhân tạo), nhưng do tình trạng quá nặng, nam thanh niên đã tử vong 2 ngày sau, chẩn đoán suy đa tạng.
PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp sốt xuất huyết, trong đó một số trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh nhân suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính,…
Tại Hà Nội, từ đầu hè, các ca sốt xuất huyết ban đầu ở ngoại thành như Hoài Đức, Đan Phượng, Thường Tín,… đã lan dần vào các khu vực trung tâm như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai.
Các chuyên gia khuyến cáo, triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.
Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với Covid-19 như: sốt, đau mỏi cơ. Do đó nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.
Theo Tiền Phong