Trong văn bản giao nhiệm vụ tới các sở, ngành về việc mở lại đường bay từ TP.HCM và Đà Nẵng, UBND Hà Nội công bố kèm theo danh sách 20 khách sạn được dùng để cho người về từ TP.HCM cách ly tập trung.

Đáng chú ý, hơn nửa số cơ sở lưu trú này là khách sạn 4-5 sao, có giá thuê phòng thuộc loại đắt nhất tại Hà Nội như Khách sạn Hyatt Regency West, Khách sạn Sofitel Legend Metropole, Khách sạn InterContinental, Khách sạn Mường Thanh Grand Xa La...

Trước một số ý kiến cho rằng việc TP công bố danh sách 20 khách sạn này có thể khiến người dân muốn đến Hà Nội e ngại do chi phí cách ly tập trung tại những nơi này quá cao, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND Hà Nội (người ký văn bản trên) đã trao đổi về vấn đề này.

Theo ông Quyền, việc mở lại đường bay nội địa giữa TP.HCM và Đà Nẵng đến Hà Nội đã được UBND TP thống nhất với Bộ GTVT cũng như các địa phương liên quan.

Việc công bố danh sách khách sạn cách ly tập trung nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân đến từ TP.HCM (phải cách ly tập trung 7 ngày).

Hà Nội phản hồi về 20 khách sạn hạng sang dùng cách ly y tế-1
Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền. Ảnh: Quỳnh Trang.

Những cơ sở này phải đáp ứng các điều kiện cần thiết về trang thiết bị, vệ sinh, khử khuẩn, điều kiện cách ly thì mới được TP phê duyệt vào danh sách.

"Hoàn toàn không có chuyện TP yêu cầu người về TP phải cách ly tập trung trong những khách sạn đó. Đây là lựa chọn của người dân, khi họ không có nhu cầu thì sẽ được chuyển về các cơ sở cách ly tập trung sẵn có của TP", ông Quyền nói.

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh người dân cũng được phép lựa chọn những dịch vụ kèm theo khi cách ly ở khách sạn để giảm thiểu chi phí. Về chi phí cách ly cụ thể sẽ do Sở Tài chính, Sở Du lịch chỉ đạo để các cơ sở lưu trú thống nhất làm theo.

Cũng theo Phó chủ tịch UBND Hà Nội, 20 khách sạn này mới là danh sách ban đầu, khi số lượng người về Hà Nội nhiều thêm và các đường bay khác được mở lại, TP sẽ bổ sung các khách sạn khác vào danh sách này.

Ông Quyền nói việc này vừa tạo thuận tiện cho người dân vừa giúp san sẻ gánh nặng với các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch.

Trước đó, UBND Hà Nội thống nhất từ ngày 10 đến 20/10 tổ chức khai thác đường bay giữa Hà Nội - TP.HCM và Hà Nội - Đà Nẵng với tần suất một chuyến mỗi ngày (2 chiều), ngồi giãn cách 50% công suất. Đường bay từ các địa phương khác đến Hà Nội tạm thời chưa khai thác.

Với hành khách từ sân bay Tân Sơn Nhất về Nội Bài và lưu trú tại Hà Nội, UBND thành phố yêu cầu có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, trong đó liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng (trường hợp chưa đủ điều kiện tiêm chủng đi cùng người thân thì theo hướng dẫn của Bộ Y tế).

Ngoài ra, người lên máy bay đến Hà Nội phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành; tuân thủ “thông điệp 5K"; khai báo y tế tại điểm xuất phát và điểm đến, cách ly tập trung 7 ngày tại khu cách ly tập trung các cơ sở lưu trú (khách sạn) do TP công bố.

Hà Nội phản hồi về 20 khách sạn hạng sang dùng cách ly y tế-2

Danh sách 20 khách sạn ở Hà Nội được cách ly tập trung. Nguồn: UBND Hà Nội.

Theo Zing